Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng trong khó khăn - Kỳ 2

Cập nhật: 21-07-2022 | 08:18:04

Kỳ 2: Không bi quan về thị trường

 Không bi quan về thị trường, các doanh nghiệp (DN) nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để duy trì sản xuất, phát triển kinh doanh; đồng thời, đề xuất với các cấp, các ngành các giải pháp hỗ trợ, tập trung vào các giải pháp cụ thể, có khả năng thực hiện ngay.

 Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Đại Hoa (TX.Tân Uyên)

 Đối diện thách thức

Theo Cục Thống kê, tuy kim ngạch xuất khẩu đạt cao hơn cùng kỳ song trị giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh ước đạt 12.792 triệu đô la Mỹ, giảm 5,8% so với cùng kỳ. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Một số thị trường nhập khẩu chính, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, EU… giảm nhẹ so với cùng kỳ. Chi phí vận chuyển tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao là một yếu tố bất lợi với hoạt động xuất nhập khẩu. Việc kéo giảm chi phí là câu chuyện dài hơi, bao gồm cả hệ thống chính sách về hạ tầng, sự nỗ lực cải thiện năng lực của DN cả về nhân lực, công nghệ… Các DN vẫn có đơn hàng tuy nhiên do gặp khó khăn nên số đơn hàng bị tồn kho lớn.

Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, kết quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) 6 tháng đầu năm dù khá tích cực nhưng vẫn chưa thể khẳng định là hoàn toàn thuận lợi. Bởi hiện tại, nhiều DN ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí tại nhiều quốc gia đang bùng phát trở lại. Trong khi đó, hoạt động SXKD của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung. Cùng với đó, tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tăng giá năng lượng, nguyên vật liệu.

Mới đây, các hiệp hội ngành hàng, Liên đoàn DN Bình Dương đã tập trung thảo luận tình hình SXKD, những khó khăn, thách thức của DN, ngành hàng về chi phí sản xuất, giá bán đầu ra, thị trường tiêu thụ, chuỗi cung ứng, lao động, vốn, tín dụng 6 tháng đầu năm, đồng thời dự báo về tình hình SXKD 6 tháng cuối năm nhằm tìm hướng phát triển. Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh, cho biết khó khăn lớn nhất giai đoạn hiện nay là giá cả đầu vào. Theo ông Xô: “Rất nhiều DN trong hiệp hội đã ký được đơn hàng đều đặn nhưng vấn đề gặp phải là giá cả nguyên liệu đầu vào, trong đó giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất, hàng xuất đi lại không tăng được như giá đầu vào. Đây là bài toán rất khó khăn”.

Kỳ vọng thị trường mở

Cộng đồng DN kỳ vọng cuối năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục được mở rộng ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, với một “siêu thị trường” đến từ các quốc gia tham gia những FTA quan trọng, các ngành sản xuất, xuất khẩu chính của Bình Dương, như: Dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử… dự báo sẽ tăng trưởng trên 10% so với năm 2021.

Ngành công thương thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, giữ ổn định cho lưu thông hàng hóa trong nước, hỗ trợ cho các DN trong hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh tuyên truyền việc tận dụng lợi ích của các FTA cũng như phòng, chống gian lận xuất xứ, ứng phó kịp thời đối với các biện pháp phòng vệ thương mại mà các quốc gia dựng lên cho hàng hóa nhập khẩu”.

(Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương)

Ông IRON, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Đại Hoa (TX.Tân Uyên), cho biết năm 2022 DN này đặt ra mức tăng trưởng 10%. Dự kiến trong thời gian tới, số đơn hàng sẽ tăng lên nhờ các FTA. Để tận dụng tốt các FTA, DN đã chủ động đa dạng nguồn cung đầu vào, tăng số lượng hàng dự trữ cũng như mở thêm nhà xưởng, liên kết để tạo thành quy trình hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt, công ty cũng đã đầu tư máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, triển khai các sản phẩm xuất khẩu giá trị gia tăng cao.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da - Túi xách tỉnh, cho rằng các DN ngành giày da đã và đang có đơn hàng đến quý III. Các DN đã chủ động chuyển đổi, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển; đồng thời thường xuyên đàm phán, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm bảo đảm duy trì sản xuất thường xuyên và việc làm ổn định cho người lao động.

Thêm một thuận lợi, qua khảo sát, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang tìm kiếm các nhà cung ứng đầu vào tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho các DN trong nước, nhưng cũng là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Để tham gia cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN FDI, DN trong nước phải đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh. Hiện nay có hàng trăm DN trở thành nhà cung ứng phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho DN FDI về các sản phẩm điện tử dân dụng, dịch vụ lắp ráp điện tử, bo mạch điện tử, các sản phẩm cao su và nhựa, sản phẩm hỗ trợ trong các ngành công nghiệp... Khi có thể cung ứng được sản phẩm cho các đối tác FDI trong nước, thông qua các đối tác này, thị trường xuất khẩu của DN Việt Nam sẽ rộng mở hơn.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=916
Quay lên trên