Vững vàng trên đường đổi mới- Bài 2

Cập nhật: 01-02-2024 | 08:19:22

Bài 2: Hình mẫu trong công cuộc đổi mới

Với nhiều chính sách và giải pháp vượt trội về phát triển kinh tế - xã hội, từ việc kích hoạt đầu tư đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế, củng cố, phát triển các doanh nghiệp (DN) Nhà nước của tỉnh để giữ vai trò đầu tàu, dẫn dắt trong việc đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp, đột phá phát triển cơ sở hạ tầng, khơi thông nguồn nhân lực trong nước và quốc tế, phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ… Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng đáng tự hào.

Từ công nghiệp hóa, đô thị hóa...

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, được nhấn mạnh trong các kỳ đại hội Đảng toàn quốc từ năm 1986. Tại văn kiện Đại hội XIII, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định là: “Tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới”. Đây là cơ sở rất quan trọng để tỉnh Bình Dương và các địa phương triển khai chiến lược phát triển.

Sau khi chia tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã ban hành nhiều chương trình đột phá, bám sát với định hướng Trung ương về CNH-HĐH, giúp tỉnh từ địa phương thuần nông còn nhiều khó khăn để bứt phá thành khu vực công nghiệp trọng điểm. Tỉnh liên tục nằm trong tốp đầu toàn quốc nhiều năm liền trên nhiều lĩnh vực, như đứng thứ nhất về thu nhập bình quân đầu người, thứ ba về đóng góp thu ngân sách Nhà nước, thứ ba về thu hút đầu tư nước ngoài, thứ ba về sản xuất nội địa. Bình Dương cũng là địa phương có tổng diện tích đất khu công nghiệp (KCN) lớn nhất cả nước, đạt 12.721 ha, chiếm 25% tổng diện tích KCN của miền Nam, tương đương 13% tổng diện tích KCN của cả nước.

Bình Dương luôn xác định phát triển kinh tế phải vì hạnh phúc của nhân dân và không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong ảnh: Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm hỏi, tặng quà cho con em công nhân lao động. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Không những đi đầu về CNH, Bình Dương còn là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh của vùng và cả nước. Hiện tỉnh đã đạt tỷ lệ đô thị hóa 84%, trong khi cả nước tỷ lệ đô thị hóa khoảng 42-43%, dự kiến đến năm 2025 là 45% và năm 2030 là 50%. Diện mạo đô thị Bình Dương ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách phát triển đô thị, trong đó trọng tâm là Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2011- 2016, tầm nhìn đến năm 2020; Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2016- 2020; Chương trình số 22-CTr/ TU ngày 15-8-2016 của Tỉnh ủy về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân” đã và đang tác động sâu rộng, toàn diện đến quá trình phát triển đô thị của Bình Dương. Một trong những điểm nhấn của đô thị Bình Dương đó là việc quy hoạch xây dựng và đưa vào sử dụng khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị gần 4.200 ha, trong đó thành phố mới Bình Dương có quy mô 1.000 ha.

... Đến bảo đảm an sinh xã hội

Công tác xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán với phương châm lấy việc bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có việc chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách làm mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh trong giai đoạn đổi mới, phát triển của tỉnh. Công tác xóa đói, giảm nghèo trong suốt thời gian qua đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ngành, các cấp, sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị - xã hội, sự đồng hành, chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, DN, sự sẻ chia, đồng thuận của các cộng đồng dân cư đã giúp cho công tác giảm nghèo gặt hái những thành tựu tốt đẹp, là điểm nhấn trong công tác an sinh xã hội của tỉnh trong suốt chặng đường đổi mới và phát triển.

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước” vào cuối năm 2023, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp, thu nhập trung bình cao, đi trước 10 năm trong hoàn thành mục tiêu phát triển đặt ra cho cả nước vào năm 2030 và có tiền đề vững chắc để trở thành tỉnh phát triển hiện đại, thu nhập cao trước năm 2045…

Từ năm 1997 đến nay, Bình Dương đã có nhiều lần xây dựng chuẩn nghèo. Trong đó liên tục từ năm 2009 đến nay, Bình Dương đã 4 lần xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh, cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương từ 1,7 đến 3 lần. Việc liên tục nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn mức chuẩn chung của Trung ương thể hiện quan điểm phát triển, nhất quán của tỉnh trong công tác giảm nghèo; đồng thời tiếp nối chủ trương xuyên suốt gắn thành quả phát triển kinh tế với công tác bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phù hợp với điều kiện, đặc thù, mức sống của người dân địa phương, khả năng cân đối ngân sách, dành nguồn lực tương xứng trong quá trình tăng trưởng, phát triển cho công tác giảm nghèo. Hàng năm và từng giai đoạn, tỉnh luôn quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách để ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bảo đảm đủ nguồn vốn ưu đãi tín dụng cho vay hộ nghèo tạo việc làm, phát triển sinh kế.

Hiệu quả công tác giảm nghèo đến từ MTTQ và các hội, đoàn thể chính trị thông qua việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn dân hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động hỗ trợ giảm nghèo qua các phong trào. Thực tiễn đã có nhiều mô hình hay, cách làm linh hoạt, sáng tạo của các địa phương, đơn vị được phát huy, động viên nhân rộng góp phần hiệu quả trong việc giảm nghèo. Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương.

Quán triệt sâu sắc bài học “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã thực hiện xuyên suốt triết lý xem nhân dân là trung tâm của sự phát triển và mọi đường hướng chính sách, thành tựu kinh tế không chỉ để người dân tỉnh nhà thụ hưởng mà phải cùng lan tỏa, sẻ chia với nhân dân mọi vùng miền của Tổ quốc, nhất là người lao động khắp nơi đang làm việc, ngày đêm ra sức lao động, sản xuất, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

Phát huy trọn vẹn tinh thần Bình Dương cùng cả nước và vì cả nước, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương nhiều thế hệ đã nhận thức rằng, phát triển kinh tế phải vì hạnh phúc của nhân dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, động lực và mục tiêu của phát triển kinh tế, phát triển làm sao để người dân phải được hưởng thụ. Triết lý ấy đã và đang được các thế hôm nay tiếp nối với tất cả tình cảm và trách nhiệm, thể hiện trong mọi đường hướng phát triển của tỉnh, nỗ lực để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả chung của sự phát triển.

Với những thành tựu đã đạt được và những kinh nghiệm đã tích lũy, rút ra trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tin tưởng cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng Bình Dương phát triển bền vững, trở thành đô thị văn minh, hiện đại, thông minh, nghĩa tình và là nơi đáng sống. (còn tiếp)

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1002
Quay lên trên