Cục Hải quan Bình Dương: Triển khai quy định mới về nhập khẩu máy móc, công nghệ cũ

Cập nhật: 01-07-2019 | 08:16:10

 Sau 10 ngày có hiệu lực thi hành, Cục Hải quan Bình Dương đã tổ chức triển khai đến cộng đồng doanh nghiệp Quyết định số 18/2019/ QĐ-TTg ngày 19-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (cũ) đã qua sử dụng (gọi tắt là Quyết định số 18/2019), có hiệu lực pháp luật từ ngày 15-6-2019.

 Dù cũ nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn môi trường

Thể hiện chủ trương xây dựng đất nước bằng con đường “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, ngày 19-4-2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 18/2019. Quyết định nêu rõ, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa.

Theo đó, máy móc, công nghệ đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam khi đã bảo đảm các điều kiện: Còn từ 85% trở lên so với công suất thiết kế và không quá 10 năm so với ngày sản xuất, riêng với lĩnh vực cơ khí là 20 năm; lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ từ 15 - 20 năm; lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy là 20 năm. Các lĩnh vực này phải có mức tiêu hao năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế. Sản phẩm phải được sử dụng ít nhất tại 3 cơ sở trong nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Hàn Quốc và phải đạt tiêu chuẩn về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường của các quốc gia này, hoặc phải phù hợp với Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam (TCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường...


 Robot công nghệ đã qua sử dụng hoạt động tốt tại một doanh nghiệp vốn đầu tư Nhật Bản trong Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II. Ảnh: DUY CHÍ

Quyết định số 18/2019 quy định, không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong trường hợp: Các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và không thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao. Chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trên Cổng thông tin điện tử của bộ danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do đã lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường.

Quyết định 18/2019 cũng quy định rõ: Ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan, doanh nghiệp phải bổ sung tài liệu: Một là, bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của doanh nghiệp; trường hợp nhập khẩu theo ủy thác thì phải có văn bản ủy thác nhập khẩu. Hai là, bản chính giấy xác nhận của nhà sản xuất máy móc, thiết bị về năm sản xuất và tiêu chí của máy móc, thiết bị đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 6 quyết định này trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc. Ba là, chứng thư giám định được cấp bởi một tổ chức giám định được chỉ định theo quy định.

Doanh nghiệp quan tâm vì có nhu cầu

Nhiều câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa ngành hải quan và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng thông qua việc chuyển giao giữa các doanh nghiệp trong hệ thống nhằm tiết kiệm suất đầu tư. Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến: Khi nhận chuyển giao loại máy móc, thiết bị này thì doanh nghiệp trong nước phải thanh lý máy móc cũ đang sử dụng, vậy thủ tục như thế nào. Doanh nghiệp nhập khẩu máy móc công nghệ về nhưng sử dụng cho thuê có phù hợp không. Làm thế nào để xác định tỷ lệ phần trăm, năm sản xuất và sử dụng khi hồ sơ gốc của máy móc công nghệ đã không còn...

Trả lời những thắc mắc của các doanh nghiệp, đại diện Cục Hải quan Bình Dương cho biết việc chuyển giao, nhập khẩu sử dụng máy móc công nghệ đã qua sử dụng đều phải tuân thủ các điều khoản quy định trong Quyết định số 18/2019. Việc thanh lý máy móc đã hết khấu hao, không còn nhu cầu sử dụng phải có văn bản thông báo đến cơ quan hải quan (đối với doanh nghiệp chế xuất), kèm theo hợp đồng thanh lý theo quy định; giá thanh lý được xác định tại thời điểm giao dịch theo hợp đồng. Trường hợp doanh nghiệp thanh lý trước, thông báo sau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trong khi đó, việc nhập khẩu máy móc, công nghệ đã qua sử dụng mà không sử dụng thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp; việc cho thuê lại máy móc công nghệ đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, tùy thuộc vào quyền sở hữu và chức năng của doanh nghiệp.

Trường hợp hồ sơ máy móc, thiết bị đã qua sử dụng thuộc nhóm G7, Hàn Quốc phù hợp với điều kiện, tiêu chuẩn được phép nhập khẩu về Việt Nam đã bị thất lạc hồ sơ, chứng nhận thì doanh nghiệp phải có chứng thư giám định do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định.

Theo đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng máy móc công nghệ đã qua sử dụng của doanh nghệp là rất quan trọng, vì nhiều hệ thống máy móc, công nghệ từ các nước tiên tiến hiệu quả hoạt động còn rất tốt, chất lượng cao. Vì vậy, doanh nghiệp quan tâm, mua sắm loại máy móc này nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển của doanh nghiệp.

Đại diện Cục Hải quan Bình Dương lưu ý doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các nội dung quy định trong Quyết định số 18/2019 trước khi lựa chọn, quyết định nhập khẩu máy móc công nghệ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, thuận lợi trong thực hiện thủ tục.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=608
Quay lên trên