Người dân rời khỏi Gaza qua cửa khẩu Rafah ngày 1/11/2023
Ngày 1/11, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran kêu gọi tổ chức hội nghị khu vực nhằm ngăn chặn xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel lan rộng.
Lời kêu gọi được đưa ra trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian, diễn ra 1 ngày sau khi nhà ngoại giao Iran gặp các lãnh đạo phong trào Hamas ở Qatar.
Iran đã cảnh báo rằng xung đột tiếp tục kéo dài có thể khiến Israel trở thành mục tiêu của các lực lượng vũ trang trong khu vực.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Fidan cho biết nước này đang thúc đẩy có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức vì không khó để dự đoán rằng bạo lực sẽ tiếp tục lan rộng nếu không có giải pháp dài hạn.
Ông Fidan nêu rõ: "Chúng tôi không mong muốn thảm kịch nhân đạo tại Gaza trở thành cuộc chiến ảnh hưởng tới các quốc gia trong khu vực."
Nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết người đồng cấp Iran cũng nhận thấy những dấu hiệu mạnh mẽ rằng các tổ chức vũ trang khác trong khu vực có thể can dự nếu tình hình không thay đổi. Điều này càng khiến cho yêu cầu thiết lập lệnh ngừng bắn và hòa bình trở nên cấp thiết hơn.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị hòa bình gồm các nước Hồi giáo và Arab, Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian nhấn mạnh cần tổ chức hội nghị hòa bình sớm nhất có thể.
Cùng ngày, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng kêu gọi các nước Hồi giáo dừng giao dịch với Israel, trong đó có cả xuất khẩu dầu mỏ, để phản đối chiến dịch quân sự mà nước này triển khai trên Dải Gaza.
Phát biểu với các sinh viên tại Tehran, ông cho rằng các nước Hồi giáo cần kiên quyết yêu cầu chấm dứt xung đột, không nên hợp tác kinh tế với chính quyền Israel.
Ông cũng chỉ trích một số nước phương Tây như Anh, Pháp và Mỹ đang cùng Israel gây áp lực lên người dân ở Dải Gaza.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani cảnh báo một số nước châu Âu ủng hộ Israel cần cẩn trọng, tránh làm người Hồi giáo tức giận.
Nhằm bày tỏ phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza, ngày 1/11, Bolivia thông báo tạm dừng mọi quan hệ ngoại giao với Israel.
Thứ trưởng Ngoại giao Bolivia Freddy Mamani cho biết nước này yêu cầu Israel chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào Dải Gaza. Bolivia là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên cắt quan hệ với Israel kể từ khi xung đột bùng phát.
Bolivia cũng từng cắt quan hệ ngoại giao với Israel để phản đối các cuộc tấn công trước đó nhằm vào Dải Gaza và mới chỉ nối lại quan hệ từ năm 2019.
Trước đó, ngày 31/10, các lãnh đạo của Colombia và Chile cũng lên tiếng bày tỏ phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza.
Chia sẻ trên mạng xã hội X, Tổng thống Colombia Gustavo Petro cho biết đã quyết định triệu đại sứ tại Israel về nước tham vấn đồng thời nêu rõ nếu Israel không dừng chiến dịch gây tổn hại cho người Palestine, các nhà ngoại giao Colombia không thể hiện diện tại nước này. Tương tự, Chile cũng thông báo triệu đại sứ tại Israel về nước./.
Theo TTXVN