Vươn lên từ cây cao su

Cập nhật: 23-03-2013 | 00:00:00

Từ một anh bộ đội pháo binh quê ở Thanh Hóa, sau khi ra quân, ông Nguyễn Quang Tường chuyển vào lập nghiệp tại Dầu Tiếng (ấp Rạch Đá, Định Thành, Dầu Tiếng). Với hai bàn tay trắng nhưng bằng sự cần cù, hàng năm lợi nhuận từ cây cao su mang lại cho gia đình ông khoảng 800 triệu đồng.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thanh Hóa, là bộ đội pháo binh được 5 năm, năm 1985 ra quân và đến năm 1986, ông quyết định Nam tiến. Cũng như nhiều người nông dân khác, với hai bàn tay trắng ông quyết định chọn Dầu Tiếng làm điểm dừng chân. Vừa cạo mủ cao su ông vừa cho biết: “Năm 1986 tôi vào làm tại Công ty Cao su Dầu Tiếng, đồng lương làm được cũng khá, nhưng vẫn không đủ để chi trả cho cuộc sống gia đình nên chuyển sang làm kinh tế gia đình”.

Cây cao su đã đưa gia đình ông Tường thoát khỏi cái nghèo “Hai vợ chồng tích góp được chút vốn nên bỏ ra mua được mảnh đất. Nhưng trớ trêu thay mảnh đất lại khô cằn, khó trồng trọt khiến vợ chồng tôi không biết tìm hình thức canh tác nào cho phù hợp. Chăn nuôi thì nguồn vốn lớn vượt quá khả năng của mình. Suy đi tính lại, cuối cùng hai vợ chồng tôi quyết định trồng cây mì”, ông tâm sự. Vay mượn khắp nơi mới đủ để bắt tay vào triển khai trồng mì, nhưng nhiều vụ thu hoạch liên tiếp không mang lại hiệu quả bao nhiêu.

Bàn đi tính lại, gia đình ông quyết tâm trồng cao su, nhưng không dám đầu tư nhiều vì sợ lại thất bại. Ông chia sẻ thêm: “Gia đình được hưởng cơ chế trồng cao su tư nhân, vợ chồng tôi quyết định vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư, bên cạnh vẫn giữ lại cây mì. Mùa thu hoạch đầu tiên, mủ cao su rất có giá nên mang lại thu nhập khá ổn định”. Chia sẻ về kỹ thuật trồng cao su, ông nói: “Cây cao su rất dễ trồng, quan trọng là mình phải thường xuyên chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, bên cạnh đó còn phải trồng xen kẽ hoa màu để giúp bảo vệ đất. Phải thường xuyên phủ đất và diệt cỏ dại để cây phát triển nhanh”.

Khi giá thành mủ cao su trên thị trường ngày càng cao và ổn định, ông Tường quyết định mang hết vốn ra đầu tư trồng cao su trên những mảnh đất trống còn lại. Cho đến hôm nay, với 50.000m2 cao su mang lại cho gia đình ông khoảng 800 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ trở thành nông dân sản xuất giỏi của xã, hiện tại ông đang là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã Định Thành. Ông tâm sự: “Công việc tuy cũng hơi bận rộn, nhưng tôi cảm thấy rất vui. Ngoài những giờ lao động vất vả, mình còn được gặp mặt, giao lưu với các thành viên trong hội cựu chiến binh. Cũng từ đây mà tôi biết được nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chăm sóc cho cây cao su. Nhớ lại những tháng ngày trước đây mới thấy cây cao su có ý nghĩa lớn như thế nào đối với kinh tế gia đình”.

YÊN ĐỊNH
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=484
Quay lên trên