Vì chưa đủ điều kiện để xây dựng ký túc xá (KTX) cho sinh viên (SV) như những trường đại học công lập khác, trường Đại học Thủ Dầu Một đã có ý tưởng triển khai xã hội hóa các khu nhà trọ cho SV đến ở. Ý tưởng này nhận được sự hưởng ứng, phối hợp từ phía chủ các cơ sở trọ bởi mô hình này vừa tạo ra môi trường an ninh cho các SV học tập và sinh sống, vừa là chiếc cầu nối giúp chủ nhà trọ và phía nhà trường có sự gắn kết với nhau trong việc quản lý người ở trọ.
Cán bộ Phòng Công tác SV trường Đại học Thủ Dầu Một và chủ một khu nhà trọ đang trao đổi với các tân SV về nội quy khu nhà trọ Ảnh: TÂM TRANG
SV không còn nháo nhác kiếm phòng trọ
Trường Đại học Thủ Dầu Một hiện có gần 15.000 SV hệ chính quy đang theo học. Số lượng SV ngoại trú khoảng hơn 8.000. Với một tân SV, việc tìm chỗ trọ luôn là nỗi lo ngày nhập học khi “đường đi nước bước” chưa rành. Hiểu được điều này, từ năm 2015, trường Đại học Thủ Dầu Một đã liên hệ với các nhà trọ gần trường để gắn bảng “KTX…”, từ đó SV có thể tìm hiểu trước thông tin, được hướng dẫn và làm thủ tục thuê nhà trọ một cách dễ dàng hơn.
Trong ngày nhập học, các bạn trẻ đến từ chương trình Tiếp sức đến trường thuộc Đoàn trường sẽ tư vấn thủ tục nhập học, các vấn đề về nhà trọ... cho các tân SV một cách cụ thể hơn. Các thông tin về nhà trọ, giá cả, an ninh cũng được Phòng Công tác SV cập nhật để SV theo dõi.
Ông Trần Đức Hoàn, chuyên viên Phòng Công tác SV, cho biết: “Từ năm 2015, nhà trường đã đặt bảng “KTX” ở một số dãy nhà trọ gần trường để SV đến ở ngoại trú, tuy nhiên do vài trục trặc nên chưa triển khai được nhiều. Đến nay, nhà trường tiếp tục tiến hành khảo sát các khu nhà trọ mới để đặt bảng. Hiện nay, ngoài 7 cơ sở trọ cũ, chúng tôi đã khảo sát thêm gần 30 cơ sở trọ và đặt bảng KTX thêm 8 cơ sở trọ mới. Mỗi khu nhà trọ có khoảng từ 15 - 20 phòng. Số SV hiện ở ngoại trú tại các cơ sở này khoảng 700 người. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình thực hiện bảng cam kết giữa nhà trường và phía cơ sở trọ. Các khu nhà trọ được chọn đặt bảng phải đáp ứng các tiêu chí về quy mô (từ 15 phòng trở lên), tỷ lệ khách ở trọ là SV phải cao; cơ sở vật chất, môi trường sống phải thông thoáng, sạch sẽ. Các vấn đề về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy cũng phải bảo đảm”.
Theo ghi nhận, hiện nay xung quanh trường Đại học Thủ Dầu Một, các dãy nhà trọ sạch đẹp đều đã được gắn những bảng hiệu như: Nhà trọ Đinh Đăng Đức, nhà trọ Tất Muối, nhà trọ SV Tài Phát… Giá mỗi phòng dao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng, điện và nước đều được tính theo giá Nhà nước. Mỗi phòng có thể ở từ 1 - 4 SV như những khu nhà trọ bình thường khác. Hầu hết các nhà trọ thuộc mô hình “xã hội hóa nhà trọ cho SV” đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp, một vài khu trọ trang bị hẳn camara an ninh trước cổng và lối đi chung. Điều này khiến khách trọ, đặc biệt là SV rất yên tâm khi chọn “nhà trọ xã hội hóa” là nơi sinh sống, học tập trong một thời gian dài.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc, quê Nam Định, SV khoa Kinh tế chia sẻ: “Nhà trọ có gắn camera như thế này không hẳn là an toàn tuyệt đối nhưng cũng hạn chế được phần nào những nguy cơ trộm cắp tài sản cho chúng em. Gia đình và bản thân em cảm thấy rất yên tâm khi được sinh sống tại đây. Nhà trọ sạch sẽ, an ninh, chủ trọ lại rất tâm lý và giá cả cũng rất hợp lý nên em sẽ ở lại đây cho hết 4 năm đại học…”.
“Cầu nối” giữa chủ nhà trọ - SV - nhà trường
Các cơ sở trọ nằm trong mô hình “xã hội hóa nhà trọ cho SV” tất nhiên có số lượng SV ở chiếm trên 90%. Cũng như các khu nhà trọ bình thường khác, SV đến thuê phòng cũng được chủ trọ hướng dẫn để làm thủ tục tạm trú. Chủ trọ trình báo lên Công an phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) để kê khai thủ tục tạm vắng tạm trú và lưu danh sách khách trọ. Tuy nhiên, với các “nhà trọ xã hội hóa” cho SV thì sự tham gia của phía nhà trường và địa phương sẽ sát sao hơn. Phía Phòng Công tác SV sẽ có danh sách theo dõi SV, thông tin sẽ được cập nhật theo mỗi quý. Trường hợp một SV nào đó vừa chuyển đi khỏi cơ sở A thuộc mô hình “xã hội hóa nhà trọ cho SV” của trường sẽ được chủ các cơ sở trọ thông báo để phía nhà trường cập nhật trong sổ theo dõi. Nhà trường ngoài việc kiểm tra định kỳ hàng quý để cập nhật thông tin ngoại trú của SV còn thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất để nắm bắt tình hình ngoại trú của SV trường mình.
Về phía chủ các cơ sở trọ, nếu khu trọ của mình có bất cứ vấn đề gì về an ninh trật tự, cháy nổ, tệ nạn xã hội đều thông báo kịp thời cho phía nhà trường. Ông Phạm Trung Tuấn, chủ một cơ sở trọ thuộc mô hình cho biết: “Do các khách trọ phần lớn là SV, mà SV còn ở trong cái lứa tuổi “ham chơi, ham vui” nên việc uốn nắn các cháu cũng phải thật nhẹ nhàng. Tôi thường tâm sự, nhắc nhở các cháu nhiều. Tôi không quên nhắc nhở các cháu nên cảnh giác, cẩn thận bảo quản tài sản cá nhân, phòng chống cháy nổ khi nấu nướng. Giữ gìn vệ sinh môi trường chung, không tụ tập, đi chơi về quá trễ…”.
Ông Lê Văn Hải, Trưởng phòng Công tác SV, Bí thư Đoàn trường, cho biết thêm: “Với gần 15.000 SV ngoại trú, trong đó có trên 7.000 SV ở trọ, để đáp ứng nhu cầu lớn về chỗ ở của SV và thuận lợi trong việc quản lý SV, chúng tôi đã liên hệ và làm việc với các hộ kinh doanh nhà trọ bảo đảm về các điều kiện như: số lượng, diện tích phòng, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, giá cả, các dịch vụ tiện ích cho SV... để phối hợp thành lập KTX xã hội hóa. Sau khi mô hình ra đời, nhà trường cũng đã có phối hợp chặt chẽ với chủ KTX, chính quyền địa phương trong việc quản lý, tạo điều kiện để SV có môi trường ăn ở tốt hơn. Sắp tới, nhà trường sẽ nhân rộng và triển khai nhiều hơn nữa mô hình này nhằm góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng đời sống, môi trường học tập và sinh hoạt an toàn, văn hóa cho SV”.
TÂM TRANG