Xung quanh vụ CIA bắt giữ một công dân Đức vô tội

Cập nhật: 27-07-2016 | 16:44:56

Tháng 1-2004, khi công dân Đức Khaleed al-Masri bị đưa đến nhà tù bí mật của Cục Tình báo trung Mỹ (CIA) ở Afghanistan, nhiều quan chức CIA tin chắc rằng anh không phải là phần tử khủng bố, họ cũng biết anh không quen biết bất cứ tên khủng bố nào hay bất cứ sự việc gì bên trong thế giới khủng bố quốc tế.

Tóm lại là CIA đã bắt giữ sai người. Thế nhưng, al- Masri vẫn bị cầm tù và thậm chí còn bị đưa đi thẩm vấn - theo báo cáo nội bộ CIA về vụ bắt giữ al-Masri vừa mới được tiết lộ. Báo cáo dài 90 trang được soạn vào tháng 7-2007 và tiết lộ hồi tháng 6-2016 theo yêu cầu từ Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU) dựa vào Luật Tự do Thông tin (FOIA). Nhân dịp này, ACLU yêu cầu chính quyền Mỹ chính thức xin lỗi về việc bắt oan và cầm tù Khaleed al-Masri vô căn cứ.

Báo cáo tuyên bố Khaleed al-Masri không bị xâm hại thân thể trong suốt thời gian khoảng 5 tháng anh bị cầm tù sai trái, mặc dù thừa nhận rằng đối tượng bị giam trong một "xà lim nhỏ với một vài bộ quần áo, một giường ngủ và cái xô vệ sinh".


Khaleed al-Masri và vợ con.

Tuy nhiên, Khaleed al-Masri khẳng định anh đã bị tra tấn và xâm hại tình dục. Vụ bắt giữ al-Masri không có gì là mới trong chuỗi sai lầm của CIA trong cuộc săn đuổi những phần tử khủng bố thường hay xảy ra dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush.

Tập báo cáo đã bị biên tập lại rất kỹ với nhiều trang bị xóa trắng và danh tính của những người có liên quan đều được xóa bỏ; nhưng từ những phần còn lại cũng đủ cho mọi người hiểu được những gì đã xảy ra. Thêm vào đó là sự bất công: cho dù CIA sớm nhận thức được al-Masri không phải là phần tử khủng bố nhưng họ vẫn không chịu thả người ngay lập tức và công khai thừa nhận sai lầm.

Được thu thập bởi tổng thanh tra CIA, báo cáo phơi bày mặt tối trong chương trình dẫn độ nghi can khủng bố của chính quyền Bush. Ngoài việc bắt giam người vô tội một cách bất hợp pháp đến 5 tháng, báo cáo còn làm lộ rõ tính thiếu chuyên nghiệp đến không ngờ của cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ.

Theo báo cáo, Khaleed al-Masri "bị thẩm vấn bằng tiếng Anh trong khi đó là thứ tiếng mà nghi can nói rất dở". Jamil Dakwar, luật sư đại diện cho al-Masri và Giám đốc Chương trình Nhân quyền của ACLU, chỉ trích không một người Mỹ nào liên quan đến vụ việc al-Masri bị yêu cầu giải trình. Thậm chí, có 2 nhân vật chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ bắt giam người sai lầm còn được thăng chức.

Câu chuyện là bài học nhớ đời cho nước Mỹ, nơi mà Donald Trump - một trong 2 tứng cử viên tổng thống hàng đầu hiện nay - hứa hẹn sẽ phục hồi lại việc sử dụng biện pháp tra tấn các tù nhân được coi là nghi can khủng bố và chính quyền hiện nay từ chối trừng phạt bất cứ ai từng có "hành động thái quá trong chương trình dẫn độ" dưới thời chính quyền George W. Bush.

Trong vụ án al-Masri, báo cáo của tổng thanh tra CIA liệt kê hàng loạt thất bại: "Thiếu chính xác trong hành động đánh giá chống lại một cá nhân nghi ngờ liên quan đến khủng bố; thiếu hiểu biết về những quy định luật pháp về giam giữ và dẫn độ; thiếu sự chỉ đạo cho những sĩ quan tiến hành các chiến dịch trọng yếu liên quan đến quốc tế; và thiếu cơ chế quản lý giám sát".

Báo cáo cũng đặc biệt chỉ trích Alec Station - đơn vị CIA chịu trách nhiệm săn lùng trùm khủng bố Osama bin Laden sau vụ tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001. Báo cáo nêu rõ: "Alec Station đã phóng đại tính chất dữ liệu mà đơn vị này sở hữu và liên kết al-Masri đến khủng bố. Sau khi có quyết định cho phép al-Masri hồi hương, việc thi hành lại rơi vào trì trệ do bộ máy quan liêu".

Trong vụ al-Masri, nhiều sĩ quan cho rằng đối tượng "biết nhiều thông tin cốt yếu có thể hỗ trợ trong kế hoạch bắt giữ các điệp viên Al - Qaeda khác" bất chấp sự thật là CIA không thể tìm thấy bất cứ bằng chứng nào đủ mạnh để chứng minh al-Masri dính líu đến Al - Qaeda.

Al-Masri bị an ninh Macedonia bắt giữ khi anh đến thành phố Skopje nước này vào cuối tháng 12-2003 và sau đó lại chuyển giao cho CIA tại Đức. Báo cáo kể chi tiết một loạt sai lầm CIA bắt đầu khi quyết định bắt giữ Khaleed al-Masri mà không có nỗ lực thẩm tra thông tin được tình báo Macedonia cung cấp - họ nghi ngờ một gián điệp Al Aqeda du hành với hộ chiếu Đức giả mạo.

Trong thời gian 3 tháng đầu giam giữ al-Masri, giới chức CIA cũng không quan tâm kiểm tra hộ chiếu cho đến khi một sĩ quan thẩm vấn tình cờ bắt gặp một túi nhỏ chưa được mở nằm trên bàn một sĩ quan khác - trong đó là tấm hộ chiếu của al-Masri. Lúc đó, hộ chiếu mới được chuyển đến bộ phận chuyên gia giám định của CIA và kết quả là giấy tờ thật hoàn toàn.

Bất chấp điều đó, al-Masri vẫn chưa được thả ngay lập tức do CIA sợ tai tiếng giam giữ người vô tội trái pháp luật. Đến tháng 5-2004, Giám đốc CIA lúc đó là George Tenet họp bàn về vấn đề Khaleed al-Masri. Sau khi nhận được báo cáo từ CIA, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice ra lệnh Masri "phải được cho hồi hương nhanh chóng".

Cuối cùng, al-Masri được người của CIA thả tại Albania và bảo anh tự tìm đường quay trở về Đức ngay. Luật sư Jamin Dakwar cho biết đó là cuộc tiếp xúc chính thức cuối cùng giữa al-Masri với CIA. Al-Masri tố cáo CIA đã tra tấn anh trong một căn cứ mật của tình báo Mỹ có tên gọi "Salt Pit" ở phía bắc thủ đô Kabul của Afghanistan.

Khaleed al-Masri nhận được 80.000 USD tiền bồi thường từ chính quyền Maceddonia do bị nhân viên an ninh nước này ngược đãi, theo lệnh từ Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) đặt trụ sở tại thành phố Strasbourg nước Pháp. Hiện nay, Khaleed al-Masri đang mong chờ lời xin lỗi chính thức từ chính quyền Mỹ trước Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ (ACHR) ở Washington. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=666
Quay lên trên