Sau 2 năm quay lại Trung tâm Giáo dục lao động - tạo việc làm (Tam Lập, Phú Giáo) (Viết tắt TT), con đường lầy lội đã được đổ nhựa khang trang. Tại trung tâm, mỗi học viên (HV) đang được hỗ trợtích cực để tìm lại tương lai cho chính mình. Sau những năm tháng vùi đầu theo “nàng tiên nâu”, giờ họnhư đã thấy lỗi lầm của mình và quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời.
Nước mắt hối hận
Chúng tôi đến TT lúc các HV đang đan ghế, học văn hóa. Trên đôi mắt của những “cậu ấm”, “cô chiêu” ngày nào giờ đã rực lên niềm khát khao được trở về thành những đứa con ngoan của gia đình. Nắm lấy tay tôi, Nguyễn Ngọc Tâm (SN 1977), quê Đồng Tháp hối hận, bản thân chị mới thử ma túy được 3 lần thì bị đưa vào TT. Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, với mong muốn đổi đời, Tâm đồng ý lấy chồng giàu tại TP.HCM. Sống với nhau có được một mặt con, Tâm mới biết chồng nghiện và buôn bán ma túy. Cô lặng lẽ bế con về ngoại sống. 5 năm sau, tha thiết muốn gặp con, người chồng cũ năn nỉ chị đưa con lên Bình Dương để ba con gặp mặt. Lúc gặp gỡ, hai vợ chồng cãi nhau, chị đã giựt ma túy hít thử. Hít 3 lần thấy cơ thể lâng lâng, quên đi mọi thứ bên ngoài. Sau đó, chị bị bắt và đưa vào TT, chồng chị cũng bị bắt. Chị Tâm khóc, nói: “Vào đây tháng 2-2013, mỗi tháng má đưa con gái lên đây thăm. Nhìn thấy con càng ngày càng lớn nhưng không được tận tay mẹ chăm sóc, mình buồn lắm. Mình ước gì lúc đó đừng nông nổi”.
HV lao động sản xuất tại TT với nghề đan ghế. Ảnh: THIÊN LÝ
Cũng vào TT từ năm 2013, Nguyễn Tấn Dũng (SN 1991) quê Bắc Giang, hiện sống tại Đồng Nai tỏ ra hối hận khi trót nghiện. Là “cậu ấm” trong gia đình khá giả, Dũng không màng đến việc học tập mà chỉ chơi bời theo đám bạn xấu. Ba mẹ suốt ngày đi công tác, Dũng buồn nên đã dùng thuốc để có cảm giác mới lạ. “Nếu ba mẹ em không quá lo làm ăn, dành tí thời gian hỏi thăm em, có lẽ em sẽ khác. Thấy các bạn được ba mẹ chở đi chơi, mua sắm, đi ăn… em thèm lắm. Có nhiều tiền để làm gì chứ? Em chỉ cần có một người cha, người mẹ bình thường như bao gia đình khác”. Những lời trách móc của Dũng như lời nhắc nhở những bậc phụ huynh đừng chạy theo danh lợi mà quên đi gia đình, việc giáo dục con cái. Tiền rất quan trọng nhưng đồng tiền không thể mua tất cả, trong đó có đạo đức của con người.
Em đã có nghề, biết chữ!
Không giấu được niềm vui, anh Phạm Văn Hữu (43 tuổi), quê Hải Phòng khoe với chúng tôi: “Vào TT mình được học nghề, học chữ. Giờ đây, mình đã biết đọc, biết viết, tính toán rất nhanh. Mình thầm cảm ơn các thầy cô, cán bộ giáo dưỡng đã cho mình cái chữ”. Giống như anh Hữu, TT có 60 HV đang được dạy văn hóa, 30 học lớp xóa mù chữ, 30 HV dự lớp sau xóa mù chữ. Với quãng thời gian 2 năm ở TT, các HV sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức văn hóa, nghề nghiệp để tự lập.
Trao đổi với chúng tôi, Phó phòng Giáo dục (Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm) Đoàn Phước Hậu, cho biết: “Phần lớn những người mới vào đây đều mặc cảm. Qua thời gian được cán bộ uốn nắn, họ có nhiều tiến bộ và hòa nhập tốt với bạn bè. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động thi đua nhằm giúp họ biết rõ giá trị của cuộc sống. Nhưng làm thế nào để họ trở thành người hữu ích, trở về với cộng đồng sống như bao người khác là điều không dễ dàng. Vì thế, TT đặc biệt coi trọng công tác trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề cho HV, giúp họ rèn luyện ý chí, kỹ năng lao động, tiếp cận việc làm”.
