Trở lại thăm Phú Giáo hôm nay, chúng tôi cảm thấy thật thân thương những con người hiền lành, chất phác đến từ khắp mọi miền quê hương. Họ miệt mài xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp, sung túc hơn.
Tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Giáo biểu diễn tại ngày hội các dân tộc
Bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Phú Giáo có những bước phát triển đáng ghi nhận về mặt văn hóa, kinh tế, xã hội. Các tiêu chí cụ thể được xây dựng tạo nên phong trào thi đua trong các cấp ngành, địa phương nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33, góp sức cùng toàn tỉnh xây dựng một Bình Dương ngày càng văn minh, tiến bộ.
Ông Lý Thành Vinh, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Giáo, cho biết huyện có 80% dân số sống ở vùng nông thôn, có đồng bào các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mường, Thái, Khmer... sinh sống. Có thể khẳng định sau 5 năm thực hiện nghị quyết, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực trong hành động. Các công trình thiết chế văn hóa nổi bật được đầu tư xây dựng. Công tác xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; đến nay đã có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới cơ bản hoàn thiện 19 tiêu chí, đang đề nghị tỉnh thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới đã mang lại những hiệu quả thiết thực; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều thay đổi, tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động của nhà văn hóa một số xã đạt hiệu quả chưa cao, chưa thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt. Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc chưa được quan tâm đúng mức. Một số dân tộc chưa nhận thức được việc bảo tồn văn hóa dân tộc mình.
Việc gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong huyện được quan tâm bảo tồn; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phục hồi như: Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử, CLB ca chèo, CLB thơ... Mỗi xã có một đội nghệ thuật quần chúng để phục vụ nhân dân trong các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, các sự kiện trong năm hay tổ chức ngày hội đại đoàn kết. Có thể kể đến các lễ hội của đồng bào dân tộc được khôi phục như: Lễ hội cầu mùa của đồng bào Sán Chỉ ở xã Tam Lập, tết Choi Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer. Ông Vinh cho biết thêm, dự kiến tháng 11 năm nay, Phú Giáo được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm điểm tổ chức lễ hội Cầu mùa và đây cũng là dịp giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong và ngoài huyện.
Xây dựng con người, môi trường văn hóa lành mạnh
Rèn luyện thân thể, khỏe để xây dựng và bào vệ quê hương, đất nước, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”... là những phong trào được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Tỷ lệ người tập luyện thểthao thường xuyên hàng năm tăng, hiện có hơn 35,8% gia đình tập luyện thường xuyên. Qua báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Thường vụ Huyện ủy, từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cuộc vận động đã có sức lan tỏa nhanh, được các cấp, các ngành và nhân dân tích cực hưởng ứng. Các hoạt động xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người được chú trọng, các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh tiếp tục được phát huy. Phú Giáo cũng đã xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc ngày càng tiến bộ hơn.
Hàng năm, số gia đình, khu dân cư, cơ quan đạt danh hiệu văn hóa tăng lên đáng kể. Năm 2014, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 92%, khu, ấp văn hóa đạt 47,1%, cơ quan văn hóa đạt 83,5%, khu nhà trọ văn hóa đạt 28%, xã đạt chuẩn nông thôn mới là 2/10. Các số liệu thống kê trong năm 2018 là: Gia đình văn hóa đạt 96,2%, khu, ấp văn hóa đạt 97%, cơ quan văn hóa đạt gần 98,2%, khu nhà trọ văn hóa đạt 42%. Và đặc biệt, năm 2018, Phú Giáo có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là niềm tự hào của người dân Phú Giáo trong 5 năm qua. Họ đã từng ngày không ngừng phấn đấu, xây dựng cho bộ mặt nông thôn thêm khang trang, thuận lợi.
Các đề án, mô hình công tác gia đình như đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam”, “Củng cố gia đình văn hóa giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình” đã có 11/11 xã, thị trấn được triển khai, góp phần thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam theo quan điểm gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người; xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, ấm no là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân và mỗi gia đình.
Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trong thời gian qua được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư và nâng cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa văn nhgệ, thể dục thể thao của ngành văn hóa thông tin; tuyên truyền, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Ông Nguyễn Đình Đạt, người dân ở khu phố 9, thị trấn Phước Vĩnh, cho biết bà con luôn an tâm, hài lòng khi cuộc sống nơi đây ngày một sung túc hơn trên quê hương Phú Giáo hiền hòa này.
QUỲNH NHƯ