5.000 ki lô mét: Sang vì… đồng nghiệp!

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:40:27

Bài 2: Sang vì… đồng nghiệp!

> Bài 1: “Mi cực… tau cực… ”

Người làm báo có sự tự hào, đó là đi đến đâu cũng có đồng nghiệp giúp đỡ. Nghe tin chúng tôi chuẩn bị lên đường đi xuyên Việt, đồng nghiệp ở các địa phương dọc đường Nam - Bắc đã gọi điện, nhắn tin, lên Facebook hẹn hò tiếp đón, giúp sức. Có những đồng nghiệp nơi chúng tôi đến, luôn sẵn sàng giới thiệu, cung cấp thông tin và đồng hành trong công việc rồi sau đó cùng nâng chén tạc, chén thù. Người ta bảo, sang vì vợ, còn trong trường hợp này, chúng tôi thấy sang vì những người có chung cái nghiệp với mình…

Bên dòng sông Lam

Sau những ngày khó quên bên dòng Kiến Giang ở Quảng Bình, chúng tôi bắt xe khách tiếp tục hành trình về với xứ Nghệ, vùng đất “non xanh, nước biếc như tranh họa đồ”. Dừng chân ở Nghệ An chúng tôi muốn tìm hiểu thông tin về những anh hùng LLVT trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có ông Phan Tư - người anh hùng phá thác trên sông Nậm Na mà chúng tôi đã viết bài. Tại Nghệ An, chúng tôi cũng tìm gặp những nhân chứng lịch sử, những đóng góp của lực lượng dân công hỏa tuyến cho chiến trường Điện Biên. Ngoài ra, chúng tôi còn đến thăm quê nội, ngoại của Bác Hồ, viếng mộ thân mẫu Bác - bà Hoàng Thị Loan…

Nhà báo Hà Đồng, báo Tuổi Trẻ (trái) chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả bên cầu Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa. Ảnh: CÔNG KHANH

Biết tin tôi ghé Vinh (Nghệ An), Thái Quảng, một người bạn học chung thời đại học, hiện đang làm ở Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An hồ hởi “săn đón”. 15 năm sau ngày ra trường mới gặp, lại đến đây công tác, tôi biết đồng nghiệp của mình đón tiếp bằng cả tấm lòng của người dân xứ Nghệ. Và với tư cách là người bản xứ, thông thuộc thổ địa, Quảng đã giúp chúng tôi hoàn thành các nội dung công việc ở Nghệ An chóng vánh. Bên dòng sông Lam, chúng tôi ôn lại kỷ niệm một thời của những chàng sinh viên báo chí vừa học, vừa viết bài cộng tác, vừa hun đúc niềm đam mê nghề nghiệp. Tôi còn nhớ ngày ấy, báo Tiền Phong có chuyên mục “Sau lũy tre làng” vốn là “đất diễn” cho cánh sinh viên chúng tôi rèn bút. Tuy mục này có phần hơi “lá cải” một chút nhưng từ đó mà các mớ lý thuyết trên giảng đường được chúng tôi áp dụng vào thực tế. Thêm nữa khi ấy, Tiền Phong trả nhuận bút vào loại “đỉnh” trong làng báo. 80.000 đồng cho một bài viết ngắn 300 - 400 từ là một khoản thu nhập không hề nhỏ đối với sinh viên chúng tôi vào những năm giữa thập niên 90.

Quảng bảo, đi làm báo như một cái nghiệp. Giá như ngày ấy không tham gia viết lách, cộng tác, có lẽ lòng đam mê nghề nghiệp đã không trỗi dậy. Khi đã say nghề rồi, muốn bỏ cũng không đành, dù nghề này chả mấy ai có thể làm giàu. Tôi biết, Quảng nói những lời từ đáy lòng vì khi ấy gia đình anh rất có địa vị, bố làm bí thư một huyện ở Nghệ An. Điện thoại đổ chuông. Khắc Giang, cũng là một bạn học, đang làm quản lý ở Đài Truyền thanh thị xã Cửa Lò biết chúng tôi đang ngồi trò chuyện, đã chạy xe gần 30km tìm đến hội ngộ. Câu chuyện của những người làm báo về nghề báo cứ thế lại tuôn trào. Đồng nghiệp gặp nhau là vậy…

Taxi miễn phí

Rời xứ Nghệ, một niềm vinh hạnh đến bất ngờ đang chờ chúng tôi ở xứ Thanh. Hà Đồng, phóng viên Báo Tuổi Trẻ, thường trú tại địa phương cũng là một người bạn học cũ. Tôi biết anh bởi các tác phẩm của anh đăng trên báo nhưng 15 năm sau khi ra trường, chưa hề gặp lại. Chúng tôi đang loay hoay tìm chỗ nghỉ cho phù hợp tại thành phố Thanh Hóa thì gặp một đồng nghiệp ở Báo Đại Đoàn Kết thường trú ở đây. Qua đồng nghiệp này, tôi có số điện thoại của Hà Đồng. Rất nhanh chóng nhận ra tôi, anh nói sẽ tới ngay, giúp chúng tôi có chỗ ăn nghỉ theo ý nguyện.

