Những “bông hoa” trong lòng địch: Chuyện ở ven rừng

Cập nhật: 03-09-2014 | 10:01:46

Liên tiếp bị quân ta đánh bại, trận sau thua đau hơn trận trước, địch cay cú mở nhiều trận càn ác liệt, quyết tâm xóa sổ phong trào cách mạng đang sục sôi trên mảnh đất miền Đông Nam bộ. Ở vùng Tam giác sắt, chúng mở trận càn lịch sử “Bóc vỏ trái đất” với hơn 40.000 quân Mỹ - ngụy tham chiến. Sông Bé mùa hè năm 1965 trong biển lửa bom đạn quân thù. Trong gian lao, máu lửa các chiến sĩ an ninh cách mạng vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện giáng trả quân thù những đòn đánh cực kỳ quả cảm và tinh nhuệ.

Kỳ 11: Chuyện ở ven rừng

>> Xem kỳ trước

Khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc vừa mới khánh thành tại xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Đây là căn cứ của lực lượng an ninh ta trong thời chiến

Những chàng trai áo trắng

Chúng tôi kể nốt câu chuyện của thượng tướng Trần Văn Trà mà ở bài viết trước đây đã nêu. Năm 1986, trong lúc một đơn vị bộ đội đang phát hoang rừng chiến khu Đ nhằm khảo sát xây dựng nông trường làm kinh tế, bỗng một chiến sĩ phát hiện có 3 chiếc võng mắc chụm vào nhau ở gốc cây cổ thụ. Mọi người giật mình lại xem thì phát hiện trên võng có 3 bộ hài cốt và 3 lá thư với tiêu đề “Thư gửi người đang sống”. Bên cạnh chiếc võng có 3 khẩu AK đã hoen gỉ, những đôi dép cao su còn nguyên vẹn. Nội dung 3 lá thư thật cảm động và sâu sắc. Ba người trước lúc hy sinh đã để lại một thông điệp bi tráng về lòng yêu nước cao cả và một “nỗi buồn chiến tranh” mà chắc chắn không ai mong muốn xảy ra.

Chứng kiến sự việc, người chỉ huy đơn vị bộ đội quả quyết: 3 đồng chí hy sinh ở đây thuộc Đại đội “Ký Con”, Trung đoàn B.G. Mùa khô 1966, khi ta đánh trận Bông Trang - Nhà Đỏ thắng lợi, để Trung đoàn B.G rút lui an toàn, 3 đồng chí này thuộc một tiểu đội được giao nhiệm vụ mang điện đài của trung đoàn băng rừng, hành quân vào chiến khu Đ nhằm đánh lừa sự truy đuổi của quân thù. Nhờ đó, Trung đoàn B.G rút lui an toàn, còn 3 đồng chí hành quân đến khu rừng này, bị thương, kiệt sức và hy sinh. Bông Trang - Nhà Đỏ là trận đánh táo bạo của quân ta tiêu diệt một tiểu đoàn Mỹ chiếm đóng. Thắng lợi đã làm nức lòng đồng bào Sông Bé thời điểm ấy. Phong trào cách mạng ở Tân Uyên cũng vì thế được phát triển ngày càng mạnh mẽ. Càng đánh càng thua, địch thay đổi chiến thuật, chúng tung cảnh sát, ác ôn, mật vụ luồn sâu vào các điểm ven rừng hòng tiêu diệt cán bộ của ta. Đã có nhiều chiến sĩ, cán bộ hy sinh vì thủ đoạn này của địch. Không thể để địch lộng hành, ta chủ trương thành lập thêm huyện Châu Thành bao gồm các xã ven khu vực Thủ Dầu Một. Từ đây, đã tạo nên những gọng kìm bao vây, kiểm soát địa bàn chặt chẽ hơn, nắm địch, nắm dân sát sao hơn. Nhiệm vụ của Ban an ninh Tân Uyên thời kỳ này là đẩy mạnh tiêu diệt ác ôn, trả thù cho đồng bào chiến sĩ, đồng thời gây dựng cơ sở cách mạng, vận động bà con phá ấp chiến lược ra ngoài sinh sống.

