Tổ quốc bên bờ sóng

Cập nhật: 30-06-2014 | 00:00:00

LTS: Việt Nam ta, dải dất hình chữ S nằm bên bờ biển Đông sóng vỗ từ ngàn xưa đã in sâu vào tiềm thức của người dân với biết bao tình cảm thiêng liêng. Suốt chiều dài lịch sử, biển Đông đã bao lần sóng gió, đau thương, gian khổ nhưng rất đỗi oai hùng, rạng rỡ. Chiến thắng Bạch Đằng Giang, bến Vân Đồn… là hào khí muôn đời của con dân đất Việt và là vết hằn không thể nào quên của các thế lực ngoại xâm phương Bắc. Hôm nay, biển Đông lại một lần nữa dậy sóng, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Như bao lần trước, khi chủ quyền đất nước bị đe dọa cũng là lúc hàng triệu trái tim Việt Nam đều hướng ra biển, sục sôi khí phách dân tộc. Hòa chung trong tinh thần yêu nước ấy, báo Bình Dương trân trọng giới thiệu ký sự “Tổ quốc bên bờ sóng”.

Kỳ 1: Nam quốc sơn hà

Trước khi bắt đầu hành trình từ cột mốc rừng dương Trà Cổ, đến rừng đước Cà Mau, chúng tôi ngược lên Kinh Bắc, vùng đất đã đi vào trang sử chói lọi của dân tộc với chiến công lẫy lừng gắn liền tên tuổi người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt bên dòng Như Nguyệt. Năm xưa, bên dòng sông hiền hòa ấy, giữa lúc cuộc chiến đang quyết liệt bỗng vang lên trong đêm khuya vắng vẻ những câu thơ đanh thép: Nam quốc sơn hà Nam đế cư… khiến quân thù khiếp đảm. Nam quốc sơn hà từ đó trở thành lời thề lịch sử, là tuyên ngôn bất hủ và chân lý ngàn đời của Việt Nam bất khuất: Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời…

Vọng mãi chiến công

Chiều trên thành phố Bắc Ninh nắng chói chang. Nhà báo Văn Phong - Báo Bắc Ninh vui vẻ đưa chúng tôi đi thăm lại di tích Phòng tuyến Như Nguyệt, thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong. Đã 937 năm trôi qua, lịch sử bao lần biến thiên thay đổi nhưng ký ức của trận đánh vang dội vẫn còn đọng mãi trong tâm khảm của bao lớp người nơi đây. Con sông xưa, bến đò Như Nguyệt vẫn còn đó, thơ mộng và hiền hòa. Phòng tuyến bên bờ sông nay đã được đắp cao thành đê chắn lũ nhưng vẫn không làm mất dấu tích lịch sử. Trên đê, thỉnh thoảng bắt gặp rất nhiều lô cốt của người Pháp để lại. Văn Phong giải thích, Bắc Ninh vốn là đất binh gia, xưa gọi là trấn Kinh Bắc, là cửa ngõ của thủ đô nên trong lịch sử mỗi khi đất nước có chính biến, thường có quân xâm lược chiếm đóng.  

Bến đò và phòng tuyến Như Nguyệt - nơi diễn ra c uộc quyết chiến tiêu diệt quân Tống năm xưa

 

Phóng viên Báo Bình Dương bên bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” tại đền Xà

Năm 1077, nhằm trả thù thất bại lần xâm lược trước đó, nhà Tống sai tướng Quách Quỳ tung toàn bộ quân chủ lực gồm mấy chục vạn, ào ào tiến vào Đại Việt nhằm thôn tính nước ta nhanh gọn. Sau 10 ngày tiến công như vũ bão, tuy bị chặn đánh nhiều nơi nhưng chúng vẫn vượt qua thượng du, tràn xuống bờ Bắc sông Cầu (tức sông Như Nguyệt) chuẩn bị tiến đánh phá hoại tông miếu nhà Lý và tiến về Thăng Long. Về đường thủy, Dương Tùng Tiên, tên tướng chỉ huy thủy quân Tống cũng theo đường biển tiến vào. Nhưng khi chúng vừa tràn vào vùng biển, lập tức bị thủy quân Đại Việt, dưới sự chỉ huy của tướng Lý Kế Nguyên tấn công dữ dội. Bị bất ngờ, tướng giặc cùng các thuộc hạ phải bỏ chạy, đạo thủy binh bị ta tiêu diệt. Thắng lợi trên của ta đã đẩy đạo quân bộ của Quách Quỳ vào thế cô lập. Trước mắt y, giờ đây quân Đại Việt không phải ở trong một thành quách cô lập mà là cả một chiến tuyến vững chắc dọc sông Như Nguyệt. Để thăm dò, Quách Quỳ sai thuộc hạ lợi dụng đêm tối vượt sông ở bến đò Như Nguyệt, nhưng chúng đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân ta. Chúng phải vội vã cắt đứt cầu phao vì sợ quân ta tràn sang bờ Bắc, để lại số quân không có đường rút và bị ta tiêu diệt hoàn toàn.

