Những quy định về án treo trong Bộ luật Hình sự 2015

Cập nhật: 14-07-2018 | 15:32:40

Án treo là chế định pháp lý hình sự liên quan đến việc chấp hành hình phạt. Án treo được hiểu là việc tạm thời miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, hình phạt đối với người vi phạm luật ở mức độ ít nghiêm trọng, khi bị xử phạt tù không quá 3 năm, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và xét thấy không cần phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội mà vẫn có thể cải tạo được. Người được hưởng án treo phải chịu thời gian thử thách từ 1 đến 5 năm, do tòa án quyết định.

Điều kiện hưởng án treo: Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, tòa án quyết định cho hưởng án treo khi có các điều kiện sau:

- Bị xử phạt tù không quá 3 năm, không phân biệt tội gì. Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá 3 năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo.

- Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng.

- Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 52 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.

- Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thời gian thử thách là khoảng thời gian đủ để người bị kết án tự khẳng định về sự tự giác cải tạo của mình. Mặt khác, thời gian thử thách của án treo cũng giúp tòa án có điều kiện kiểm tra tính đúng đắn của việc áp dụng án treo đối với người bị kết án trong thời gian chấp hành bản án. Thời gian thử thách của án treo được tính từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo. Theo đó, nếu tòa án cấp sơ thẩm cho người bị kết án được hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, còn nếu tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo nhưng tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Trong thời gian thử thách, tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

Người được hưởng án treo đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành hình sự 2 lần trở lên, thì tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định của BLHS.

(Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5748/UBND-NC ngày 18- 12-2017 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=385
Quay lên trên