Chị đi làm về, vừa dắt xe vào cổng đã nghe tiếng mẹ chồng nói sang sảng ở trong nhà: “Con bé giỏi lắm bà à, nó thua cái Lý đến năm tuổi mà sống biết điều, ngày nào cũng gọi điện thăm hỏi tôi, nghe tôi mệt là gửi thuốc về. Đấy, bữa mùng 8-3, nó gửi vải về để tôi may bộ quần áo này, bà xem có đẹp không…”. Chị lặng lẽ xuống bếp nấu cơm. Dù đã nhiều lần nghe mẹ chồng khen chị dâu nhưng chị không khỏi chạnh lòng…
Anh trai chồng đi làm xa lại lấy vợ muộn, em trai còn đi học nên anh chị cưới nhau xong là ở luôn với bố mẹ chồng. Tính chị hiền lành, ít nói, không biết nịnh nọt là gì, chỉ biết cặm cụi làm. Gần bốn năm làm dâu, chị thu xếp gọn gàng công việc trong nhà. Mỗi năm, nhà có đến gần chục đám giỗ, một tay chị đảm đương. Bố mẹ chồng không phàn nàn điều gì về cô con dâu thứ luôn lo chu toàn việc của dâu trưởng. Mãi đến lúc anh trai chồng cưới vợ chị mới vỡ ra nhiều điều…
Chị dâu nhỏ hơn chị năm tuổi nhưng ăn nói khéo léo, kiểu “mồm miệng đỡ chân tay” nên được lòng bố mẹ chồng. Từ khi cưới, hầu như mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà, chị dâu chưa bao giờ động tay nhưng luôn được mẹ chồng khen lấy khen để. Chị dâu chăm chỉ gọi điện về hỏi thăm bà, thỉnh thoảng lại gửi tấm áo, gói bánh làm quà khiến ông bà mát lòng mát dạ. Dù nhiều lần, chị biết, những thứ chị dâu gửi về cho bố mẹ chồng toàn đồ cũ hoặc đã quá hạn. Thế nhưng từ đấy, mẹ chồng cứ so sánh hai cô con dâu với nhau. Chị không phải người hay tỵ nạnh nhưng mỗi lần nghe mẹ chồng nói, chị vẫn thấy buồn trong lòng. Có phải chị không biết ăn biết ở cho đành. Ông bà trở bệnh, chị ngược xuôi lo thuốc thang. Thấy bà húng hắng là chị vội tìm lá tía tô về nấu cháo. Nhìn tấm nệm của ông cũ, đôi dép bà mòn, chị âm thầm mua cái mới thay ngay.
Chỉ có điều, chị kiệm lời, ít khi nói được một câu ngọt ngào. Nhớ đợt vợ chồng anh trai về ăn giỗ, mẹ chồng nhất quyết không cho dâu trưởng đụng tay vào việc gì với lý do: “Con lên nhà nghỉ cho khỏe, cái Lý quen làm một mình rồi, rảnh rang mẹ con mình nói chuyện”. Chị tối mắt tối mũi từ sáng sớm với việc chợ búa nấu nướng, đến lúc cỗ bàn xong xuôi lại đánh vật với đống chén bát cao ngất ngưởng, rồi dọn dẹp nhà đến tận khuya. Chị dâu đã đi nghỉ từ sớm, sáng ra về thành phố ngay, trước khi đi, trước mặt bố mẹ chồng, chị dâu còn ngọt nhạt với chị: “Thím vất vả quá, anh chị ở xa, trăm sự nhờ cả vào chú thím”. Chỉ một câu nói thôi mà mẹ chồng nhắc đến cả tháng trời mỗi lần khách đến chơi về sự biết ăn ở của dâu trưởng…
Có lần, chị tâm sự với chồng chuyện này, anh bảo: “Hay em cũng học theo chị ấy, nói ngọt ngào cho bố mẹ vui lòng”. Nhưng, tính mỗi người mỗi khác, làm sao bắt chước nhau được. Chị vẫn nghĩ, tình cảm thật xuất phát từ việc làm chứ không phải là lời nói đầu môi. Chị tin, một ngày nào đó, bố mẹ chồng sẽ hiểu được tấm lòng của chị… Dẫu vậy, nhiều lần, chị không nén nỗi nước mắt tủi thân khi mẹ chồng cứ so sánh.
Có phải “xa thương, gần thường” là lẽ đương nhiên…
Theo PNO