Bia chiến thắng Phước Thành - chiến công có sự góp sức rất lớn của Ban an ninh Tân Uyên Ảnh: Q.CHIẾN

Một buổi sáng bình thường trong thời chiến. Trung tâm Thủ Dầu Một tấp nập người qua lại nhưng không gian vẫn sặc mùi chiến sự. Trên 3 chiếc xe 67, 4 chàng thanh niên mặc áo trắng, thư sinh tuổi học trò đang lao về tỉnh lỵ. Phía sau con đường họ đi qua, bụi đỏ tung mù mịt. Xe lao nhanh qua Phú Cường, bỗng dừng lại trước câu lạc bộ sĩ quan, nơi có hàng chục Mỹ - ngụy đang vui chơi sau những trận càn máu lửa trở về. Trong tích tắc, 4 chàng trai áo trắng tung vào 4 quả lựu đạn. Bốn chàng trai nhanh chóng lao xe vùn vụt vào ven rừng chiến khu Đ an toàn.

Sáng hôm sau, báo chí Sài Gòn đăng tin chấn động: “Hôm qua, Việt cộng liều lĩnh ném lựu đạn vào câu lạc bộ sĩ quan Phú Cường. Hơn 40 sĩ quan anh dũng “đền nợ nước” và 6 cố vấn Mỹ chết”. Người chỉ huy trận đánh táo bạo này là ai? Đó là đồng chí Hai Công (Đỗ Văn Công), nguyên chiến sĩ an ninh huyện Châu Thành, sau này là Trưởng Công an huyện Tân Uyên, Chủ tịch UBND rồi Bí thư Huyện ủy Tân Uyên…

Chuyện “ông nhà văn”

Đây là chuyện về đại tá - nhà văn Chu Lai, bạn chiến đấu với ông Hai Công. Chúng tôi gặp ông Hai Công vào một buổi sáng tại trang trại của ông (xã Đất Cuốc). Dù đã nghỉ hưu, cuộc đời có lúc cũng “nhiêu khê” nhưng khi chúng tôi hỏi về những năm kháng chiến, ông hào hứng hẳn lên. Ở con người này, chúng tôi nhận thấy một tính cách rất hào sảng, một chiến sĩ an ninh thời chiến gan dạ, mưu lược và tràn đầy lý tưởng cách mạng.

Ông Hai Công kể rằng, bước vào những năm 70 của thế kỷ trước, vùng đất Sông Bé vô cùng ác liệt. Đơn vị đặc công của ông Chu Lai sau một thời gian bám trụ ở Rừng Sác cũng về nằm vùng ở ven rừng chiến khu Đ, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh với Hai Công. “…. Chu Lai đẹp trai, da trắng, tóc quăn, nói thì hay như chim hót và chiến đấu thì rất gan lỳ…”, ông Hai Công nhận xét về Chu Lai như thế. Từ người cầm súng, sau này chuyển sang cầm bút, nhà văn Chu Lai đã cho ra đời nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh làm say mê độc giả, như “Nắng đồng bằng”, “Đêm tháng hai”, “Sông xa”… Đất Sông Bé đã ăn sâu vào trong huyết quản và ngòi bút của nhà văn này.

Ông Hai Công kể tiếp, có lẽ cái chất văn có sẵn trong người lính nên khi đánh trận, Chu Lai có lúc rất “lãng tử”, xem thường sự sống chết. Có lần, Hai Công và Chu Lai đi rà, tháo bom mìn của địch. Việc quan hệ đến sinh mạng nhưng Chu Lai thì đi như đi chơi, cứ xông lên phía trước mà không hề có sự dò tìm, cảnh giác. Lần đó nếu ông Hai Công không nhanh tay kéo giật Chu Lai đứng lại trước hai quả mìn thì bây giờ có lẽ họ đã là người thiên cổ.

Đầu năm 1972, trước phong trào cách mạng đang phát triển rất mạnh mẽ của ta, địch đưa kẻ ác ôn tên Bài về làm xã trưởng Khánh Vân (nay là xã Khánh Bình) nhằm phá hoại phong trào. Tên này rất thâm độc, đã gây ra nhiều nợ máu với cách mạng. Cấp trên giao nhiệm vụ cho Hai Công phải tiêu diệt tên Bài. Đây là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm.

Kỳ 12: Bảy Chí - ông là ai?

KIẾN GIANG - KHÁNH VINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1418
Quay lên trên