Vùng xa huyện Dầu Tiếng đẩy mạnh chuyển đổi số

Cập nhật: 28-10-2022 | 08:24:45

(BDO) Là địa phương vùng xa, với quy mô nền kinh tế - xã hội còn khiêm tốn, cơ hội tiếp cận công nghệ mới còn hạn chế, nhưng thời gian qua huyện Dầu Tiếng cũng đã tích cực triển khai khá hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số (CĐS), thúc đẩy phát triển.

 Ngành giáo dục huyện Dầu Tiếng đang thực hiện chuyển đổi số đồng bộ. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Dầu Tiếng thăm, kiểm tra công tác dạy học tại trường Tiểu học thị trấn Dầu Tiếng

 Mọi nơi, mọi lúc

Minh chứng cụ thể là bằng sự nỗ lực không ngừng, huyện Dầu Tiếng đã xuất sắc vươn lên hạng 4/9 về cải cách hành chính và mức độ hài lòng của người dân thông qua hệ thống dịch vụ công trên địa bàn. Trong đó, việc các nhóm dịch vụ công trọng điểm thực hiện chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến được xem là cú hích của huyện.

Bên cạnh đó, hệ thống các doanh nghiệp (DN), siêu thị, cửa hàng kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn cũng có cơ hội tiếp cận những tiến bộ của khoa học, công nghệ và ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quá trình đó giúp giảm chi phí quản trị, vận hành DN và nâng cao năng suất, lợi nhuận cho chính mình. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hiện nay có đến 99% DN trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã sử dụng thành thục các phần mềm kế toán và thực hiện các giao dịch, khai báo thuế, khớp lệnh tài chính… thông qua phương thức trực tuyến. Trong khi đó, có đến hơn 80% các DN trên địa bàn đã hoặc đang có xu hướng đầu tư lắp đặt, vận hành hệ thống CRM để phục vụ nhu cầu quản trị, vận hành DN theo chuẩn công nghệ số.

Ông Nguyễn Duy Khánh, người dân khu phố 2, thị trấn Dầu Tiếng cho biết, hiện nay hình thức thanh toán online cho các khoản giao dịch, mua sắm đã trở nên phổ biến. Theo đó, khi đi mua sắm tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng, thậm chí là các quầy hàng tại các khu chợ truyền thống trên địa bàn, người dân đều có thể chọn phương thức thanh toán online. Trong đó, phổ biến nhất trong các phương thức thanh toán online ở địa phương này là phương thức chuyển khoản bằng tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử.

Số hóa ngành giáo dục, y tế

Vừa qua, UBND huyện Dầu Tiếng ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND về việc triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở y tế trên địa bàn. Lãnh đạo huyện cho biết việc ban hành kế hoạch nói trên nhằm mục đích thúc đẩy các trường học, cơ sở y tế tiên phong áp dụng công nghệ số, nền tảng số, triển khai CĐS, thanh toán số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai.

Mục tiêu của huyện Dầu Tiếng là từ nay đến cuối năm 2022, có 50% trường học, cơ sở y tế trên địa bàn huyện sử dụng nền tảng số để CĐS và lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác. Tương ứng với tỷ lệ đó, địa phương cũng đặt mục tiêu là đến năm 2023, trên địa bàn có khoảng 50% các giao dịch và giá trị giao dịch (số tiền) liên quan lĩnh vực ngành giáo dục, y tế trên địa bàn được chuyển sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết để kế hoạch được triển khai đồng bộ, hiệu quả, huyện đã giao các phòng ban chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn các nhà trường, cơ sở y tế thực hiện. Theo đó, hiện địa phương đã sẵn sàng phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tối thiểu 3 trong 4 phương thức quét mã QR để chuyển khoản/thanh toán, trang bị hệ thống cà thẻ thanh toán POS tại các điểm thu ngân dịch vụ giáo dục, y tế. Đồng thời, tích hợp sẵn sàng module thanh toán trong nền tảng số quản trị trường học, cơ sở giáo dục; phần mềm quản lý bệnh viện, cơ sở y tế.

Để hoạt động CĐS ở lĩnh vực giáo dục, y tế được diễn ra hiệu quả, đồng bộ, địa phương cũng yêu cầu hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch thuộc các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian đang hoạt động trên địa bàn thống nhất mẫu thông tin thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản giao dịch, khoản thu học phí, viện phí, phí dịch vụ liên quan lĩnh vực giáo dục, y tế….; tạo điều kiện tối đa, giúp người dân và các nhà trường, cơ sở y tế thực hiện CĐS thực tế, hiệu quả. Huyện Dầu Tiếng cũng giao phòng ban chuyên môn và các địa phương tích cực xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, kêu gọi người dân hưởng ứng và tham gia các hoạt động CĐS. Việc hưởng ứng, tham gia các hoạt động CĐS không chỉ giúp người dân theo kịp thời đại mà còn trở nên an toàn, tiết kiệm thời gian, công sức hơn trước.

 Đối với hoạt động thanh toán online, người dân cần kiểm tra kỹ các thông tin như: Đơn vị/người thụ hưởng; số tiền thanh toán; mã giao dịch… để bảo đảm tiền được chuyển đến đúng đơn vị/người thụ hưởng. Ngoài ra, người dân cũng nên chụp lại màn hình làm bằng chứng để đối soát sau khi hoàn thành các giao dịch để đề phòng nguy cơ tiền bị kẹt hoặc “đi lạc” vì lỗi kỹ thuật.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=612
Quay lên trên