110 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tìm cơ hội ở Singapore

Cập nhật: 11-03-2017 | 16:00:48

 

Công nhân phân loại cá ở cảng cá Tắc Cậu, Châu Thành. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Lần đầu tiên, một đoàn 110 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam đã tìm kiếm cơ hội kết nối thương mại - đầu tư tại thị trường Singapore. Đây là sáng kiến được khởi xướng bởi Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Câu lạc bộ Doanh nhân Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam).

Phát biểu tại hội nghị kết nối chiều ngày 10/3, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh việc lần đầu tiên một đoàn "hùng hậu" là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sang xúc tiến tại thị trường "cửa ngõ" Đông Nam Á - Singapore cho thấy sự năng động nắm bắt cơ hội để vươn ra thị trường ngoài nước của các SME trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Mặt khác, thông qua Singapore, các doanh nghiệp cũng có thể tiến ra các thị trường khu vực và trên thế giới, mà đặc biệt là châu Âu, bạn hàng quan trọng của cả Việt Nam và Singapore.

Đại sứ Nguyễn Tiến Minh cho biết quan hệ giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua trên tất cả các lĩnh vực hợp tác như kinh tế, quốc phòng, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân... Hiện nay, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba và là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN tại Việt Nam, với hơn 38 tỷ USD đầu tư vào hơn 1.600 dự án trong lĩnh vực chế biến, công nghệ, sản xuất, bất động sản, xây dựng, vận tải và hậu cần. Bên cạnh đó, Singapore cũng là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Việt Nam, với thương mại song phương đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua và lên gần 16 tỷ USD (tương đương khoảng gần 22 tỷ SGD) vào năm ngoái.

Đặc biệt, những chuyến thăm cấp cao gần đây của các nhà lãnh đạo hai nước đã đưa quan hệ song phương phát triển nhanh chóng, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối thương mại và đầu tư. Dự kiến, sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 8/2016, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào cuối tháng Ba này để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Về phía Singapore, ông Thian Tai Chew - đại diện Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) cho hay kết quả khảo sát mới đây của tổ chức này đã chỉ ra rằng ASEAN là địa điểm hàng đầu mà các doanh nghiệp của Singapore muốn mở rộng đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam đứng thứ ba trong số các quốc gia này.

Điều này cho thấy tiềm năng để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu và xúc tiến các liên doanh, liên kết còn rất lớn. "Hơn 24.000 thành viên của SBF, mà phần lớn là các SME, đều bày tỏ sự quan tâm tới thị trường Việt Nam. Một số lĩnh vực mà họ quan tâm là thực phẩm, bán lẻ, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị. Đây cũng là những lĩnh vực vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp Singapore và họ muốn chia sẻ những kinh nghiệm này với các đối tác Việt Nam," ông Thian Tai Chew nói.

Tại hội nghị kết nối, ngoài việc cập nhật các thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Singapore, các doanh nghiệp cũng đã được giải đáp những thắc mắc cũng như cung cấp các "địa chỉ" cần thiết để có thể sớm xúc tiến các dự án hợp tác hay mở rộng xuất khẩu...

Chia sẻ bên lề hội nghị, ông Phạm Quang Lưu, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch Sông Hồng cho biết doanh nghiệp của ông chuyên sản xuất các loại thịt gia súc, gia cầm và các loại rau quả... có nguồn gốc sạch (quỹ đất và nguồn nước, môi trường nuôi trồng sạch) kết hợp với việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu có thành phần là thảo dược.

Chính vì vậy, công ty muốn tìm kiếm các đối tác có thể cung cấp công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khấu các sản phẩm thực phẩm sạch mang nhãn hiệu Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, ông Đặng Bá Quân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Nam Mỹ hiện đã có quan hệ bạn hàng với doanh nghiệp chuyên cung cấp tôm giống của Singapore mong muốn mở rộng hợp tác trong việc cung cấp các sản phẩm sạch phục vụ trong nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về việc truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm tôm xuất khẩu sang thị trường Singapore hay châu Âu. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1909
Quay lên trên