“Cây xương rồng” người dân tộc Nùng

Cập nhật: 27-09-2013 | 00:00:00

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Vy Văn Thảy (SN 1936, xã Tân Hiệp, Phú Giáo). Ông Thảy là một trong những hộ đồng bào dân tộc Nùng, vượt qua mọi khó khăn vươn lên làm giàu, được công nhận là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm…

 

Ông Thảy (giữa) chia sẻ kinh nghiệm vươn lên làm kinh tế với cán bộ xã Tân Hiệp và phóng viên

Ông Vy Văn Thảy quê gốc Cao Bằng. Do hoàn cảnh mưu sinh khó khăn, năm 1988 ông đưa gia đình vào xã Tân Hiệp (Phú Giáo) khai hoang, phát triển kinh tế. Ông nhớ lại: “Những ngày đầu đến Bình Dương lập nghiệp, hai vợ chồng với số vốn ít ỏi phải gồng gánh 6 người con đang tuổi ăn, tuổi học. Hàng ngày, chúng tôi phải vừa khai hoang lấy đất trồng lúa, vừa làm thuê kiếm gạo nuôi con. Vất vả, khó khăn ban đầu cũng vơi khi chúng tôi làm được những vụ lúa trĩu hạt. Tuy nhiên, khí hậu tại đây ngày càng trở nên “xa lạ” với cây lúa. Do đó, nhiều vụ mất mùa, gia đình tiếp tục gặp khó khăn”.

Đầu năm 2000, Trung tâm Khuyến nông huyện, Hội Nông dân xã đã đưa ra chính sách giúp người dân giống khoai mì, phân bón… Nắm cơ hội này, ông cùng gia đình tích cực trồng và chăm sóc khoai mì. Nhờ vậy đến cuối vụ, ruộng khoai mì nhà ông đã cho năng suất cao, giúp gia đình thoát khỏi cảnh thiếu ăn, con cái được đi học trở lại. Bên cạnh đó, chính sách miễn giảm học phí, quan tâm đến con em đồng bào dân tộc của tỉnh Bình Dương cũng làm ông yên lòng để tập trung phát triển kinh tế. Năm 2001, tỉnh tạo điều kiện cho người dân ở các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên… trồng cây điều để phát triển kinh tế. Gia đình ông cũng tiên phong trong việc thực hiện dự án này. Những năm đầu, cây điều cho thu nhập cao, nhưng sau đó giá điều quá bấp bênh khiến đời sống người dân trồng điều rơi vào cảnh “ăn bữa nay, lo bữa mai”.

Tuy vậy, với ý chí kiên cường, ông Thảy tự nhắc mình “không được gục ngã trước khó khăn”. Nhận thấy giá trị của cây cao su trong thời buổi kinh tế hiện nay, ông mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Ông tích cực học tập, tìm hiểu, tham khảo về cách trồng, chăm sóc cây cao su qua cán bộ hội nông dân, sách, báo, tivi... Đầu tiên, gia đình ông trồng được 4 ha cao su. Năm 2010, cao su cho thu hoạch, giá cao, mủ nhiều, đời sống gia đình ông có ít “của ăn” và góp “của để”, trả nợ. Tới nay, gia đình có 8 ha cao su đã cho thu hoạch, kinh tế gia đình ổn định, thu nhập hàng năm trừ chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng/năm.

Không những làm kinh tế giỏi, ông còn chú trọng việc học tập của các con. Ý thức được sự vất vả của ba mẹ, các con ông đã nỗ lực cố gắng học tập thành tài. Giờ đây, 6 người con của ông Thảy, 2 người ổn định kinh tế tại Cao Bằng, 2 người làm giáo viên công tác tại huyện Phú Giáo, 1 người làm công chức tại UBND xã Tân Hiệp (Phú Giáo), người con út làm công an ở Lâm Đồng. “Từ khi trồng cao su, gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn trước. Món tiền lời từ “vàng trắng” đã giúp chúng tôi có điều kiện mua thêm đất, cất nhà, cuộc sống gia đình hạnh phúc. Các con được học tập, có công ăn, việc làm, trở thành người có ích cho xã hội, càng làm cho tôi vui hơn…”, ông Thảy tâm sự.

Khi kinh tế ổn định, ông Thảy còn có điều kiện giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khác về cây giống và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc. Ông được đồng bào nơi đây xem như tấm gương sáng để học tập và đặt biệt danh cho ông là “Cây xương rồng” bởi những nỗ lực vượt khó, vươn lên. Có thể thấy, từ chính sách quan tâm của chính quyền, sự nỗ lực vươn lên như ông Thảy, đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây đã có nhiều khởi sắc, thoát nghèo.

 

 T.TÂM - Đ.TUÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên