Núp bóng giáo dục để trục lợi?: Số phận của những người trót đóng tiền

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:42:38

Kỳ cuối: Số phận của những người trót đóng tiền

Kỳ1: Người học bị “sập bẫy”!

Công ty K. dẫn dắt người học lạc vào cái bánh vẽ: “Kiếm tiền dễ như rửa mặt mỗi ngày”. Với việc đóng một khoản phí bắt buộc vào công ty trở thành nhân viên chèo kéo thêm nhân viên mới để ăn chia hoa hồng. Đây thật sự là chuỗi nạn nhân “dây chuyền” của những người không cùng lứa tuổi, không cùng nghề nghiệp lại cùng lao vào vòng xoáy của chiêu trò khóa học trên danh nghĩa đào tạo kỹ năng mềm.

 

Nhân viên tư vấn cho người đến xin việc tại công ty Ảnh: T.VY

Mê hồn trận

Theo bản hợp đồng đào tạo giữa Công ty Tư vấn và giáo dục K. với người học có quy định rất ngặt mà phần thiệt thuộc về người học, đó là: Học phí sẽ không được hoàn trả lại hay hoán đổi trong bất cứ trường hợp nào, trừ khi khóa học bị hủy bỏ. Gặp chúng tôi, rất nhiều người bức xúc, nói rằng “phóng lao thì phải theo lao”, một số bạn trẻ khác đành chấp nhận bỏ cuộc giữa chừng. “Trước khi đóng tiền vào học những khóa học mềm (kỹ năng sống) của công ty, bạn hãy tìm hiểu kỹ chứ để rồi ân hận về sau. Đóng tiền vào công ty thì không được rút lại dù bất cứ hoàn cảnh nào”, một bạn trẻ khuyên.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người vào Công ty K. mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đa số là khó khăn về kinh tế. Để có được số tiền 8.550.000 đồng học phí cho khóa quản lý để trở thành nhân viên được hưởng mức lương “tuyệt vời” 24 triệu đồng/tháng trở lên thì họ đã tìm bằng nhiều cách mới có được chừng ấy số tiền. Nhiều người phải nói dối gia đình để có tiền, vay mượn bạn bè, người thân, thậm chí có người còn cầm cố cả xe máy, bán nữ trang và lấy tiền bảo hiểm sinh con để đóng vào học mong đổi đời.

Trường hợp đầu tiên chúng tôi gặp là anh T., 39 tuổi, quê ở Sóc Trăng. Anh T., chưa có gia đình nhưng đã từng làm rất nhiều nghề như phụ hồ, phụ xe và bảo vệ. Nhưng do nhiều lý do khác nhau anh đã nghỉ việc, sau khi đọc được thông báo tuyển dụng của Công ty K. với lời quảng cáo có cánh với công việc nhàn rỗi ngồi trong phòng lạnh nhưng có mức thu nhập khá cao nên anh đã quyết định đóng tiền để vào học. Ban đầu, anh T. chỉ đóng số tiền là 590.000 đồng để theo học khóa nhân viên tư vấn nhưng sau đó anh đã được một số nhân viên trung tâm “thổi lỗ tai”, lôi kéo và anh đã đi cầm chiếc xe máy để lấy tiền đóng vào lớp quản lý là 8.550.000 đồng. Tương tự như anh T., anh S., quê ở Quảng Trị cũng đã bị những lời đường mật với mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng để bán đứt chiếc xe Wave của mình để lấy tiền nộp học phí.

Một trường hợp khác đáng thương tâm hơn, chị H., đã ly dị chồng, có 1 con trai nhỏ 8 tuổi. Ngày trước chị làm ở công ty nhưng do sức khỏe không bảo đảm để đi làm ca nên chị đã nghỉ việc mong tìm cho mình một công việc mới phù hợp với sức khỏe và tiện đưa đón con đi học. Nghe thông tin chị vào Công ty K. đã hơn 2 tháng nhưng vẫn không có thu nhập do chưa kiếm đủ số người vào hệ thống. Cuộc sống của hai mẹ con chị đang rất khó khăn do chị không có thu nhập và số tiền tích lũy được chị đã đóng vào lớp học quản lý và trang trải cho 2 tháng đi làm không có lương.

Bạn Nguyễn M., 24 tuổi, quê ở Thừa Thiên - Huế vừa học xong trung cấp tin học cũng đã phải lừa dối bố mẹ ở quê để lấy tiền đóng học tại Công ty K. Thương con, bố mẹ ở quê thường xuyên điện thoại vào hỏi thăm công việc. Lúc nào M. cũng nói dối với gia đình là công việc tốt nhưng thực chất là chưa có thu nhập và công ty này là công ty làm ăn theo kiểu đa cấp. Bạn Trần Mỹ L., quê ở Kiên Giang mới nghỉ việc ở một công ty giày da. Do đang cần việc làm nên L. đã tìm hiểu thông tin và đọc được tờ rơi quảng cáo của công ty, L. đã tìm đến ngay. Sau một lúc nghe các “chuyên gia” giới thiệu về công việc hấp dẫn và thu nhập cao, L. đã quyết định bán đi sợi dây chuyền mà L. đã dành dụm tích lũy được sau những tháng ngày làm công nhân mệt nhọc để đóng học phí.

Đồng hương cũng không tha

Sau khi đã đóng tiền học vào Công ty K., người lao động sẽ được học cách cuốn hút người khác. Cứ đưa một người vào học thành công tại công ty thì các bạn đó sẽ được một sản phẩm. Các bạn được học kỹ năng lấy lòng tin của người khác. Giả sử một người quê ở Nghệ An tìm đến Công ty K. thì sẽ có một thành viên cũ trong hệ thống là người Nghệ An ra chào đón niềm nở để nhận đồng hương. Và không ít người đã sập vào bẫy với chiêu đồng hương giúp đỡ nhau nhưng thật chất là đang lừa nhau.

Các chuyên gia ở đây thường hay truyền đạt cho học viên của mình: “Học mà không áp dụng là người vô dụng”. Họ dạy cách thay đổi bản thân như cách ăn mặc, đi đứng và thay đổi cả tư duy. Họ từ những người lao động chân chất thì nay sẽ được đào tạo trở thành những người đa cấp. Bạn Lê Anh S., 29 tuổi, quê ở Quảng Bình vừa học xong đại học với mong muốn tìm được công việc tốt ở môi trường năng động tỉnh Bình Dương. Sau một tháng, S. tìm đến các công ty để xin việc nhưng vẫn chưa tìm được việc đúng với khả năng bản thân. Khi tìm đến Công ty K., S. đã nhiều lần phân vân nhưng khi được các “chuyên gia” cho ăn “bánh vẽ”, họ nâng cao giá trị bản thân của S., thì anh đã vay mượn bạn bè số tiền 8.550.000 đồng để đóng khóa học quản lý. Gặp chúng tôi, S. rất bức xúc khi biết mình bị lừa và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc.

Với chiêu bài rất cũ như các công ty đa cấp vẫn đang làm để đánh vào tâm lý của người cần việc. Công ty K. vẽ ra một bức tranh ảo về thu nhập cao, hàng ngày đang thu lợi bất chính từ những người cần việc làm. Sau khi đã đóng tiền để theo học lớp quản lý thì người lao động ở đây sẽ phải đi thị trường để kêu gọi người khác vào hệ thống với chiêu bài tuyển dụng. Họ chỉ có lương khi kêu gọi đủ người vào hệ thống bằng mọi hình thức đi phát tờ rơi, tuyển dụng, kêu gọi bạn bè, người thân. Hàng ngày, nhân viên sẽ phải tự chi phí tiền xăng xe và tiền ăn. Có người đã làm được 2 tháng nhưng chỉ nhận được vài triệu đồng thì làm sao trang trải đủ cuộc sống. Họ đã biết chắc chắn mình đã bị lừa nhưng do tiếc tiền đã đóng vào công ty nên nhiều người không ngần ngại chấp nhận kêu gọi người trong gia đình vào công ty để mong thu được số tiền đã đóng.

Bao người vào đây đã phải mang cảnh nợ nần do đi làm chưa có thu nhập và phải đóng một khoản tiền học phí. Trường hợp rất đáng thương, đó là chị Ng., quê ở Khánh Hòa, sau khi được nhân viên công ty tư vấn với lời hứa có cánh thu nhập khủng nên chị đã về bàn bạc với chồng và cả hai cùng tham gia đóng khóa học quản lý. Đã hơn một tháng qua mà vợ chồng anh chị vẫn chưa có thu nhập vì chưa phát triển được người vào công ty. Giờ đây, vợ chồng anh chị chỉ mang nỗi bực tức vào người bởi toàn bộ số tiền tích lũy được đã trót đóng vào công ty. Công việc trước đây ở công ty anh đã nghỉ. Chiếc xe máy của hai vợ chồng đã đưa đi cầm cố để trang trải cuộc sống và không biết tháng sau sẽ như thế nào? “Không có những khoản thu nhập khủng như nhân viên đã tư vấn, đã có nhiều người vào đây vô cùng bức xúc nhưng do đã đóng tiền và không lấy lại được nên họ đã bỏ học và chấp nhận mất tiền”, chị Ng. khẳng định.

 

 TƯỜNG VY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=562
Quay lên trên