WikiLeaks hôm qua (28-11) lại tiếp tục tiết lộ thêm 250.000 trang tài liệu ngoại giao mật của Mỹ, trong đó có một loạt những bí mật gây chấn động thế giới.
Trang web WikiLeaks có kế hoạch tự mình công bố những trang tài liệu mật của Mỹ vào ngày hôm qua nhưng kế hoạch này đã bị cản trở bởi tin tặc. Tuy nhiên, trước đó, WikiLeaks đã kịp cung cấp những tài liệu đó cho một số tờ báo uy tín như The New York Times, The Guardian, Le Monde, Der Spiegel và El Pais.
Trong số những bí mật được công bố cho báo chí có một số thông tin gây chấn động như việc Quốc vương Abullah từng kêu gọi Mỹ tấn công Iran, Trung Quốc chỉ đạo các cuộc tấn công mạng vào Mỹ hay việc Washington ra lệnh cho các nhà ngoại giao do thám giới lãnh đạo Liên hiệp quốc.
Những bí mật được tiết lộ này chắc chắn sẽ đẩy Washington vào tình trạng khó xử và làm phương hại đến nền ngoại giao Mỹ.
Quốc vương Abullah từng kêu gọi Mỹ tấn công Iran
Theo tờ Guardian của Anh, Quốc vương King Adullah đã “thường xuyên khuyến khích Mỹ tấn công Iran để đặt dấu chấm hết cho chương trình hạt nhân” của nước này."
"Hãy chặt đầu con rắn," Đại sứ Ả-rập Xê-út tại Washington - ông Adel al-Jubeir trích lời Quốc vương Abullah cho biết trong cuộc gặp gỡ với Tướng David Petraeus hồi tháng 4 năm 2008.
"Quốc vương, Ngoại trưởng, Hoàng tử Muqrin và Hoàng tử Nayif đều nhất trí đồng ý rằng Ả-rập Xê-út cần hợp tác với Mỹ để chống lại và ngăn cản ảnh hưởng của Iran cũng như ngăn chặn sự sụp đổ ở Iraq," một tài liệu mật đã ghi chép như vậy.
"Quốc vương Adullah đặc biệt hăng hái với quan điểm ngăn chặn Iran và ông cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các hoàng tử. Al-Jubeir nhớ lại rằng, Quốc vương đã liên tục khuyến khích Mỹ tấn công Iran," tờ Guardian cho hay.
Hiện tại, Quốc vương Adullah chưa đưa ra lời bình luận gì về những thông tin nói trên.
Mỹ bí mật theo dõi giới lãnh đạo Liên hiệp quốc
Một tài liệu mật khác cho biết, các nhà ngoại giao Mỹ đã bí mật theo dõi giới lãnh đạo Liên hiệp quốc cũng như đại diện ngoại giao của 4 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an tại Liên hiệp quốc gồm Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh.
"Mỹ đã mở rộng vai trò của các nhà ngoại giao nước này sang lĩnh vực thu thập thông tin tình báo bên ngoài tại Liên hiệp quốc. Washington đã ra lệnh cho các nhân viên Bộ Ngoại giao thu thập thông tin về thẻ tín dụng, mã số cá nhân, lịch làm việc và nhiều thông tin cá nhân khác của các đại diện ngoại giao nước ngoài ở Liên hiệp quốc", tờ New York Times cho biết.
Bản tài liệu mật được WikiLeaks tiết lộ đã cung cấp một danh sách những chỉ dẫn cho các nhà ngoại giao Mỹ để giúp họ có thể hoàn thành nhiệm vụ tình báo với một số nước cụ thể theo một chỉ thị đặc biệt. Chỉ thị này được đưa ra hồi tháng 7 năm 2009 và do đích thân Ngoại trưởng Hillary Clinton ký.
Ngoài ra, Mỹ còn yêu cầu các nhà ngoại giao của mình tìm kiếm các thông tin sinh trắc học chi tiết về các quan chức quan trọng trong Liên hiệp quốc đồng thời tìm hiểu thông tin về phong cách quản lý và ra quyết định của Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng như ảnh hưởng của ông này đối với Ban Thư ký Liên hiệp quốc.
Theo tờ Guardian, các hoạt động theo dõi và do thám Liên hiệp quốc không chỉ được thực hiện bởi các nhà ngoại giao Mỹ mà còn được phối hợp với các cơ quan tình báo như CIA, Cơ quan mật vụ Mỹ và FBI.
