Khi các yếu tố tác động từ bên ngoài ngày càng khó lường, làm mới những động lực tăng trưởng cũ, kiến tạo các động lực tăng trưởng mới sẽ là “chìa khóa” giúp kinh tế Bình Dương phục hồi và phát triển nhanh, bền vững. Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trao đổi với Báo Bình Dương về vấn đề này.
Bình Dương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam
- Thưa ông, trước những khó khăn, thách thức, Sở KH&ĐT dự báo như thế nào về mức tăng trưởng năm 2023 và giai đoạn tiếp theo?
- Trong 9 tháng năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, GRDP ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 7,2%). Tuy vậy, việc đạt tốc độ tăng trưởng 8,5 - 8,7% năm 2023 là vô cùng khó khăn. Dự kiến GRDP năm 2023 của Bình Dương tăng 6,0% so với cùng kỳ.
Lũy kế 10 tháng năm 2023 cho thấy cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm đáng kể so với cùng kỳ do biến động của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp (DN) và người dân, kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng trong 10 tháng của năm và đang phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Dự báo về khả năng phục hồi nền kinh tế thế giới đến cuối năm 2024 cho thấy sẽ còn rất nhiều khó khăn đối với tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng của nhiệm kỳ. Ngoài những động lực tăng trưởng cũ, tỉnh đang nỗ lực khơi thông những động lực tăng trưởng mới trong trung và dài hạn. Đó là xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh liên kết vùng…
- Để đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất, Sở KH&ĐT đánh giá thế nào về tình hình hiện nay và thời gian tới, thưa ông?
- Kinh tế Bình Dương vẫn đang ở trên đà tăng trưởng, nhưng do những tác động từ bên ngoài và một số hạn chế nội tại đã và đang làm chậm lại tốc độ. Khi tín hiệu thị trường thế giới còn chưa rõ ràng, nhiều yếu tố khó lường, một trong những yếu tố được trông đợi hàng đầu bởi tính khả dĩ để vực chỉ tiêu tăng trưởng là đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đặc biệt là các công trình giao thông kết nối vùng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, ĐT746, cầu Bạch Đằng 2… Hiện dòng tiền vào các công trình này đang được ưu tiên. Do đó, việc bảo đảm tiến độ các công trình sẽ góp phần thúc đẩy tăng trửởng của tỉnh, phù hợp với quy hoạch tỉnh đang xây dựng, đồng thời sẽ góp phần kích cầu đầu tư, trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của DN khi các công trình này đạt tiến độ hoàn thành.
Song song với kênh xuất khẩu truyền thống, thời gian qua, thực tiễn cho thấy xuất khẩu online, bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử đã duy trì tăng trưởng cho rất nhiều DN. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh xuất khẩu truyền thống, cần xây dựng và đẩy nhanh chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới, trước mắt cần xác định các ngành hàng, sản phẩm triển vọng trên sàn thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ tiếp cận và ngày càng đi vào chuyên nghiệp hơn trong hình thức xuất khẩu này.
Một trong những vấn đề khó khăn, phức tạp hiện nay đó chính là tổ chức thực hiện việc di dời và tái định cư DN lên các địa phương phía bắc nhằm tái cấu trúc lại không gian, lãnh thổ phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Việc thực hiện chủ trương này sẽ tạo động lực phát triển ở các địa phương phía bắc, đồng thời chuyển đổi xu hướng phát triển ở các đô thị động lực phía nam. Hạ tầng các khu công nghiệp và hạ tầng giao thông ở các huyện phía bắc đang được hoàn thiện sẵn sàng đón các DN và nhà đầu tư, do đó, cần khẩn trương điều nghiên, thiết lập các chính sách, phương án nhằm khuyến khích DN tái định cư ở các địa bàn mới.
- Vậy theo ông cần triển khai các giải pháp nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8,5 - 8,7%/năm trong giai đoạn 2021-2025?
- Từ những phân tích trên và những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ, để bảo đảm tăng trưởng từ đây đến cuối nhiệm kỳ, Sở KH&ĐT đề xuất tập trung các nhóm giải pháp sau. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2023 và các năm còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, đề nghị các địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp nghiêm túc rà soát các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân và có biện pháp khắc phục triệt để vấn đề trên, khơi thông dòng tiền tạo động lực tăng trưởng. Phấn đấu đưa hạ tầng giao thông trọng yếu hoàn thành đúng tiến độ, giải tỏa điểm nghẽn trong vận tải và xuất khẩu, tiết kiệm chi phí cho DN, củng cố điểm sáng của Bình Dương trong môi trường đầu tư. Đối với nền tảng hỗ trợ, cần có những cơ chế đặc thù trong việc thu hút các DN nằm trong nhóm ngành tiềm năng, có quy mô doanh thu và giá trị sản xuất từ 20 - 30 triệu đô la Mỹ/năm.
Thúc đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đặt mục tiêu đến năm 2025: Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III và Khu công nghiệp Cây Trường đi vào hoạt động và nhanh chóng thu hút đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp này đạt 85 - 90%; bước đầu hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực Bắc Tân Uyên và Phú Giáo; tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp ở mức 65 - 68%. Khẩn trương di dời và tái cấu trúc chức năng của các DN sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía nam trên cơ sở định hướng quy hoạch sẽ được thông qua. Nhanh chóng hình thành các dịch vụ hậu cần logistics đặc thù phục vụ cho phát triển công nghiệp. Cùng với đó, tập trung giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người lao động; thu hút, đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao; tập trung vốn vay cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư nước ngoài và trong nước.
- Xin cám ơn ông!
NGỌC THANH (thực hiện)