Những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi được phát triển rộng khắp từ tỉnh tới xã, phường, thị trấn; từ đó xuất hiện nhiều “lão nông” tiêu biểu. Bằng sự nhanh nhạy, sáng tạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất mới, những “lão nông” này trở thành những tỷ phú chân đất...
Ông Trần Văn Biển - nông dân cũng phải năng động
Đến xã Phước Sang (Phú Giáo) hỏi ông Trần Văn Biển, chuyên dịch vụ trồng mới và cung cấp giống cao su thì ai cũng biết. Bởi ông có đội quân thường trực tới 15 người, chuyên nhận trồng cao su từ khâu thiết kế phóng lô, khoan lỗ, bỏ cây đến chăm sóc. Địa bàn hoạt động không chỉ ở Phú Giáo, Bình Dương mà sang cả Đồng Nai, Bình Phước, thậm chí các tỉnh Tây nguyên, mỗi năm ông nhận trồng mới cả trăm ha.
Trước đây, ông Biển định cư ở Định Hòa (TX.TDM) và có nhiều năm gắn bó với nghề trồng rau màu. Đến những năm 90, ông quyết định đến Phước Sang lập nghiệp bởi ở đây đất rộng, có kênh nước, đất đai lại bằng phẳng phù hợp với nghề trồng rau màu. Tuy nhiên, do quá xa chợ nên sản phẩm làm ra không ai mua. Sau thất bại đó ông quyết định chuyển sang trồng cây cao su, một loại cây phù hợp với thổ nhưỡng nơi này. Dần dần thấy hiệu quả kinh tế cao nên ông mở rộng diện tích. Khi các kỹ thuật trồng cao su đã thuộc trong lòng bàn tay, ông quyết định nhận làm dịch vụ trồng cây cao su mới. Ban đầu chỉ vài ha, đến vài chục và thời điểm này cả trăm ha/năm. “Sở dĩ số lượng ngày một tăng là nhờ mình làm ăn có uy tín, giá cả phải chăng nên người này giới thiệu người kia” - ông Biển chia sẻ.
Giờ đây ông Biển đã là một tỷ phú nổi tiếng với lợi nhuận mỗi năm trên 2 tỷ đồng. Theo ông, làm nông nghiệp cũng giống như những ngành nghề khác, để thành công đòi hỏi người nông dân phải năng động, kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường.
Ông Lê Quang Minh - Nhanh nhạy với thời cuộc
Hiện tại, ở xã An Lập (Dầu Tiếng) ông có trong tay 32 ha cao su đang khai thác, mỗi năm đem về nguồn thu trên 3 tỷ đồng. Chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, ông Minh khiêm tốn cho biết: Những năm 1985, mình cùng các anh em khác vào rừng khai thác đất trồng điều nhưng thấy cây cao su cho giá trị kinh tế cao hơn nên quyết định không mở rộng thêm diện tích trồng điều mà phá đất trồng cao su. Tôi áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, nghĩa là nhờ cây điều nuôi cây cao su. Sau đó, thấy nhu cầu cây cao su giống tăng cao nên tôi trồng thêm cây giống bán cung cấp cho người dân quanh vùng. Nhờ vậy, tôi mới trụ được với cây cao su.
Để có nguồn phân cung cấp cho hơn 30 ha cao su, ông mở thêm trang trại nuôi gà lạnh. Ông Minh cho biết thêm, nguồn lợi từ gà không cao nhưng là nguồn phân bón rất tốt cho cây cao su. Nhờ đó, tôi giảm bớt một khoản lớn tiền phân bón.
Ông Nguyễn Văn Nhứt: Làm nông phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật
Nhiều người nghĩ rằng, làm nông nghiệp đơn thuần với cây bầu, cây bí thì làm sao giàu được. Nhưng ông Nguyễn Văn Nhứt ở phường Bình Chuẩn (TX.Thuận An) thì lại khác. Nhờ những cây trồng quen thuộc đó mà ông nuôi 9 người con ăn học thành tài; có tiền lo nhà cửa cho từng người con khi họ ra riêng...
Giữa một phường phát triển công nghiệp như Bình Chuẩn mà có 2 ha đất trồng hoa màu quả là tỷ phú. Nhưng với ông Nhứt để giữ được tài sản đó là cả một vấn đề. Những năm qua Bình Chuẩn thay da đổi thịt; nhà máy, xí nghiệp mọc lên ầm ầm, nhiều “lão nông” giống ông thi nhau bán đất với mong muốn đổi đời. Nhưng ông quyết định bám đất, bám vườn; bởi ông nghĩ mình là nông dân, mình phải làm giàu từ đất. Ông mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng trọt từ cách trồng truyền thống, ông chuyển sang trồng rau phủ bạt với năng suất cao hơn, an toàn hơn. Hiện tại, với những cây hoa màu bình thường như cà tím, cà bắp... nhưng mỗi năm thu nhập của ông không dưới 100 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Bây giờ, khoa học kỹ thuật được các cấp hội thường xuyên tập huấn, hướng dẫn, tuy nhiên dừng lại ở lý thuyết là chưa đủ. Mình phải linh hoạt, nắm vững từng loại đất để điều chỉnh cho phù hợp”.
THU THẢO