EVFTA được ký kết: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Bình Dương

Cập nhật: 02-07-2019 | 08:46:24

Ngày 30-6, Hiệp định Thương mại tự do cùng Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) đã được ký kết tại Hà Nội. Trong đó, EVFTA được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây được xem là một cơ hội lớn cho cả đôi bên cùng phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp Bình Dương, vốn có thế mạnh về sản xuất lẫn thương mại.

Ngành dệt may được đánh giá có lợi thế lớn khi EVFTA có hiệu lực. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty May mặc Chutex, Khu công nghiệp Sóng Thần II.Ảnh: XUÂN THI

Hiệp định quan trọng

EVFTA được ký kết chắc chắn sẽ tạo cho nền kinh tế Việt Nam không gian về mặt thị trường rộng lớn hơn, chất lượng cao hơn - thị trường EU. Có thể khẳng định, EVFTA được ký kết là sự quan trọng và rất có ý nghĩa, không chỉ đáp ứng lợi ích của hai bên mà còn tạo những cơ hội lớn, tạo ra thời cơ cho phát triển, những động lực mới nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường hội nhập quốc tế. Đối với cộng đồng doanh nghiệp của Bình Dương chiếm tới hơn 10% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước, với nhiều ngành sản xuất quy mô lớn được dự đoán có nhiều lợi thế trong việc tìm kiếm, phát triển thêm thị trường EU.

Các chuyên gia đánh giá, FTA thế hệ mới này không chỉ tạo điều kiện để nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp chúng ta tham gia chuỗi giá trị mới, trong đó tăng về xuất khẩu của Việt Nam sẽ nhanh hơn tăng về nhập khẩu. Nếu theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự trù mà chúng ta tranh thủ được, trong vòng một năm tới có thể tăng xuất khẩu tới 20% do hàng rào thuế quan đã được giảm đi, hướng tới năm 2030 có thể lên tới 40%; đóng góp vào % trong tốc độ tăng trưởng GDP nếu tính trong giai đoạn 2019-2023 có thể là 2 - 3%.

Tại Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm UBND tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tổng kết một số chương trình đột phá của Tỉnh ủy trong giai đoạn 2016-2020. Kết quả, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đề ra đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, đến nay một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm (2016-2020), nổi bật thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,4 tỷ USD (theo kế hoạch đề ra là trên 7 tỷ USD). 6 tháng qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh ước thực hiện 40.623 tỷ đồng, tăng 12,02% so với cùng kỳ năm trước. Đối với đầu tư trong nước, từ đầu năm đến ngày 15-6 toàn tỉnh đã thu hút 27.337 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Như vậy, đến nay toàn tỉnh có 39.307 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 328.315 tỷ đồng.

Trong những năm qua, Bình Dương là một trong những địa phương có nền sản xuất công nghiệp tốt nhất Việt Nam. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, nổi bật là một số sản phẩm tinh chế, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, công nghiệp phụ trợ (như sản phẩm điện, điện tử, máy vi tính, điện thoại, thiết bị bán dẫn...) tăng trưởng khá và thị trường ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.

6 tháng qua, một số sản phẩm công nghiệp phụ trợ, công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao được tỉnh quan tâm đầu tư và tăng trưởng khá. Trong khi đó, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật 160 tỷ đồng, cho thuê lại đất và nhà xưởng với tổng diện tích 95 ha; xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD. Còn các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút 3 dự án với tổng vốn đầu tư 42,5 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp với diện tích 12.743 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 73,8% và 12 cụm công nghiệp, diện tích 794 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 67%.

Theo ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh, khi EVFTA được thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng sẽ tranh thủ được nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật cao của thị trường EU. Bên cạnh đó, nếu tính cộng hưởng lại, Việt Nam vừa tăng cường hội nhập vừa tranh thủ được thị trường phát triển kinh tế cũng tạo đà cho cải cách và đổi mới tăng lên. Điều này tạo cho vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam được nhân lên nhiều.

Cơ hội mở ra, nhưng không chủ quan

Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn 7 năm ngay kể từ khi hiệp định có hiệu lực, mở ra cơ hội xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông - thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau quả), đồ gỗ…

Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Như vậy, gần như tất cả ngành sản xuất thế mạnh của Bình Dương như dệt may, da giày, đồ gỗ… đều sẽ được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực. Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2019, Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 15,5% so với năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%. Để thực hiện mục tiêu này, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm trên các thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được nhiều tỉnh, thành trong cả nước ưu tiên thu hút đầu tư để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng đòi hỏi của các FTA. Đặc biệt, việc Sở Công thương các địa phương thường xuyên tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại chỗ giúp các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước gặp gỡ, tiếp cận để liên kết cung ứng cho nhau đã giúp tỷ lệ nội địa hóa của từng sản phẩm xuất khẩu ngày càng tăng cao, giảm nhập khẩu, tăng giá trị xuất siêu…

Cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư
Theo các chuyên gia, EVFTA và IPA khi đi vào thực thi, môi trường đầu tư và những điều kiện kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trước tiên cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẽ được cải thiện rất đáng kể. Những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Nhờ vậy, Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Với việc thuận lợi hóa thương mại như vậy, các nhà đầu tư châu Âu có rất nhiều điều kiện để tiếp tục đầu tư, tham gia phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế tương đối ở Việt Nam hiện nay, như công nghiệp chế biến thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao hay các ngành công nghiệp mũi nhọn như ô tô, điện tử… Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN.
MINH NGUYỄN

KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết
Tags
EVFTA

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=536
Quay lên trên