Núp bóng giáo dục để trục lợi?

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:44:22

Kỳ 1: Người học bị “sập bẫy”!

Với những lời quảng cáo có cánh, Công ty Tư vấn và Giáo dục K. dùng mác “doanh nhân”, “diễn giả” thuyết trình để mở các khóa học nhân viên tư vấn, phát triển thị trường và quản lý... lôi kéo rất đông học sinh, sinh viên, người lao động tham gia với mục đích thu học phí. Nhiều người đã đóng phí với hy vọng sau khóa học kiếm được thu nhập như Công ty K.tư vấn. Sự thật không phải như vậy, nhiều người đã bị sập bẫy vì đã trót đóng tiền vào công ty để nhận lấy kết quả tiền mất mà lòng ấm ức! Sau nhiều ngày thâm nhập thực tế, chúng tôi phát hiện ra chiêu núp bóng giáo dục để “moi” tiền người lao động chân chính.

Bánh vẽ

Lần theo những thông tin được cung cấp với những lời quảng cáo có cánh như “lời nói gói vàng”, “nghệ thuật thuyết phục khách hàng”, “gặp đối tượng, nói thuyết phục”… vào trung tuần tháng 6, chúng tôi đến đăng ký tham dự khóa học của Công ty Tư vấn và Giáo dục K. tại Khu dân cư Việt - Sing. Vừa bước vào công ty, chúng tôi được rất nhiều nhân viên bước đến làm quen. Khi thấy khách lạ, những nhân viên tư vấn tại đây ai nấy cũng muốn tiếp cận để người lạ đó trở thành khách hàng của mình và hưởng phần trăm theo quy định. Khi vừa vào bàn, một nhân viên tự giới thiệu tên D., giới thiệu sản phẩm của công ty: “Công ty mình là công ty chuyên về giáo dục và đào tạo, không sản xuất ra bất cứ sản phẩm nào. Công ty đào tạo những kỹ năng mềm thay vì các trường đại học đào tạo kỹ năng cứng như cấp chứng chỉ IT, kế toán… Công ty K. đào tạo kỹ năng mềm (kỹ năng sống) nên không giới hạn người học và đối tượng. Bên cạnh đào tạo kỹ năng mềm, công ty còn đào tạo các kỹ năng về MC, thuyết trình, kỹ năng quản lý, giao tiếp, bán hàng…”. Nhân viên D., nói thêm: “Nếu bạn có nhu cầu làm việc tại công ty, hiện tại công ty đào tạo nhân viên tư vấn, nhân viên phát triển thị trường và vị trí quản lý. Đối với nhân viên tư vấn, mức học phí 590.000 đồng (học từ 5 - 7 ngày) với mức lương từ 4 - 8 triệu đồng/người/tháng. Nhân viên quản lý được học 3 tháng, thu phí người học 8.550.000 đồng/ người. Với vị trí quản lý, mức lương “khủng” được nhận từ 24 đến 27 triệu đồng/tháng”.  

Trụ sở Công ty Tư vấn và Giáo dục K.

 

Một lớp học tại Công ty K.

Công ty K. đã đánh vào tâm lý của nhiều người cần việc làm để thu tiền mà đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động nghèo. Sau khi kết thúc khóa học, muốn nhận được lương của công ty thì người học phải đi tư vấn, chèo kéo người khác vào công ty để hưởng hoa hồng với hình thức bậc thang và có dấu hiệu đa cấp lừa đảo.

Rất nhiều người lao động đã bỏ ra khoản tiền lớn để đóng học phí với hy vọng kiếm được thu nhập như Công ty K. tư vấn. Nhưng sự thật không phải như vậy. Nhiều người lao động không có việc làm, cuộc sống khó khăn nhưng với chiêu bài là tuyển dụng, đào tạo đã khiến nhiều người sập bẫy của công ty. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối tượng đến Công ty K. đa số là những công nhân thất nghiệp, học sinh, sinh viên và sinh viên mới ra trường chưa có việc làm và có cả những người lao động phổ thông. Họ mong muốn vào đây để có được công việc và thu nhập để ổn định cuộc sống như công ty này đã quảng cáo.

Bức tranh thu nhập ảo

Công ty K. hiện đã mở thêm hai chi nhánh tại phường Thuận Giao và TX.Dĩ An. Mỗi ngày, công ty nhận nhiều hồ sơ đào tạo để thu phí. Với mức tiền đóng ban đầu là 590.000 đồng cho lớp học nhân viên tư vấn. Đây là số tiền vừa phải nhưng mới chỉ là chiêu moi tiền đầu tiên của công ty. Đóng khoản tiền này, người lao động sẽ được đào tạo từ 5 đến 7 ngày gọi là kỹ năng tư vấn hay để tẩy não dần dần (cách người dạy truyền đạt cho học viên). Vào đây, người học được tư vấn thay đổi về cách ăn mặc cho phù hợp với công việc tư vấn của công ty. Nhân viên được dạy về kỹ năng giao tiếp với khách hàng, cách thu hút khách hàng đến với công ty là gì. Những “diễn giả” luôn vẽ ra một bức tranh đẹp cho những học viên của mình để ảo tưởng và theo hệ thống của công ty. Sau đó chính công ty dùng những người cũ để chèo kéo dụ dỗ những học viên mới theo học khóa học kỹ năng giao tiếp và quản lý tiếp theo.