Chiếc xe 4 chỗ hiệu Toyota sang trọng đỗ xịch lại. 15 năm không gặp, anh chàng ốm nhóc, gầy còm, luôn mặc chiếc “áo bay” có cầu vai của bộ đội, lúc nào cũng ngồi phía góc giảng đường năm nào, giờ trông oai phong như một ông chủ. Ngày ấy, ở ký túc xá Mễ Trì (Hà Nội), chiều nào tôi cũng gặp anh ôm sách lên thư viện nghiền ngẫm. Có lần trên giảng đường, anh tâm sự, học báo, muốn viết được thì phải đọc, muốn viết hay thì phải đọc thật nhiều. Đọc không chỉ là tích lũy kiến thức mà còn làm cho vốn từ của mỗi người trở lên phong phú. Có lẽ vì anh ham đọc, nên hay mang những kiến thức tích lũy được ra tranh luận. Lớp tôi coi anh như “mọt sách” và mặc cho bị nickname như thế, anh vẫn không thay đổi thói quen đọc của mình. Sau khi ra trường, Hà Đồng về làm tại Báo Thanh Hóa, rồi cộng tác với Báo Tuổi Trẻ. Sau này, có lẽ sức hút của tờ Tuổi trẻ quá lớn, đã “cuỗm” anh đi, khiến cho Báo Thanh Hóa mất một cây bút chính trị xã hội sắc sảo.

Tại Thanh Hóa, niềm vui của chúng tôi không chỉ là bạn bè, đồng nghiệp 15 năm hội ngộ. Hà Đồng còn dành cho chúng tôi những niềm vinh hạnh đầy bất ngờ. Hai ngày, anh làm tài xế taxi miễn phí cho chúng tôi đi khắp thành phố, đến những địa chỉ cần thiết để gặp gỡ nhân chứng, thu thập thông tin cho loạt ký sự. Cũng nhờ có taxi miễn phí, chúng tôi thoải mái thưởng lãm, tìm hiểu cuộc sống, con người, địa danh, văn hóa, lịch sử của vùng đất xứ Thanh để từ đó khơi dậy cảm hứng, chất xúc tác cho câu từ trong loạt ký sự. Điều đáng quý ở anh “mọt sách” này là còn giúp chúng tôi tư duy đề tài. Được sự mách nước của Hà Đồng, chúng tôi đã thay đổi lộ trình, thay vì ra Hà Nội, chúng tôi lên Điện Biên ngay từ Thanh Hóa, dọc quốc lộ 15, theo dấu chân xưa, đi trên con đường mà lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm nào đã từng vận tải lương thực, vũ khí lên chiến trường Điện Biên Phủ. Bài viết “Con đường máu và hoa” trong loạt ký sự về Điện Biên của chúng tôi sẽ không có nếu không gặp được Hà Đồng. Anh còn giới thiệu cho chúng tôi về điểm tập kết của con em đồng bào miền Nam ra miền Bắc học tập trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Anh khuyến nghị, nên đầu tư để thực hiện một loạt bài, biết đâu lại đoạt giải báo chí quốc gia!

…Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Cuộc hội ngộ nào rồi cũng phải chia tay. Vì hành trình lên Điện Biên còn dài ngút ngàn nên dù lưu luyến mấy chúng tôi cũng phải nói lời tạm biệt. Hôm chia tay, Hà Đồng còn muốn lái xe đưa chúng tôi lên tận Hòa Bình nhưng vì công việc, anh chỉ có thể đưa ra đến bến xe tại thành phố Thanh Hóa. Có lẽ, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về hai tiếng “đồng nghiệp”. Ngày mai, sau khi lên Điện Biên trở về, những người đồng nghiệp ở Hà Nội, Hà Nam, Nam Định… đang chờ. Tôi chợt nhận ra, làm báo đôi khi cũng rất cần có phong cách giang hồ, tứ hải giai huynh đệ lắm thay! (còn tiếp)

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=263
Quay lên trên