Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vừa tiến hành giám sát kết quả đầu tư xây dựng hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật giao thông tại địa bàn TX.Tân Uyên, TP.Dĩ An và TP.Thuận An. Kết quả làm việc cho thấy dù nhiều dự án, công trình đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch từ nhiều năm qua, nhưng đến nay chưa thể triển khai, trong đó nguyên nhân chính là do thiếu nguồn vốn để thực hiện.
Đoàn công tác Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát một số công trình đường ven sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn TP.Thuận An chưa thể triển khai do thiếu nguồn vốn
“Đòn bẩy” phát triển đô thị
Qua 7 năm triển khai thực đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên đã đạt được một số thành tựu nhất định, hầu hết các tuyến đường giao thông chính, trục, trọng điểm, khung giao thông đề ra đã và đang được quan tâm tập trung thực hiện. Không gian đô thị Tân Uyên đang từng bước hình thành theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, liên kết các khu vực, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển đúng định hướng quy hoạch, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tại TP.Dĩ An, sau 10 năm triển khai thực hiện đồ án quy hoạch chung, đô thị Dĩ An cũng đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Hầu hết các tuyến đường giao thông chính, trục trọng điểm, khung giao thông đề ra đã đưa không gian đô thị Dĩ An từng bước hình thành theo hướng văn minh, hiện đại; đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, liên kết các khu vực, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tại TP.Thuận An, đến nay dù chỉ thực hiện được 3/9 công trình được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhưng hiệu quả, công năng của các tuyến đường này cũng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cụ thể, việc hoàn thành đưa và khai thác sử dụng 3 tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Tiết và đường Cách Mạng Tháng Tám không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại mà còn góp phần chỉnh trang đô thị.
Có thể nói, thời gian qua việc xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật giao thông được xem là “đòn bẩy”, là động lực để phát triển các đô thị, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Dù đã được quan tâm, đầu tư nhưng thời gian qua theo các địa phương do nhu cầu phát triển công nghiệp tăng cao, đô thị hóa nhanh, thương mại - dịch vụ, vận tải hàng hóa, dân số tăng, vì vậy, hạ tầng giao thông đường bộ đến nay vẫn không theo kịp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tháo gỡ khó khăn
Ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho rằng việc đầu tư xây dựng hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật giao thông tại các địa phương, các đô thị trong thời gian qua là rất cần thiết cho quy hoạch, phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, qua các buổi kiểm tra, giám sát tại các địa phương cho thấy, nguyên nhân việc chậm triển khai các dự án, công trình được phê duyệt đều do thiếu nguồn vốn để thực hiện, hoặc dự toán chi phí thực hiện quá cao cho với nguồn ngân sách được phân bổ hàng năm.
Đến nay, do thiếu hụt nguồn vốn, TX.Tân Uyên mới triển khai và thực hiện được 10/38 công trình thuộc khung hạ tầng kỹ thuật giao thông đã được tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, nhiều công trình chưa triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm do khó khăn về nguồn vốn như: Đại lộ Thủ Dầu Một - Uyên Hưng - Biên Hòa, trục đông - tây nối từ Phú Chánh, gần nút giao đường sắt xuyên Á với ĐT742 qua phường Tân Hiệp và nối với ĐT746 tại Uyên Hưng. Tuyến đường này dự kiến sẽ nối dài vượt sông Đồng Nai, qua cù lao Bạch Đằng, nối vào đường vành đai TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Một số dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như cầu Bạch Đằng 2, Thạnh Hội 2… TX.Tân Uyên đã kiến nghị, sớm triển khai đầu tư tuyến đường sắt xuyên Á Sài Gòn - Lộc Ninh; tập trung xây dựng các công trình giao thông trọng điểm đi qua địa bàn thị xã như đường vành đai 4, đường ĐT746 nối dài, đường ĐT747A, đường ĐT742, các tuyến đường sắt đô thị; cần xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, bố trí vốn cho thị xã triển khai đầu tư các tuyến đường ĐH trên địa bàn để thị xã tiếp tục hình thành khung hạ tầng, phát triển đô thị.
Trong khi đó, TP.Dĩ An cho rằng, nguyên nhân chậm trễ trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trong thời gian qua là do công tác giải phóng mặt bằng, quỹ đất sạch còn nhiều khó khăn, tình trạng người dân khiếu nại, khiếu kiện, biến động giá thị trường đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Địa phương cũng nhìn nhận ngoài thiếu nguồn vốn ngân sách, thành phố chưa chủ động bằng nhiều nguồn vốn bên ngoài, đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cá nhân cùng tham gia đầu tư xã hội hóa phát triển đô thị. TP.Dĩ An cũng kiến nghị việc tập trung xây dựng các công trình giao thông trọng điểm qua địa bàn …
Lãnh đạo UBND TP.Thuận An, cho biết hiện thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trên tuyến đường ĐT743, đoạn từ vòng xoay ngã sáu An Phú đến ngã tư 550 hay đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đại lộ Bình Dương, khu vực Mũi tàu Phú Long. Các dự án đang trong giai đoạn triển khai đền bù, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, hồ sơ mời thầu nên chưa đánh giá chính xác khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông địa phương. TP.Thuận An đề xuất giải pháp, kiến nghị UBND tỉnh sớm hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông đô thị như đường ĐT743, tuyến xe buýt nhanh BRT, phát triển mạng lưới đường thủy; đồng thời hỗ trợ đầu tư 2 tuyến đường liên khu vực 02, 06 và đường ven sông Sài Gòn… Đặc biệt, TP.Thuận An cũng kiến nghị tỉnh, Trung ương cần ưu tiên đầu xây dựng trước tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Theo địa phương nếu đường sắt hoàn thành sau tuyến đường Vành đai 3 sẽ là áp lực về giao thông lớn cho các địa phương, trong đó có TP.Thuận An.
MINH DUY