Thông tin vừa được tiết lộ trên sẽ khiến Mỹ cảm thấy khó xử bởi nước này từng nhấn mạnh, hành động theo dõi Tổng Thư ký Liên hiệp quốc là bất hợp pháp.
Những tiết lộ chấn động khác
Những tài liệu được WikiLeaks cung cấp còn tiết lộ, Mỹ cáo buộc Bộ Chính trị Trung Quốc chỉ đạo một cuộc tấn công vào các hệ thống máy tính của Google. Đây là một phần của chiến dịch tấn công mạng lớn hơn của Trung Quốc nhằm vào Mỹ.
Một thông tin mật mà tờ The Times thu thập được từ WikiLeaks cho biết, Mỹ và Hàn Quốc đang tìm kiếm một sự sụp đổ ở Triều Tiên. Hai nước này thậm chí đã bàn đến viễn cảnh về một bán đảo Triều Tiên thống nhất nếu như những khó khăn về kinh tế và giải đoạn chuyển tiếp về chính trị ở Triều Tiên dẫn tới sự sụp đổ của nước này.
Cũng theo các tài liệu mật nói trên, Mỹ đã dùng những chiến thuật cứng rắn để gây sức ép buộc các nước phải đồng ý tiếp nhận các tù nhân Mỹ được giải phóng từ Vịnh Guantanamo. Ví dụ như Slovenia đã được yêu cầu tiếp nhận tù nhân Mỹ nếu như Tổng thống nước này muốn gặp Tổng thống Barack Obama. Và Slovenia cũng đã nhận được hàng triệu USD để tiếp nhận một nhóm tù nhân của Mỹ.
Một tài liệu khác đặt ra các nghi vấn về mối quan hệ giữa Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi và Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Tài liệu này cho rằng, ông Berlusconi “dường như đang trở thành người phát ngôn của Putin” ở Châu Âu, tờ The Times cho biết.
Ngoài ra, các trang tài liệu mật của Mỹ còn dùng những từ không mấy hay ho để miêu tả về Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Guido Westerwelle. Theo các nhà ngoại giao Mỹ, Thủ tướng Merkel là người sợ rủi ro trong khi Ngoại trưởng Westerwelle là người vô dụng.
Phản ứng của Mỹ
Ngay sau khi 250.000 trang tài liệu mật trên được công bố, Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố trong đó nói: “Chúng tôi cực lực lên án hành động tiết lộ thông tin ngoại giao, an ninh mật mang tính nhạy cảm của WikiLeaks."
Theo Nhà Trắng, hành động của WikiLeaks có thể gây nguy hại đến tính mạng của những người dân đang sống “dưới các chính quyền áp bức” và “gây ảnh hưởng lớn” đến các lợi ích từ chính sách ngoại giao của Mỹ cũng như các đồng minh.
"Rõ ràng, những tiết lộ đó đã đặt các nhà ngoại giao, các điệp viên của chúng ta vào vòng nguy hiểm. Nó cũng làm ảnh hưởng đến sự an toàn và tính mạng của những người dân trên khắp thế giới tìm đến chúng ta với mong muốn nhờ Mỹ giúp đỡ xây dựng nền dân chủ và chính phủ công khai ở đất nước của họ", phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs đã phát biểu như vậy.
"Bằng cách công bố những tài liệu mật mà họ ăn cắp được, WikiLeaks đã gây nguy hiểm không chỉ cho sự nghiệp nhân quyền mà còn làm ảnh hưởng đến sự an toàn và tính mạng của những cá nhân hoạt động trong phong trào này," ông Gibbs nói thêm.
Các nhà phân tích an ninh cũng cho rằng, việc WikiLeaks công bố những tài liệu mật nói trên là một cú đấm mạnh vào ngành ngoại giao Mỹ, gây phương hại đến tính bí mật. Đây là điều thiết yếu để các nhà ngoại giao và hoạt động nước ngoài có thể nói thẳng nói thật với các quan chức Mỹ. Từ giờ trở đi, các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ e dè hơn khi bàn chuyện với phía Mỹ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành ngoại giao Mỹ.
Hồi tháng 7 vừa rồi, WikiLeaks cũng từng công bố khoảng 400.000 trang tài liệu bí mật quân sự của Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Iraq. Trước đó, WikiLeaks cũng đã tiết lộ hàng nghìn trang tài liệu mật khác về cuộc chiến ở Afghanistan.
Theo VnMedia