Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có những mặt diễn ra không thuận lợi như giá xăng dầu, điện biến động, thời tiết không ổn định… nhưng ghi nhận cho thấy, tình hình sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng khá.
6 tháng đầu năm, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH gỗ Kim Phong (Khu công nghiệp Kim Huy, TP.Thủ Dầu Một)
Nhiều ngành tăng trưởng ấn tượng
Theo lãnh đạo Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), 6 tháng qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên đã đạt 92% kế hoạch năm 2019, tăng 16% so với năm 2018; dự báo cả năm đạt trên 180% kế hoạch năm 2019, tăng 32% so với năm 2018. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành viên ước đạt 1,528 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu gỗ chủ yếu như Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều đạt mức tăng trưởng tốt. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp thành viên đạt mức tăng trưởng trên 100% so với cùng kỳ năm 2018, như Công ty TNHH Nguyễn Thanh, Công ty TNHH Tiến Triển, Công ty TNHH nội thất Mê Kong…
Một trong những thuận lợi của các doanh nghiệp thành viên BIFA 6 tháng qua là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, theo đó các đơn hàng từ Trung Quốc chuyển dịch sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, làm cho đơn hàng sản xuất tăng, tạo đà cho doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện đang có làn sóng đầu tư và mở rộng lớn đối với ngành gỗ, nên các doanh nghiệp ngành này cũng đối mặt với không ít khó khăn, đó là nguồn cung lao động ngày càng khan hiếm dẫn tới nhiều đơn hàng không hoàn thành đúng tiến độ.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Bình Dương, cho biết các doanh nghiệp thành viên hiện đã có đơn hàng hết quý III-2019, trong đó nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả năm 2019 và đang đàm phán ký kết thêm nhiều đơn hàng mới. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua các doanh nghiệp trong hiệp hội ước đạt 1,387 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với ngành giày da, theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội giày da - túi xách Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua của các đơn vị thành viên ước đạt 1,484 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, riêng ngành giày dép kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng khá tốt ở hầu hết các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp thành viên đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý III-2019, với lượng đơn hàng xuất khẩu tăng 10 - 12% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngành gốm sứ của tỉnh có mức tăng trưởng ổn định trong 6 tháng đầu năm (tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước), kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,9 triệu USD. Các doanh nghiệp gốm sứ đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2019, lượng đơn hàng tăng 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Khai thác tốt cơ hội
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một trong những yếu tố thuận lợi của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đông Nam Á đều là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, kinh tế phát triển ổn định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp trong nước đang lo lắng hiện nay là những biến động trên thị trường tài chính thế giới - tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến xuất nhập khẩu, trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Sở Công thương nhận định, đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, các mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế bổ sung của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là nguy cơ bị điều tra lẫn tránh thuế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích thích nền sản xuất trong nước tăng trưởng, kể cả ngành gỗ. Do đó, dự báo mặt hàng gỗ chế biến nói riêng và các hàng hóa khác nói chung xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ trong thời gian tới.
Đối với ngành dệt may, theo Sở Công thương, đang có nhiều thuận lợi trên thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng đang dần hoàn chỉnh do dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu tại Việt Nam đang tăng lên. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) cũng mở ra những ưu đãi lớn cho ngành dệt may, tạo ra sức hút lớn về đơn hàng cho cả ngành dệt may và da giày trong nước.
CPTPP được thực thi từ đầu năm nay, EVFTA vừa được ký kết ngày 30-6 đang mở ra triển vọng lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra gay gắt, trước mắt mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước nhưng về lâu dài xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ doanh nghiệp Trung Quốc sang các thị trường lân cận sẽ gia tăng kéo theo những vấn đề phức tạp khó lường.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại Bộ Công thương, cho rằng việc tham gia CPTPP là một trong những tiêu chí để Việt Nam điều chỉnh thể chế và môi trường kinh doanh. Điều này cũng đã được Chính phủ quyết tâm thực hiện. Đối với EVFTA, hàng Việt Nam sẽ vào được thị trường rộng lớn và khó tính nhất Liên minh châu Âu, góp phần quan trọng để nước ta hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2019. |
TIỂU MY