Ổi ngọt Đài Loan trên đất Bình Dương

Cập nhật: 31-05-2012 | 00:00:00

Xuất thân từ Long An, đến các tỉnh miền Đông tìm việc làm, rồi có duyên gặp gỡ ông xã là người Đài Loan, chị Trần Ngọc Phượng đã cùng chồng chọn Bến Cát làm quê hương mới và thực hiện ước mơ đưa nhiều giống cây ăn trái từ Đài Loan về trồng tại Bến Cát.

 Chị Phượng bên vườn ổi Đài Loan đang cho trái

Cách đây hơn 8 năm, chị Phượng đã thử trồng ổi ruột đỏ và thấy ổi ruột đỏ thơm, nhưng lại không giòn và ngọt bằng ổi Đài Loan. Từ đó, anh chị quyết tâm đưa cây ổi Đài Loan về trồng thử. Lần đầu tiên chồng chị đưa về Việt Nam 100 gốc ổi Đài Loan ruột trắng, ngọt, giòn về Lai Uyên, Bến Cát trồng thử. Gọi là ổi Đài Loan bởi vì ổi có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan. Giống ổi này sau khi trồng từ 7 - 8 tháng là đã cho thu hoạch. Theo chị Phượng thì chồng chị là người đầu tiên đưa giống ổi Đài Loan về trồng tại Việt Nam. Sau khi thấy thị trường ưa chuộng giống ổi này, chị tiến hành chiết cành nhân rộng. Từ 100 cây ổi giống ban đầu, chị đã nhân rộng trên diện tích lên đến 8 ha với 4.800 cây. Ngoài ra, mỗi năm chị Phượng còn cung cấp khoảng 20.000 cây giống cho các nhà vườn ở các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ.

Ổi Đài Loan cho trái quanh năm, trên cây ổi luôn có nhiều cỡ trái. Để hạn chế suy cây, chị Phượng cho biết chị phải thường xuyên tỉa bỏ bớt trái, đồng thời sau mỗi đợt thu hoạch phải cắt tỉa bớt các cành đã cho trái. Nhờ vậy mà vườn ổi của chị luôn xanh tốt và có trái thu hoạch quanh năm. Với mật độ trồng 600 cây/ha, nếu chăm sóc tốt thì trong một năm năng suất đạt trên 50 tấn/ha. Nếu chăm sóc tốt thì giống ổi này có thời gian khai thác được từ 11 đến 12 năm. Với diện tích 8 ha, mỗi ngày chị Phượng giao cho thương lái từ 1,5 - 2 tấn ổi, với giá bán 15.000 - 17.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ mọi chi phí, chị Phượng thu về trên 250 triệu đồng/tháng.

Để tiết kiệm nước và công lao động, chị xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm do anh chị tự thiết kế, lắp đặt. Việc chăm sóc ổi tuy đơn giản nhưng lại khá tốn công. Mỗi tháng tưới 1 lần và bón 1 đợt phân NPK, còn phân hữu cơ bón 2 lần/năm. Khâu tốn nhiều công nhất là bọc ổi nhằm hạn chế ruồi đục làm hư trái. Khi ổi có đường kính khoảng 25 - 30cm sẽ được bọc lại bằng 2 lớp, lớp trong là loại túi xốp dùng bọc trái cây để không bị xây xát, lớp ngoài là bọc nilon không cho côn trùng tiếp xúc với trái ổi. Nhờ được bọc cẩn thận nên ngoài việc tránh côn trùng làm hư hại trái, còn tránh được sự tiếp xúc các loại thuốc phun để xử lý cây.

Hiện tại, chị Phượng đang có kế hoạch mở rộng thêm 12 ha diện tích trồng ổi ở huyện Tân Uyên. Khi triển khai trang trại trồng ổi này, chị Phượng cho biết anh chị sẽ nhập thêm giống táo xanh Đài Loan về trồng, nhằm làm phong phú thêm mặt hàng trái cây ở Việt Nam.

PHƯƠNG DUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên