Về Phú Giáo, thăm trang trại của cựu chiến binh

Cập nhật: 17-12-2011 | 00:00:00

Tận dụng lợi thế về đất đai, các hội viên cựu chiến binh (CCB) huyện Phú Giáo đã xây dựng nhiều mô hình trang trại đạt hiệu quả cao, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên, người nghèo ở địa phương cùng vươn lên giảm nghèo.

Năm nay sắp bước sang tuổi 80, nhưng CCB Nguyễn Văn Tròn ở xã Tam Lập hàng ngày vẫn cặm cụi bên vườn cây, ao cá - cơ ngơi mà ông đã không quản mưa nắng gầy dựng hơn 30 năm qua. Với đôi bàn tay lao động cần mẫn của người lính trong thời bình, ông chuyển mảnh đất hoang hóa ngày nào hồi sinh, để giờ đây mang lại cuộc sống sung túc cho gia đình.

  CCB Nguyễn Văn Tròn vươn lên phát triển mô hình kinh tế trang trạiNhớ lại những ngày đầu khi rời quân ngũ trở về (1980), với đôi bàn tay trắng, ông không ngần ngại khi chọn nơi không điện, đường, trường, trạm để lập nghiệp. Ông kể ngày ấy, nếu ai rủi bị sốt rét thì không có thuốc điều trị. Còn chợ thì cách xa hàng dặm, phải đi mất cả ngày trời. Vì thế, cuộc sống của gia đình ông cũng như người dân ở đây hầu như là tự cung tự cấp. Gian nan là thế, nhưng ý chí tự lực và đôi bàn tay lao động bền bỉ của người lính, ông ngày đêm khai hoang phát rẫy, cải tạo đất để trồng trọt, chăn nuôi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông bắt đầu trồng mì cao sản, chăn nuôi heo gà, đào ao thả cá và trồng cây lâu năm như cây điều, cây ăn trái...

Những giọt mồ hôi của ông đổ trên mảnh đất này đã cho cây trái thêm trĩu quả, đàn heo gà, cá ngày càng sinh sôi phát triển. Ông Tròn cho biết trang trại của ông hiện có 10 ha điều cho thu hoạch 5 tấn/năm, thu nhập khoảng 50 triệu đồng; 6 ha cao su cũng đã khai thác được 2 năm nay, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nguồn thu nhập từ 6 ha cây ăn trái và ao nuôi cá. Khi có được cuộc sống sung túc, ông không quên giúp đỡ vốn cho người nghèo để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Chia tay với ông Tròn, chúng tôi tìm đến CCB Dương Bá Ước ở thị trấn Phước Vĩnh cũng về hưu và làm kinh tế trang trại. Ông Ước kể, với tài sản độc nhất là chiếc xe đạp, ban đầu ông đã vào rừng sâu trồng mì để có cái ăn. Quyết tâm không chịu đói nghèo, ông ra sức khai hoang phục hóa, trồng hoa màu. Đến nay, ông đã có 15 ha cây cao su cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Có tiền của, ông giúp đỡ cho đồng đội của mình có hoàn cảnh khó khăn 2 ha đất để sản xuất hơn 8 năm liền, đồng thời ủng hộ 2 hộ nghèo với số tiền 5 triệu đồng.

Không sao kể hết những trường hợp CCB vượt khó, vươn lên làm giàu như ông Tròn, ông Ước, chỉ biết rằng các CCB năm xưa dù mang đầy thương tích, bệnh tật trong người do chiến tranh để lại, nhưng điều đáng quý là các CCB không bi quan, trông chờ ỷ lại mà bằng ý chí, nghị lực của mình đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tiến dần lên kinh tế trang trại. Với cách làm giàu này, thời gian qua, các hội viên CCB ở Phú Giáo cũng đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để tham gia công tác xã hội từ thiện như trợ giúp xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học, nạn nhân chất độc da cam; giúp đỡ các gia đình chính sách; ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt; giúp đỡ hội viên và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn...

ĐỨC LÊ

Trên địa bàn huyện Phú Giáo hiện có 155 trang trại của hội viên CCB với nhiều loại hình khác nhau như trang trại trồng trọt, cây ngắn ngày, dài ngày; trang trại chăn nuôi heo, gà, cá; trang trại tổng hợp; trong đó có nhiều trang trại từ 6 ha trở lên, tùy theo quy mô, mỗi trang trại này cho thu nhập từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/năm.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=364
Quay lên trên