Với lớp kỹ năng giao tiếp, học viên sẽ phải đóng thêm số tiền là 3,9 triệu đồng. Người học được những người thầy “nổ” về kỹ năng giao tiếp trước công chúng, giao tiếp căn bản trong cuộc sống, giao tiếp trong công sở. Riêng lớp học quản lý người học phải đóng số tiền 8.550.000 đồng. Lớp học này được “diễn giả” giảng dạy về kỹ năng làm giàu, kỹ năng đứng trước đám đông và con đường thành công. Những câu nói “chém gió” để khẳng định mình tự tin và nâng giá trị người học để đánh bóng tạo ra giá trị ảo tưởng về đồng lương mà những “diễn giả” tại đây luôn dạy cho học viên của mình:

Tôi sinh ra để làm giàu.

Tôi sinh ra để làm sự nghiệp.

Tôi sinh ra để có ích cho xã hội.

Tôi sinh ra là niềm tự hào gia đình tôi.

Hoặc câu nói: Học phải áp dụng.

Người học không áp dụng là người vô dụng…

Đa số những người đến học tại Công ty K., họ tưởng vào đây đóng tiền được đào tạo bài bản để khi kết thúc khóa học sẽ được bố thí việc làm và có thu nhập cao. Sự thật không đúng như vậy vì sau khóa học người học sẽ trở thành nhân viên đi kêu gọi những người khác vào hệ thống để được ăn phần trăm hoa hồng. Nếu đăng ký học lớp nhân viên tư vấn 590.000 đồng, để nhận mức lương 4 triệu đồng thì buộc nhân viên phải kêu gọi người mới vào hệ thống. Với quy định như trên, nhân viên không dễ nhận được lương của Công ty K.

Theo bản hợp đồng đào tạo giữa Công ty Tư vấn và Giáo dục K. với người học có quy định rất ngặt mà nhiều người học bức xúc, đó là học phí sẽ không được hoàn trả lại hay hoán đổi trong bất cứ trường hợp nào, trừ khi khóa học bị hủy bỏ.

 

Với chiêu tuyển dụng mức thu nhập khá hấp dẫn, hàng ngày đã có nhiều người tìm đến để nộp hồ sơ và biết bao người phải đi vay mượn mới đủ tiền đóng học phí. Nhiều người đã trót đóng tiền đành phải chấp nhận làm theo mô hình đa cấp của Công ty K. để mong lấy lại số tiền. Qua những ngày thâm nhập thực tế, điều mà chúng tôi nhận ra rằng sau khi người học đã đóng số tiền 590.000 đồng để theo học lớp kỹ năng tư vấn, học viên sẽ được các quản lý ở Trung tâm K. quan tâm đặc biệt như mời đi ăn trưa, cà phê và luôn miệng nói ra mức thu nhập khủng. Lúc đó học viên như bị thu hút với những lời “vẽ” có cánh và làm theo những gì những người này nói, đó là đóng thêm 8.550.000 đồng để mong kiếm được số tiền như họ đã “vẽ”. Những cử chỉ quan tâm, chăm sóc đặc biệt đó chỉ đến với những học viên mới và chưa đóng tiền học quản lý. Nhưng sau khi đóng tiền rồi thì những quản lý đó sẽ tiếp tục quan tâm đến những người khác với chiêu dụ tương tự. Những người quản lý tại trung tâm luôn căn dặn những học viên cũ của mình khi có người đề cập đến mức lương thì cứ “nổ” thu nhập mỗi tháng từ 6 đến 8 triệu đồng và nếu học quản lý thì mức thu nhập từ 14 đến 16 triệu đồng.

“Vào Công ty K. nhiều người sống với lương tâm giả tạo và luôn phải đóng kịch vào vai những doanh nhân thành đạt, những người có thu nhập cao. Mỗi bữa trưa nhân viên chỉ dám dùng suất ăn từ 15.000 - 20.000 đồng thì làm sao mà bảo là có thu nhập cao? Có những người sau khi đã đóng tiền vào công ty thì đành chấp nhập làm một thời gian để kiếm đủ số tiền đã bỏ ra rồi sau đó nghỉ việc. Một số khác đóng học phí nhưng chán nản đã bỏ học giữa chừng. Nhiều người biết rõ bản chất của công ty này, đây chỉ là hình thức đa cấp lừa đảo”, chị Trịnh Thị L., bức xúc phản ánh.

Kỳ 2: Số phận của những người trót đóng tiền

TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=652
Quay lên trên