HV được học văn hóa tại TT. Ảnh: THIÊN LÝ
Hiện TT có các lớp sửa xe máy, điện gia dụng, cạo mủ cao su, cắt tóc nam nữ, vi tính. Trong suốt 24 tháng cai nghiện, các HV được học nghề, học văn hóa, học đạo đức và lao động. Hiện TT quản lý 868 HV. Ban lãnh đạo TT tổ chức liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu để đào tạo nghề, tạo việc làm cho HV trước khi về nhà. Đặc biệt, đối với các HV sau khi trở về địa phương, cán bộ TT thường xuyên thăm hỏi, động viên để HV từ bỏ hoàn toàn ma túy; rèn luyện khả năng, tinh thần lao động và tiếp cận việc làm khi về gia đình. “Giờ đây em đã có nghề sửa vi tính trong tay. Khi trở về địa phương, em tự tin sẽ trở thành người tốt. Em sẽ xin ba mẹ đầu tư cho một tiệm sửa máy tính, từ đó kiếm tiền nuôi bản thân. Tuy nhiên, em hy vọng mọi người xung quanh đừng kỳ thị, để chúng em có cơ hội làm lại cuộc đời”, Nguyễn Tấn Dũng nói.
Cùng người nghiện vượt khó
“Không chỉ đến với TT vì nhu cầu việc làm, những cán bộ tại TT còn phải có cái tâm”. Đây là câu khẳng định của anh Nguyễn Thanh Trước, Trưởng phòng Giáo dục - Dạy nghề tại TT. Hiện tại, TT có 65 cán bộ, bảo vệ. Quản nhiều đối tượng khác nhau, có người còn có “số má” ngoài xã hội, các cán bộ, bảo vệ gặp không ít sự kháng cự của HV. Đặc biệt, những HV mới vào TT phải trải qua giai đoạn cắt cơn. Giai đoạn này rất đau đớn, khó chịu, nhiều HV chịu không nổi đã tung ra những câu hăm dọa, chửi thề, thậm chí đánh lại bảo vệ. Sau giai đoạn cắt cơn, các HV được học nội quy, đưa vào trong khuôn khổ. Vốn dĩ từng là “đầu gấu” bên ngoài, nhiều HV phản ứng mạnh khi bị bắt làm này, làm nọ. Tuy nhiên, không nản chí, các cán bộ giáo dưỡng, bảo vệ tìm mọi cách tiếp cận, đánh vào điểm yếu của họ để họ nể phục.
Không chỉ dạy nghề, các cán bộ tại TT còn tổ chức sân chơi dành cho HV. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, TT đã cùng nhau ăn tết vui, ý nghĩa giúp HV quên đi nỗi nhớ nhà; phối hợp với Đoàn văn nghệ quần chúng huyện Phú Giáo giao lưu văn hóa - văn nghệ với HV. Ngoài ra, Ban Giám đốc còn đến các khu ở HV để chúc tết, thăm hỏi động viên HV ổn định tư tưởng, yên tâm học tập và chữa bệnh tại TT. TT còn đầu tư sân bóng đá, sân bóng chuyền để HV có thể vui chơi sau giờ học, giờ làm.
Ông Trước, cho biết thêm: “TT vẫn thiếu kinh phí hoạt động. Số cán bộ giáo dưỡng, bảo vệ còn mỏng nên gặp khó khăn trong việc theo dõi HV. Do đó, TT hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo để TT tiếp tục là nơi “uốn nắn” những mầm xanh lạc lối”.
Sau khi trao đổi với các HV, cán bộ TT, trên suốt chặng đường từ Phú Giáo về Thủ Dầu Một, chúng tôi thầm nể phục những cán bộ giáo dưỡng, bảo vệ nơi đây. Nhiều người cả tháng mới về nhà một lần, có người mới lập gia đình, hay con nhỏ vẫn vui vẻ ở lại cống hiến sức mình để giúp các HV. Hy vọng, những HV khi rời khỏi TT sẽ trở thành những người có ích cho xã hội.
• THIÊN LÝ