Nhà nhiếp ảnh Duy Hiền: Người ghi lịch sử bằng hình ảnh

Cập nhật: 02-07-2014 | 08:40:27

Dù không phải “vào sinh ra tử” như những chiến sĩ trực tiếp cầm súng đánh giặc, nhưng để có những thước phim phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Duy Hiền cũng bao phen dấn thân vào chốn hiểm nguy. Những thước phim mà ông ghi lại luôn có giá trị về mặt lịch sử trên mặt trận tuyên truyền trước đây cũng như bây giờ…

Trong giới nhiếp ảnh Bình Dương, Duy Hiền được biết đến như một lão làng, một nhà nhiếp ảnh hoạt động không biết mệt mỏi. Ở cái tuổi “cổ lai hy” nhưng ở đâu có sự kiện là thấy ông xuất hiện. Ông tên thật là Lê Duy Hiền, sinh năm 1940 hiện đang sinh sống tại phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một. Những thước phim ông đã có dịp ghi lại cũng chính là “gia tài tinh thần” lớn nhất, là công sức lao động trong suốt hơn 40 năm qua trong sự nghiệp nhiếp ảnh của ông. Tất cả đều được ông lưu giữ cẩn thận bằng những cuộn phim, bằng những hình ảnh đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin, bởi theo ông, những tác phẩm này luôn có giá trị về mặt tư liệu lịch sử, truyền thống.

Trở thành phóng viên ảnh chiến trường

Nhà nhiếp ảnh Duy Hiền xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghề chụp ảnh ở TX.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Cái nghề theo ông đi cùng năm tháng này được ông “thừa hưởng” từ cha mình. Lúc đầu, ông theo nghề cũng vì mê công việc chụp ảnh của cha và muốn có một công việc nuôi sống bản thân. Nhưng rồi, cũng chính cái nghề này đã đưa ông đến với nhiệm vụ của một phóng viên chiến trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.  

Nhân dân Lộc Ninh đón chào quân giải phóng năm 1972. Ảnh: DUY HIỀN

Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với hàng ngàn thanh niên yêu nước khác, ông gia nhập hàng ngũ quân đội để chiến đấu chống đế quốc Mỹ cứu nước. Tháng 10-1965, ông có mặt ở chiến trường Bù Gia Mập, Phước Long. Trong khoảng thời gian đó đến tháng 12-1967, ông là lính bảo vệ tại một đại đội thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 6. Cuối năm 1967, ông chuyển sang công tác tại Phòng Chính trị Quân khu 10 (tách ra từ Quân khu 6). Tại đây, với nghề nhiếp ảnh của mình, ông được cử tham gia lớp tập huấn nhiếp ảnh do Thông tấn xã Giải phóng tổ chức. Sau 4 tháng hoàn thành khóa học, ông quay về Phòng Chính trị Quân khu 10 và được giao nhiệm vụ phóng viên ảnh phục vụ chiến trường. Nhận nhiệm vụ được giao, ông bắt đầu vác máy rong ruổi khắp nơi theo dấu chân của các chiến sĩ cách mạng. Những chiến trường đóng quân của quân khu cũng là địa bàn tác nghiệp của ông. Từ Phước Long, Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Xoài, Chơn Thành, Bù Đốp đến Quảng Đức (địa danh này nay thuộc tỉnh Đắk Nông)… nơi nào cũng từng in dấu chân ông ở đó. Ông chia sẻ: “Là phóng viên ảnh chiến trường nên nhiệm vụ của chú là ghi lại đời sống sinh hoạt của bộ đội, của người dân địa phương và cả những trận đánh giữa bộ đội ta với quân địch để phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Tất cả đều được thể hiện bằng hình ảnh nên để ghi được khoảnh khắc, ngay tối nay mình phải nghĩ ngày mai chụp gì, chụp như thế nào? Ngay cả tốc độ, khẩu độ mình cũng phải chuẩn bị trước, để khi ra trận là chỉ có mở máy và chụp, vì không có thời gian để chuẩn bị…”. Mỗi tấm ảnh của ông là một tác phẩm báo chí, nó thể hiện sinh động nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, tình quân dân và khí thế đấu tranh, niềm vui ngày chiến thắng của lực lượng vũ trang Quân khu 10 thời bấy giờ.  

Nhà nhiếp ảnh Duy Hiền đang kể lại câu chuyện của những bức ảnh lịch sử mà ông ghi lại trên các mặt trận. Ảnh: H.THUẬN

Ông đã ghi lại hàng ngàn tấm ảnh tư liệu có giá trị trên các chiến trường và đang lưu giữ rất cẩn thận tại nhà riêng. Nhiều tác phẩm của ông đã được các cơ quan thông tin tuyên truyền lúc bấy giờ sử dụng. Cho đến bây giờ, những tác phẩm ấy vẫn chứa đựng một giá trị lịch sử nhất định. Nó được các nhà bảo tàng, nhà truyền thống của các tỉnh, các ngành treo một cách trang trọng để giáo dục cho các thế hệ về truyền thống chống giặc của dân tộc ta. Những tấm ảnh còn được nhiều cơ quan báo chí ở tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Thông tấn xã Việt Nam… sử dụng để minh họa cho những bài viết mang tính lịch sử. Ông cho biết: “Lúc Báo Sông Bé mới thành lập, để phục vụ cho số báo ra đầu tiên, anh Hai Quang (Tổng Biên tập của Báo Sông Bé) đã sử dụng một số hình ảnh của chú trong các bài viết trên báo. Sau này cũng vậy, hầu như đến sự kiện lịch sử nào, tác phẩm của chú cũng xuất hiện trên Báo Bình Dương và Bình Phước…”.

