Mô hình điểm Dự án trồng lan Mokara cắt cành theo công nghệ mới của anh Lê Văn Đạt, phường Định Hòa (TP.TDM) bước đầu đạt kết quả khả quan Xác định mô hình trồng lan phù hợp với sản xuất nông nghiệp đô thị và ven đô hiện nay của Bình Dương và để từng bước đưa sản xuất vào quy củ, ứng dụng khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả cao hơn, Ban Chủ nhiệm CLB đã mạnh dạn xây dựng các mô hình cải tiến ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, vận động HV thực hiện. Từ năm 2011, CLB đã đưa vào thực hiện Dự án trồng lan Mokara cắt cành theo công nghệ mới. CLB đã xây dựng 5 mô hình điểm, với diện tích 3.000m2. Đây là Dự án thử nghiệm về mật độ trồng (6 - 7 cây/m2), về định lượng phân bón, đặc biệt là ứng dụng công nghệ tưới phun sương bán tự động để giảm công lao động, tiết kiệm điện nước, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế của cây lan Mokara. Công nghệ này được Trung tâm Khuyến nông TP.Hồ Chí Minh chuyển giao. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 2,2 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã đạt được hiệu quả bước đầu, CLB tiếp tục theo dõi, rút kinh nghiệm để HV và nông dân học tập nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Anh Lê Văn Đạt, phường Định Hòa, người thực hiện mô hình điểm của dự án này với 1.000m2 hiện đang cho kết quả rất tốt. Anh cho biết vườn lan của anh đã cho thu hoạch tăng gấp đôi so với cách trồng bình thường trước đây. Đối với cây lan hồ điệp, là giống lan thích nghi ở vùng ôn đới, cũng đang được CLB thực hiện xử lý cho ra hoa bằng hệ thống nhà lạnh để cây lan ra hoa theo yêu cầu.
CLB Trang trại hoa lan Bình Dương được thành lập năm 2010 với 28 HV ban đầu và hiện đã nâng lên 72 HV. Diện tích trồng lan đạt khoảng 3,7 ha với hơn 350.000 cây lan các loại, gồm: Mokara, Dendrobium, Hồ điệp, Cattleya, Ngọc điểm… tổng vốn đầu tư khoảng trên 17 tỷ đồng. Thời gian qua, CLB duy trì sinh hoạt định kỳ phổ biến kiến thức về kỹ thuật trồng lan, xử lý nước tưới, cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh… giúp HV đã nắm bắt được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, ứng dụng kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây lan.
Hiện CLB đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng Đề án “Mô hình hợp tác sản xuất hoa lan Bình Dương”. Theo đề án này, người trồng lan sẽ được hỗ trợ vốn, các quy trình kỹ thuật như hệ thống nước tưới bán tự động, xử lý lan hồ điệp ra hoa, xây dựng thương hiệu hoa lan của CLB… Anh Đỗ Thanh Phong, Chủ nhiệm CLB cho biết thời gian tới sẽ củng cố tổ chức, kiểm tra rà soát lại các vườn lan của HV, thực hiện việc đăng ký tiêu thụ sản phẩm để cộng đồng trách nhiệm giữa HV và CLB, vì hiện tại CLB nhận thu mua lan của các HV nhưng khi giá lan cao hơn thì các HV lại tự bán ở bên ngoài, điều này cũng gây nhiều khó khăn cho CLB trong việc bảo đảm thực hiện việc ký kết hợp đồng với các đầu mối tiêu thụ. Anh Phong cho biết thêm, một trong những việc quan trọng cần làm trong thời gian tới là tiến tới xây dựng thương hiệu, ổn định trong khâu tiêu thụ. Để làm được điều này bên cạnh sự tích cực của Ban Chủ nhiệm còn rất cần sự đoàn kết, nhiệt tình của các HV và nhất là sự hỗ trợ của các ngành chức năng để CLB ngày càng hoạt động tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng kỹ thuật cao một cách bền vững.
ĐỨC LÊ