Xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Cập nhật: 17-05-2018 | 07:56:16

 Xây dựng con người Bình Dương phát triển với những chuẩn mực văn hóa, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống hướng tới chân - thiện - mỹ… đó là mục tiêu của tỉnh Bình Dương trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Sau 3 năm triển khai thực hiện NQ số 33, Bình Dương đáp ứng tốt yêu cầu chung của NQ.

Xây dựng con người phát triển toàn diện

Đến các trường từ mầm non đến đại học trong tỉnh, trước cổng trường, sân trường, hành lang, lớp học đều có những khẩu hiệu giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho các em học sinh (HS) như “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Học tập sáng tạo - Rèn luyện chăm ngoan - Vui chơi lành mạnh”, “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”, “Thầy mẫu mực - Trò chăm ngoan - Trường khang trang - Lớp thân thiện”… Cũng nhờ những khẩu hiệu đó đã giúp các em HS nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó cũng là một trong những việc làm của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Bình Dương thực hiện chương trình của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 33.


Trường Đại học Bình Dương tổ chức cho sinh viên về nguồn tại Khu di tích Nhà tù Phú Lợi để giáo dục đạo đức, lịch sử

Theo ông Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng, pháp chế Sở GD-ĐT, giáo dục con người là trách nhiệm nặng nề nhất của ngành GD-ĐT tỉnh trong việc nâng cao đạo đức, lối sống, truyền thống lịch sử, văn hóa cho những mầm non tương lai của đất nước. Ngành đã và đang triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Với mục tiêu tất cả HS trong các trường học đều có đạo đức tốt, ngoan, lễ phép; 100% đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện quy tắc ứng xử trong cơ quan, trường học; 100% HS có ý thức tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, nhân đạo, hoạt động lao động tập thể…

Đối với Tỉnh đoàn, những năm qua cũng đã thực hiện tốt Nghị quyết số 33 trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, tác phong trong công việc, giáo dục lịch sử. Việc giáo dục thông qua các hội thi, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, về nguồn, hành trình xanh, chương trình thiện nguyện... từ đó giúp các bạn đoàn viên thanh niên, hội viên rèn luyện nhân cách sống. “Được tham gia các hội thi về lịch sử, hay tham quan di tích lịch sử, cùng nhau đi làm từ thiện đã cho em biết được nhiều điều về mảnh đất Bình Dương xưa”, bạn Lê Thị Mỹ Linh, sinh viên trường Đại học Bình Dương nói.

Bên cạnh việc quan tâm rèn luyện đạo đức, tinh thần cách mạng, lòng tự tôn dân tộc, các cấp, các ngành trong tỉnh còn quan tâm việc chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể chất cho thế hệ trẻ thông qua các hoạt động thể dục - thể thao. Chính vì vậy, những năm gần đây, số lượng gia đình, số người tập luyện thể thao tăng. Phong trào tập luyện thể thao ngày càng được khơi dậy trong đối tượng cán bộ, công nhân viên chức, HS, sinh viên, lực lượng vũ trang. Hàng năm, tỉnh còn tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”...

Đa dạng các hoạt động văn hóa tinh thần

Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 cũng chính là nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. TX.Tân Uyên là địa phương tiêu biểu làm tốt công tác này. Ông Đinh Quốc Phú, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Tân Uyên cho biết, những năm qua, TX.Tân Uyên luôn bảo đảm việc phát triển kinh tế song song với phát triển văn hóa, xã hội. Trong đó, công tác xây dựng gia đình văn hóa được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi từ thị xã đến cơ sở, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, phong trào xây dựng và giữ vững ấp, khu phố, xã, phường văn hóa trên địa bàn thị xã với những thành tích đáng kể, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, giúp nhau phát triển kinh tế - xã hội. Cuối năm 2017, TX.Tân Uyên có 12/12 xã, phường xếp loại tiên tiến; 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4/6 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa đạt 95,6%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đạt 93,63%.

Riêng TP.Thủ Dầu Một, ngoài tổ chức đa dạng các hoạt động vui chơi, giải trí cho nhân dân, thành phố còn quan tâm đầu tư, dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, công viên đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Năm 2017, thành phố đã xây mới 30 công viên, hoa viên. Các công viên được xây dựng có diện tích từ 100 - 300m2 với nhiều cây xanh và trang bị ghế đá cùng các dụng cụ tập luyện thể dục. Năm 2018, thành phố có kế hoạch xây mới 36 công viên, hoa viên.

Không chỉ quan tâm đến việc bồi dưỡng con người hay nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho người dân, thời gian qua, Bình Dương còn tích cực đẩy mạnh việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng hoạt động văn hóa để trục lợi, gây mất an ninh, trật tự. Có thể thấy chăm lo đời sống tinh thần cho người dân, xây dựng con người phát triển toàn diện chính là góp phần xây dựng, gìn giữ, phát huy những giá trị của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=640
Quay lên trên