Thất bại này càng làm cho quân Tống khiếp sợ. Tuy vậy, chúng vẫn ngoan cố tiếp tục làm bè vượt sông. Đợt vượt sông thứ hai của địch diễn ra trên toàn tuyến sông, liên tiếp lớp này đến lớp khác. Nhưng trước chiến lũy kiên cố và sức chiến đấu dũng mãnh của quân ta, cánh quân đổ bộ của địch đều bị tiêu diệt hoặc đầu hàng. Liên tục bị đánh bại, Quách Quỳ phải co về phòng ngự. Y ra lệnh: “Nếu ai bàn đến đánh sẽ chém!”. Nhận thấy tình thế chiến lược đã xuất hiện, Lý Thường Kiệt lập tức chớp thời cơ phản công. Sau nhiều trận đánh tập kích bất ngờ, ông đã huy động 10 vạn quân bao gồm cả tượng binh đồng loạt vượt sông trong đêm tối. Mờ sáng, ta bao vây trại quân địch và gây bất ngờ cho chúng. Tướng địch là Triệu Tiết phải mở đường máu rút chạy về với Quách Quỳ, số quân còn lại đã bị ta diệt hết. Thừa thắng, Lý Thường Kiệt cho quân tiến lên bao vây Quách Quỳ. Trận đánh đã diễn ra vô cùng ác liệt. Trước khí thế xung thiên của quân dân Đại Việt, quân Tống lâm vào thế quẫn bách, tiến lùi đều khó, mười phần chết tám.

Chiến tranh để hòa bình

Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng quân Tống vẫn chần chừ chưa chịu rút lui vì sợ mất thể diện của “Thiên triều”. Nắm chắc tình thế đó, Lý Thường Kiệt chủ động đặt vấn đề điều đình nhằm mở lối thoát cho quân địch, sớm kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi cho dân tộc. Để “không nhọc tướng tá, khỏi tổn xương máu mà bảo toàn được tôn miếu”. Quách Quỳ như người sắp chết đuối lại vớ được cọc, vội vàng nhận “giảng hòa” rút quân về nước trong cảnh giẫm xéo lên nhau.

Chiến thắng Như Nguyệt là trận đánh mang đầy đủ tư tưởng quân sự của dân tộc Việt Nam. Đó là lấy ít thắng nhiều, lấy chiến tranh để bảo vệ hòa bình. Trong thời khắc trận đánh diễn ra ác liệt, bài thơ “Nam quốc sơn hà” đã vang lên trong ngôi đền Xà cạnh bờ sông khiến lòng quân thêm hăng say diệt giặc. Chỉ bằng 4 câu thơ nhưng đã nêu cao chính nghĩa của cuộc kháng chiến cũng như khẳng định rõ địa phận ranh giới quốc gia, đã trở thành tuyên ngôn độc lập đầu tiên đầy tự hào của dân tộc Việt Nam.

Việt Nam là một dân tộc trận mạc, sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nhưng cũng là một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình. Khi quân Tống về đến biên giới, chúng kiểm lại quân số chỉ còn hơn 24.000 lính. Như vậy là gần 30 vạn tên đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, để cho nước Tống đỡ “mất mặt”, để cho chiến tranh không tiếp diễn, vua nhà Lý và chủ tướng Lý Thường Kiệt vẫn cử sứ thần của ta mang quốc thư sang Trung Quốc bàn việc nghị hòa, tạo sự hòa hiếu về sau. Đó chính là chủ trương đúng đắn của vua tôi nhà Lý, thể hiện tinh thần cương quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền nhưng luôn mong muốn hòa bình. Tư tưởng giữ nước ấy của bậc tiền nhân đã mãi mãi truyền lại cho mọi người dân Việt Nam. Tư tưởng trong “Nam quốc sơn hà” là chân lý tất yếu, phổ biến, đồng thời là động cơ, mục đích của cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Lịch sử chiến tranh của dân tộc ta không chỉ đánh bằng “vũ” mà còn đánh bằng “văn”, bằng “mưu phạt tâm công” - một đường lối quân sự được kế thừa và phát huy mãi về sau. Hôm nay, biển Đông lại đang dậy sóng, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vẫn đang kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình. Đó chính là thể hiện sự kế thừa truyền thống đấu tranh giữ nước quý báu từ cha ông.

Chiều muộn, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, chúng tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ mặc áo màu cờ Tổ quốc đỏ rực, đứng đông đúc cùng nhau tổ chức các hoạt động ủng hộ biển đảo thiêng liêng. Tạm biệt vùng đất Kinh Bắc, chúng tôi tiếp tục hành trình lên Bắc Giang để viết về một trận đánh cũng mang đậm tư tưởng chiến tranh và hòa bình của Việt Nam. Bản tin thời sự tối trên truyền hình cho biết, Trung Quốc tiếp tục đưa thêm tàu vào vùng biển nước ta. Cả dân tộc vẫn đang một lòng hướng về phía biển.

KIẾN GIANG - KHÁNH VINH

Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=595
Quay lên trên