Nhiều năm qua, những phóng viên, đặc biệt là những phóng viên trẻ và một số ngành trong tỉnh Bình Dương, Bình Phước vẫn thường tìm đến ông để tham khảo những bức ảnh mang tính lịch sử quý giá mà ông đang lưu giữ. Lật giở từng bức ảnh lịch sử, ông nhớ vanh vách sự kiện gắn liền và kể cho chúng tôi nghe cả một câu chuyện liên quan đến bức ảnh đó. Trong hàng trăm bức ảnh giá trị ấy, ông bảo có hơn 80% bức ảnh ghi lại các sự kiện tại Phước Long. Đặc biệt nhất là bộ ảnh ghi lại sự kiện sau Hội nghị Paris năm 1973. Ông chính là người ghi lại những hình ảnh chiến sĩ cách mạng bị giam cầm ở các nhà tù được trao trả tại sân bay Phước Long. Những khoảnh khắc bấm máy của ông đều trở thành vốn tư liệu quý, đó là những hình ảnh ghi lại trận đánh giải phóng Lộc Ninh, giải phóng Đồng Xoài, đánh chiếm sân bay Phước Bình - Bình Long… Không chỉ theo suốt các trận đánh trên các mặt trận, mà trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cũng có mặt trong đoàn quân giải phóng tiến vào giải phóng Phước Long và giải phóng Thủ Dầu Một. Những khoảnh khắc lịch sử, những chiến công của quân giải phóng được ông ghi lại một cách sinh động, hùng hồn.

Làm việc không kể tuổi tác

Tháng 6-1976, ông về công tác tại Sở Văn hóa Sông Bé với nhiệm vụ Trưởng phòng Thông tin cổ động, kiêm phóng viên ảnh. Dù đã là thời bình, nhưng ngày nào ông cũng vác máy đi chụp ảnh. Từ các sự kiện thời sự chính trị quan trọng của tỉnh, đến các cuộc hội họp của các sở, ngành, địa phương ông đều đến để ghi nhận bằng hình ảnh. Tất cả những hình ảnh tư liệu được treo trang trọng ở trụ sở văn phòng Tỉnh ủy cũ (từ Đại hội I đến Đại hội III) đều là tác phẩm do ông chụp.

Đầu năm 2001, ông về hưu nhưng vẫn tham gia sinh hoạt trong chi hội nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Trong khoảng thời gian này, dù không còn làm nhiệm vụ được tổ chức phân công, nhưng hầu như ở sự kiện quan trọng nào của tỉnh nhà cũng thấy ông xuất hiện và bấm máy. Nhanh nhẹn, hoạt bát trong tác nghiệp, tận tình hướng dẫn đàn em khi họ tham khảo ý kiến. Tinh thần làm việc tích cực, không kể tuổi tác của ông luôn là tấm gương cho những người mới vào nghề, thậm chí là những người đã từng gắn bó với nghề lâu năm.

Với ông, những ngày tác nghiệp trên chiến trường chính là quá trình tôi luyện để tinh thần và tay nghề ngày càng vững vàng hơn. Ông bảo, ông may mắn rất nhiều vì có nhiều người bạn phóng viên chiến trường của ông đã ngã xuống nơi chiến trường khi đang làm nhiệm vụ. Thế nên, ông luôn trân trọng những tháng ngày sống trong hòa bình và phải lao động sao cho xứng đáng. Bây giờ, dù đã ngoài 75 tuổi, nhưng niềm đam mê chụp ảnh vẫn theo ông. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng hễ thấy trong người khỏe hơn là ông lại vác máy đi sáng tác. Ngoài những nơi có tổ chức sự kiện, ông còn sáng tác ảnh nghệ thuật. Ông khoe, tác phẩm ảnh nghệ thuật “Lão nông” của ông đã nhận được giải khuyến khích tại triển lãm ảnh chào mừng Bình Dương 300 năm.

Rong ruổi khắp chiến trường trong thời chiến đến thời bình hôm nay, gia tài hình ảnh của ông đã tăng lên theo ngày tháng. Ông nói rằng, niềm vui lớn nhất là ông đã được sống, chiến đấu, làm việc với niềm đam mê của mình. Bây giờ, niềm vui của ông không chỉ là những lúc bấm máy, mà còn là những lúc ngồi lục lại những bộ ảnh trong thời chiến, nhớ lại những tháng ngày chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Bởi với ông: “Những tấm ảnh này không chỉ là những khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ, mà còn chứa đựng những giá trị về mặt giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau”.

HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=583
Quay lên trên