Xét xử vụ án hình sự

Cập nhật: 10-11-2018 | 06:51:03

Xét xử vụ án hình sự là giai đoạn thứ tư và cuối cùng và quan trọng nhất của hoạt động tố tụng hình sự. Trong giai đoạn này, cấp tòa án có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành áp dụng các biện pháp chuẩn bị cho việc xét xử; đưa vụ án hình sự ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm hoặc phúc thẩm, để xem xét về thực chất vụ án. Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi tòa án nhận được hồ sơ vụ án hình sự (với quyết định truy tố bị can trước tòa án kèm theo bản cáo trạng) do Viện Kiểm sát chuyển sang và kết thúc bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS 2015) quy định các trình tự xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự. Trình tự xét xử sơ thẩm được coi là xét xử lần đầu vụ án hình sự. Trình tự xét xử phúc thẩm được coi là xét xử lại vụ án hình sự khi có kháng cáo của bị cáo, bị hại và người có quyền và lợi ích hợp pháp; kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp, Viện Kiểm sát cấp trên. Bản án, quyết định của tòa án trong vụ án hình sự sơ thẩm chỉ có hiệu lực thi hành khi sau 15 ngày không có kháng cáo, kháng nghị. Trình tự xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm là việc xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án hoặc vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án, quyết định mà tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, thành phần Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân (hoặc Hội thẩm quân nhân nếu là Tòa án Quân sự). Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là chung thân, tử hình thì Hội đồng xét xử bắt buộc phải có hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba thẩm phán. Thẩm phán là người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định được Chủ tịch nước bổ nhiệm để làm nhiệm vụ xét xử. Hội thẩm người do HĐND bầu ra hoặc do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử ra. Trong quá trình xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm ngang quyền với nhau.

Theo quy định của BLTTHS 2015, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được tiến hành theo ba phần với các thủ tục rất chặt chẽ, đó là thủ tục bắt đầu phiên tòa; thủ tục tranh tụng tại phiên tòa; thủ tục nghị án và tuyên án. Trong các phần trên, phần tranh tụng tại phiên tòa là phần rất quan trọng. Trước khi vào phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng truy tố bị cáo về một tội phạm cụ thể trong BLHS. Sau đó, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc xét hỏi bị cáo, bị hại, người có quyền và lợi ích hợp pháp, người làm chứng, người giám định… để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án; đồng thời xem xét trực tiếp các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án. Kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày luận tội (nếu không rút toàn bộ quyết định truy tố); bị cáo hoặc người bào chữa trình bày lời bào chữa; bị hại, đương sự, người đại diện của họ trình bày ý kiến bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Thủ tục cuối cùng của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là nghị án và tuyên án. Trong nghị án, Hội đồng xét xử xem xét tất cả và giải quyết các vấn đề của vụ án, sau đó biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Việc nghị án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét toàn diện, đầy đủ những chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác. Kết quả nghị án là Hội đồng xét xử đưa ra các quyết định và bản án xác định có hành vi phạm tội không, bị cáo phạm tội gì, đồng thời quyết định hình phạt và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo (nếu là có tội); trách nhiệm bồi thường thiệt hại… Chủ tọa hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án trong khi tuyên án; trường hợp xử kín, chỉ đọc phần quyết định của bản án.

 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5748/UBND-NC ngày 18-12-2017 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=595
Quay lên trên