Tổ quốc bên bờ sóng: “Vua” cá ngừ đại dương Năm Rỵ

Cập nhật: 08-08-2014 | 09:21:25

Ở tuổi 64, lão ngư Trần Kim Hoa (tức Năm Rỵ) không còn trực tiếp đánh bắt cá ngừ đại dương nữa. Tuy nhiên, trong lòng nhiều người gắn bó với nghề khai thác nguồn lợi từ biển này, ông vẫn là “vua” cá ngừ, vì có công tìm ra một hướng đi mới cho hàng ngàn ngư dân bám biển…

Kỳ 35: “Vua” cá ngừ đại dương Năm Rỵ

>> Xem kỳ trước

 

Ngư dân báM biển để khai thác cá ngừ đại dương đã góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc Ảnh: KHÁNH VINH


Từ cá mập đến cá ngừ đại dương

Chúng tôi tìm đến nhà ông Năm Rỵ ở phường 6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên). Không còn cưỡi sóng, đạp gió ra khơi nhưng ngày ngày ông vẫn ở nhà theo dõi tọa độ, ngư trường qua bản đồ và chỉ huy 3 con tàu do các con làm thuyền trưởng. Năm Rỵ là một biệt danh trìu mến mà nhiều người trong nghề đặt cho ông vì cảm phục cái tính lì lợm, kiên gan bám biển của ông.

Ông kể, lúc 15 - 16 tuổi, ông đã ra biển, nối nghiệp cha làm nghề câu cá mập. Con cá mập nặng cả trăm kg, chỉ cần một sơ sót nhỏ thôi cũng có thể bị những chiếc răng sắc nhọn của nó ngoạm đứt tay, đứt chân như chơi. Chính vì thế, nghề câu cá mập dạy cho ông tính gan lì, cẩn thận vốn rất cần thiết cho một người dân đi biển. Cũng từ sự kiên gan ấy, ông cảm thấy rất bất bình khi tàu lớn của nước khác tìm đến vùng biển của Việt Nam để đánh bắt cá. Ông cho biết: “Hồi ấy tàu của mình còn nhỏ, không ra được xa bờ nên thấy tàu của nước ngoài tìm đến tận vùng biển của mình để bắt cá, tui ức lắm, vì biết vùng biển chủ quyền của mình còn xa nữa, nhưng tàu nhỏ không làm gì được…”. Cũng chính vì vậy mà ông đã tìm ra một nghề đánh bắt thủy sản mới ở biển khơi: Câu cá ngừ đại dương.

 

Ông Năm Rỵ đón chuyến câu cá 

ngừ đại dương trở về Ảnh: KHÁNH VINH

 Đó là vào năm 1992, khi thấy hai tàu lạ của nước ngoài vào tận vùng biển thuộc chủ quyền của ta đánh bắt, ông đặt dấu hỏi: Họ đến tận biển của mình để làm gì? Băn khoăn, ông bí mật tìm hiểu, nghiên cứu vài lưỡi câu và rẻo câu của tàu lạ. Lạ ở chỗ, lưỡi câu không phải loại dùng để câu cá mập. Ông mắc vào thử chung với dàn lưỡi câu của mình. Chuyến đi biển ấy, thuyền ông bội thu cá mập, đáng chú ý, từ lưỡi câu nước ngoài lại dính một con cá ngừ đại dương.

“Tui mang con cá ngừ đại dương về, vợ tui xỉa xói quá trời. Vì lúc đó con cá ngừ đại dương không ai ăn, độ 6.000 - 8.000/kg, chỉ nấu cho heo!”, ông ngậm ngùi nhớ lại. Nhưng cũng từ chuyến đi biển này, Công ty Thủy sản Bình Định nghe tin ông Năm Rỵ săn được cá ngừ đại dương vội vàng cho người vào tận nơi thu mua. Rồi bỗng dưng, loại cá này có giá. ÔNG NHờ người thân đặt mua thêm lưỡi câu, dụng cụ câu từ Đài LOAN rồi về hướng dẫn các tàu khác cùng đi câu cá ngừ đại dương với mình. Đó là năm 1994, nghề câu cá ngừ đại dương Việt Nam ra đời từ đó.

Trăn trở với biển khơi

Trong ngành thủy sản, Phú Yên là tỉnh đầu tiên có nghề câu cá ngừ đại dương. Còn người Phú Yên lại xem ông Năm Rỵ là “ông tổ” của nghề này. Hiện nay, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã có tổng cộng hơn 1.000 tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu là câu cá ngừ đại dương. Bởi cá ngừ đại dương giờ có giá 70.000 - 80.000 mỗi kg nên nghề này không chỉ trở thành nghề chính để ngư dân khai thác nguồn lợi từ biển cả mà còn trở thành động lực lớn để ngư dân miền Trung vươn khơi, bám biển góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo đất nước.

Đưa chúng tôi ra cảng cá, ông Năm Rỵ đứng trên một mũi tàu lớn cười sảng khoái: “Ai đâu ngờ mình lại phát hiện ra một nghề khai thác mới cho hàng ngàn người. Trong 10 năm qua, con cá ngừ đại dương đem lại thu nhập hàng ngàn tỷ đồng cho ngư dân…”. Riêng với bản thân, nghề câu cá ngừ đại dương biến ông từ một lão ngư nghèo đã trở thành một tỷ phú. Hiện ông có trong tay 3 tàu cá trị giá hơn 4 tỷ đồng và một cơ ngơi đáng mơ ước.

Tuy kiếm được bộn tiền từ nghề câu cá ngừ đại dương và chia đều các tàu cá cho các con trai tiếp tục vươn khơi làm nghề nhưng trong lòng ông “vua” cá ngừ Năm Rỵ vẫn còn nhiều trăn trở. Ông cho biết, chiếc tàu lớn nhất của ông hiện nay cũng chỉ ở mức 370 CV. Đây là một trở ngại lớn đối với những ngư dân như ông. Chính vì thế, ông chỉ ước ao sau này các con và bạn tàu có đủ vốn để đóng những chiếc tàu lớn hơn, thậm chí là tàu vỏ sắt theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ hay tàu composite do những người bạn Nhật hỗ trợ.

Anh Trần Kim Chẩn, con trai út của ông Năm Rỵ cho biết: “Nhiều lần trên biển cả, đương đầu với tàu lớn của nước ngoài rất bực mình vì các hành động khiêu khích, đâm va nhưng phải ngậm ngùi rút dây câu, thu lưới bỏ đi nơi khác. Nếu có tàu to hơn, chắc chắn tình thế sẽ khác…”. Trong số 30 tàu của đội tàu tình nguyện vừa đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Phú Yên, có 2 tàu của nhà ông Năm Rỵ do các con ông làm thuyền trưởng.

Chia tay Năm Rỵ, ông “vua” cá ngừ đại dương, chúng tôi không khỏi cảm phục trước sự sáng tạo, tinh thần vươn ra biển lớn của ngư dân Việt Nam. Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: “Cá ngừ đại dương chỉ có ở vùng biển xa nên nếu được tổ chức tốt, chính ngư dân câu cá ngừ đại dương sẽ góp phần quan trọng rào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tôi đáNH GIá rất cao sự tìm tòi để phát triển nghề này của ông Năm Rỵ. Ông ấy đáng được vinh danh…”.

 

 Kỳ 36: Thọ Quang rộn ràng sóng vỗ

 

 KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên