Khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa qua sách giáo khoa

Cập nhật: 05-06-2014 | 00:00:00

 Ý thức về chủ quyền biển đảo đã được Nhà nước phong kiến Việt Nam rất quan tâm và được đưa vào sách dạy cho học trò. “Khải đồng thuyết ước” là sách dạy trẻ học vỡ lòng bằng chữ Hán thời vua Tự Đức, có vẽ về Hoàng Sa. Bản đồ Hoàng Sa trong “Khải đồng thuyết ước” có tên là Bản quốc địa đồ thuộc các trang 15-16 của sách. Trên bản đồ ghi vị trí các tỉnh, ngọn núi lớn từ cửa Nam Quan đến Biên Hòa, Vĩnh Long và những ghi chú số phủ, huyện, tổng, xã, phường, ấp, giáp, thuộc từng tỉnh. Phần ngoài biển đối diện với địa phận của Thừa Thiên và Quảng Nam trong bản đồ ghi chú về quần đảo Hoàng Sa với ba chữ Hoàng Sa Chử, có nghĩa là quần đảo Hoàng Sa.

Sách do nhà nho Phạm Vọng (hiệu Trúc Đường), Ngô Thế Vinh (hiệu Khúc Giang) biên soạn. Sách được khắc in lần đầu vào năm Quý Sửu Tự Đức thứ 6 (1853) và được sử dụng trong tất cả trường học ngay từ đầu đời Tự Đức cũng giống như sách giáo khoa (SGK) ngày nay. Vì là SGK nên đã được khắc nhiều lần trải qua các triều vua. “Khải đồng thuyết ước là SGK dạy các kiến thức về xã hội, địa lý… trong sách có bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Cuốn sách được giới khoa học đánh giá là bản sách viết tay sớm nhất triều Nguyễn”, giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết. Một điểm thú vị trong bản vẽ bản đồ Hoàng Sa trong sách “Khải đồng thuyết ước” là quanh hai điểm này còn có thêm những chấm tròn nhỏ, thể hiện những đảo nhỏ xung quanh. Dưới phần ghi Hoàng Sa có ghi hai chữ là quốc nội, nghĩa là thuộc về Việt Nam.

“Còn đối với Trung Quốc, mãi đến năm 1906 SGK địa lý của nước này là cuốn Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư, viết: Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”, PGS.TS Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III cho biết như vậy và so sánh: “Trong khi đó từ thời Nguyễn, Nhà nước đã đưa kiến thức về quần đảo Hoàng Sa vào sách dạy cho học trò”.

Giáo sư Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm cũng có trong tay bản sao SGK của Trung Quốc xuất bản năm 1912 thể hiện biên giới nước này chỉ tới đảo Hải Nam. Ông Trịnh Khắc Mạnh khẳng định: “Sách do Bộ Giáo dục của nước Trung Hoa dân quốc phát hành nên có thể coi đây là sự thừa nhận về mặt nhà nước, rằng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không phải của họ”.

  T.S (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=590
Quay lên trên