Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (NDSXKDG), đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong những phong trào “mũi nhọn” được Hội Nông dân (HND) tỉnh phát động trong những năm qua. Từ phong trào này, không chỉ xuất hiện những gương điển hình “dám nghĩ, dám làm” mà chính họ còn đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...
Từ phong trào NDSXKDG đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao
Theo Phó Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Minh Luân, phong trào NDSXKDG của tỉnh đã phát triển mạnh trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Chỉ tính riêng 3 năm (2009-2012), toàn tỉnh đã thu hút trên 105.000 lượt NDSXKDG các cấp phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, tinh thần “dám nghĩ, dám làm” để vươn lên làm giàu chính đáng. Những mô hình sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả cao như: mô hình nuôi cá kiểng của ông Nguyễn Tuấn Kiệt ở phường Chánh Nghĩa (TX.TDM); mô hình chuyên sản xuất rau an toàn bằng phương pháp phủ bạt, nhà lưới của ông Nguyễn Văn Nhứt ở phường Bình Chuẩn (TX.Thuận An); mô hình trồng hoa lan, cây kiểng gắn với dịch vụ nhà trọ của ông Lê Hồng Phúc ở phường Lái Thiêu (TX.Thuận An)... Các điển hình NDSXKDG đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Cái được của phong trào NDSXKDG không chỉ dừng lại việc phát triển kinh tế của từng cá nhân mà chính là tương trợ giúp nhau giảm nghèo và làm giàu. Ngoài việc trợ vốn từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, chính nông dân còn có nguồn vốn tương trợ nội bộ, thực hiện bằng nhiều hình thức như: cho mượn không tính lãi, bán thiếu vật tư, phân bón, cây - con giống... trị giá trên 36 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 11.000 lượt hội viên. Gắn với đầu tư vốn, các cấp hội còn phối hợp với các ngành có liên quan chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Thông qua các hình thức như tập huấn, hội thảo, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, xây dựng điểm trình diễn kỹ thuật... Từ phong trào này đã giúp cho gần 3.500 hộ nông dân thoát nghèo.
Không dừng lại ở đó, với vai trò trung tâm nòng cốt trong phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp hội còn gắn phong trào NDSXKDG với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, 3 năm qua, các cấp hội đã tổ chức vận động nông dân đóng góp sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, bê tông hóa đường trong khu, ấp được 806km; nạo vét khai thông sông suối, cơi cặp bờ bao, kênh mương nội đồng được 319km; làm mới, sửa chữa 1.373 cầu, cống... Trong đó, nông dân đóng góp trên 17 tỷ đồng và gần 30.000 ngày công lao động.
Để phong trào này thật sự trở thành phong trào thi đua yêu nước trong hội viên nông dân; là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn phát triển bền vững, hội đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể như: phấn đấu hàng năm có 100% cơ sở hội phát động và có trên 90% hộ hội viên nông dân đăng ký NDSXKDG; tổ chức xây dựng các mô hình liên kết hợp tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch và chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn... Theo đó, HND các cấp phải xây dựng kế hoạch thi đua, đăng ký, bình xét, sơ - tổng kết để làm cơ sở đánh giá. Hàng năm, có giấy chứng nhận nông dân đạt danh hiệu NDSXKDG ở từng cấp và đề nghị Nhà nước, hội cấp trên khen thưởng để động viên kịp thời những tập thể, cá nhân xuất sắc. Song song đó, các cấp hội phải phối hợp với các ngành tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và tạo vốn để nông dân phát triển sản xuất...
THU THẢO