Đó là chuyên đề vừa được Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm thuyết trình cho lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước. Ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng mục đích của buổi thuyết trình nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của Singapore về cải cách hành chính, xây dựng bộ máy công quyền theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Cán bộ một cửa Sở Công thương niềm nở tiếp người dân đến giải quyết thủ tục hành chính
PGS.TS Vũ Minh Khương, giản g viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ các xu thế mang tính toàn cầu, nhất là các xu thế toàn cầu hóa, đô thị hóa, cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó khẳng định sự cần thiết phải xây dựng bộ máy chính quyền ưu tú. PGS. TS Vũ Minh Khương cho biết, trong giai đoạn hiện nay, với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập toàn diện, việc học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới về cải tiến nền hành chính, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Singapore là một trong những quốc gia đã thành công trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, từ kinh nghiệm xây dựng bộ máy chính quyền ưu tú của Singapore có khả năng ứng dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam, cần phải thỏa mãn được các điều kiện về nền quản trị tốt mang các đặc trưng, gồm: Năng lực hoạch định chính sách cởi mở, khai sáng và nhất quán; bộ máy công quyền thấm nhuần đạo đức chuyên nghiệp, hành động vì lợi ích chung; thượng tôn pháp luật; quy trình minh bạch; thu hút sự tham gia mạnh mẽ, đóng góp của nhân dân vào quá trình hoạch định và thực thi pháp luật. PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh: “Yếu tố quyết định thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia là hệ thống chính trị ổn định dựa vào sức mạnh cốt lõi của dân tộc và khả năng thích nghi với thời đại và tình thế đổi thay cùng việc xây dựng Chính phủ kiến tạo với tầm nhìn khát vọng về tương lai, chiến lược phát triển và năng lực bộ máy chuyên nghiệp, tâm huyết”.
PGS.TS Vũ Minh Khương cũng cho rằng, Singapore rất rõ ràng về mục tiêu dài hạn và biết rõ họ cần phải đạt được thành quả gì trong từng giai đoạn. Khi ra các quyết định liên quan tới doanh nghiệp, Chính phủ Singapore luôn giải thích rõ để mọi người đều hiểu thấu đáo tại sao phải làm như vậy và luôn luôn sáng tạo trong cách nghĩ để vượt qua mọi trở ngại. Lãnh đạo đóng vai trò then chốt. Chính phủ đi đầu trong nắm bắt đổi thay, phải đứng hàng đầu trong dòng chảy thời đại. Mọi công dân đều có phần trách nhiệm của mình trong sự thành bại của công cuộc phát triển, cơ hội đến với tất cả mọi người. Ba yếu tố nền tảng quyết định thành bại của công cuộc phát triển chính là: Chiến lược sáng suốt, chính phủ ưu tú và lòng tin, ủng hộ của người dân.
Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã xác định thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước theo phương hướng: Thực hiện một quy chế làm việc khoa học, có hiệu suất cao; xây dựng bộ máy gọn nhẹ có chất lượng cao với một đội ngũ có phẩm chất chính trị và năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Việc xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là sự cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ông Mai Văn Chính, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho rằng nguyên lý xây dựng bộ máy công quyền dựa trên những vấn đề quan trọng: Công tác cán bộ, xây dựng chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực.
Theo ông Mai Văn Chính, Singapore là một quốc gia thành công về cải cách hành chính, xây dựng bộ máy công quyền theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Từ kinh nghiệm của Singapore sẽ tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp nghiên cứu với một tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược về tổ chức bộ máy của Việt Nam trong thời gian tới. Những kinh nghiệm được đúc kết từ mô hình xây dựng bộ máy công quyền và nền hành chính công mà Singapore đã thành công sẽ là bài học quý giá để Việt Nam vận dụng phù hợp với thực tiễn đất nước trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Để tiện việc liên hệ cũng như trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan cụ thể đến TTHC, Phòng Kiểm soát TTHC - Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương đề nghị người dân khi gửi đơn kiến nghị cần ghi rõ địa chỉ nơi ở, số điện thoại liên lạc và tóm tắt ngắn gọn nội dung cần kiến nghị. Mọi phản ánh, kiến nghị về quy định, TTHC xin liên hệ theo địa chỉ: Phòng Kiểm soát TTHC; ĐT: (0274) 3.835.029; địa chỉ email: kiemsoat.tthc@binhduong.gov.vn
HỒ VĂN