Bài 24: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân ở Thủ Dầu Một
Đúng đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công, nổi dậy của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn, Huế và nhiều thị xã, thị trấn, các căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy. Tại Thủ Dầu Một, quân và dân trong tỉnh phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị tấn công, nổi dậy trên hai hướng nội đô Sài Gòn và TX.Thủ Dầu Một.
Nhìn lại thời điểm lịch sử cách đây 50 năm, vào cuối năm 1967, đế quốc Mỹ đã sa lầy trong chiến tranh Việt Nam. Trên chiến trường miền Nam, quân đội viễn chinh Mỹ đã ở vào ngõ cụt. Chính quyền Sài Gòn lúc này được đánh giá là mục nát.Về phía ta, nhiệm vụ cách mạng ở hai miền tiếp tục được triển khai rộng khắp. Ở miền Bắc, tiếp tục kiên cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và đẩy mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở miền Nam, thế và lực của ta đã trưởng thành mọi mặt, lực lượng vũ trang cách mạng 3 thứ quân (gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) được xây dựng, bám trụ vững chắc trên cả 3 vùng chiến lược: Thành thị, nông thôn, miền núi. Vùng giải phóng được củng cố, mở rộng.
Cán bộ, chiến sĩ, quân dân, công chức viên chức TX.Dĩ An và thân nhân các anh hùng liệt sĩ thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh suối Mạch Máng ngày 4-5-1968 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: P.V
Trước tình hình đó, sau khi phân tích, nhận định tình hình, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) vào tháng 6-1967, Đảng đã quyết định: Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định bằng tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên toàn chiến trường miền Nam. Mục tiêu chiến lược đặt ra của tổng công kích, tổng khởi nghĩa là tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, đưa chính quyền về tay nhân dân; đồng thời tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực, phương tiện chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm cho quân Mỹ không thể triển khai được âm mưu chính trị và quân sự của chúng ở Việt Nam; từ đó đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, tháng 10-1967, Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết về tiến hành Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa với mật danh là Nghị quyết Quang Trung, lấy miền Đông Nam bộ và Sài Gòn - Gia Định làm trọng điểm, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn. Quyết định giải thể Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Quân khu 1, tổ chức lại chiến trường miền Đông Nam bộ theo yêu cầu nhiệm vụ mới, tổ chức Sài Gòn - Gia Định thành khu trọng điểm do Trung ương Cục trực tiếp chỉ đạo. Khu trọng điểm gồm Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh lân cận, tổ chức thành 5 phân khu (1, 2, 3, 4, 5). Mỗi phân khu đều thành lập Phân Khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu. Chỉ đạo các phân khu thực hiện tốt công tác chuẩn bị, tổ chức lại chiến trường, đẩy mạnh phát triển thực lực cách mạng, kiên trì phương hướng chuẩn bị cho tổng tiến công, nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định và các thị xã, thị trấn khi thời cơ đến. Hình thành 5 mũi tiến công vào các cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ và chính quyền ngụy quyền ở Sài Gòn.
Tại thời điểm đó, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) thuộc Phân Khu 5 và một phần của Phân Khu 1, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai cho các địa phương huyện, thị và lực lượng vũ trang gấp rút tiến hành công tác chuẩn bị và chạy đua với thời gian, đẩy mạnh chiến tranh du kích, chủ động xây dựng giữ vững vùng căn cứ. Các phương án tác chiến được chuẩn bị, hiệp đồng, luyện tập chu đáo. Đúng đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 (tức ngày 30, 31-1-1968 dương lịch), cuộc Tổng tiến công, nổi dậy của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn, Huế và nhiều thị xã, thị trấn, các căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của kẻ địch bị tấn công đồng loạt làm cho chính quyền Mỹ - ngụy sững sờ, choáng váng. Trong đó, quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị tấn công, nổi dậy trên hai hướng nội đô Sài Gòn và TX.Thủ Dầu Một.
Cuộc tiến công và nổi dậy kéo dài trong 8 tháng, quân và dân Thủ Dầu Một đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu của trên, nỗ lực vượt bậc, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, tiến công đồng loạt vào các thị trấn, thị xã, đánh vào nội đô. Ta đã làm chủ được nhiều đồn bót, phối hợp nhịp nhàng với chiến trường toàn miền và giành được những thắng lợi rất quan trọng, gây cho địch những tổn thất nặng nề.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, phối hợp với cuộc tiến công vào đô thị của các lực lượng vũ trang Miền, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh nổi dậy, làm tan rã phần lớn bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở nhiều vùng nông thôn. Trong quá trình tác chiến, lực lượng vũ trang của tỉnh đã vận dụng nhiều cách đánh phong phú, đa dạng, sáng tạo, sử dụng thành thạo các loại vũ khí được trang bị, hiệu quả chiến đấu cao; từng tiểu đoàn, đại đội, từng địa phương huyện, thị, xã, ấp, đến từng tổ, từng người… đã vượt qua gian khổ, ác liệt, hy sinh, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, còn một người cũng đánh, một tổ cũng bám trụ chiến đấu không rời trận địa. Hàng ngàn đảng viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sĩ và quần chúng yêu nước đã không tiếc sức mình trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968, sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi của cách mạng. Mặc dù yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra rất cao, trong khi thời gian chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ chiến đấu là quá ngắn nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng rất phấn khởi, tin tưởng vào chiến thắng. Những nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã góp phần cùng quân dân toàn Miền làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, mở ra một giai đoạn mới trong chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Tuy nhiên, do các đơn vị lực lượng vũ trang ta chưa có kinh nghiệm thực tiễn tác chiến trong thành phố, thị xã, thị trấn, nhất là khi tình hình phát triển không thuận lợi. Hoạt động tác chiến chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Mặc dù chưa đạt mục tiêu cao nhất đặt ra, song cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh trên chiến trường miền Nam. Đối với quân và dân Thủ Dầu Một - Bình Dương, thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968 đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh. Thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi của thế bất ngờ về chiến lược, đánh vào tận cơ quan đầu não, sào huyệt của địch. Ngay cả khi lực lượng địch còn mạnh, với quân số đông, phương tiện chiến tranh hiện đại, đứng chân trên những căn cứ được phòng thủ vững chắc, quân và dân trong tỉnh vẫn anh dũng tiến công vào tận hang ổ của chúng, giành thắng lợi to lớn. Thế trận chiến tranh nhân dân giúp ta có thể đánh địch ở cả những điểm mà chúng coi là “bất khả xâm phạm”, giành được quyền chủ động về thời gian và không gian trên chiến trường.
50 năm đã trôi qua, nhìn lại sự kiện lịch sử Xuân Mậu Thân năm 1968, chúng ta càng thêm tự hào về ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng Mậu Thân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc để càng ra sức phấn đấu, cống hiến trong học tập, lao động, sản xuất nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp như tâm nguyện lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn (còn tiếp).
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, phối hợp với cuộc tiến công vào đô thị của các lực lượng vũ trang Miền, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh nổi dậy, làm tan rã phần lớn bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở nhiều vùng nông thôn. Trong quá trình tác chiến, lực lượng vũ trang của tỉnh đã vận dụng nhiều cách đánh phong phú, đa dạng, sáng tạo, sử dụng thành thạo các loại vũ khí được trang bị, hiệu quả chiến đấu cao; từng tiểu đoàn, đại đội, từng địa phương huyện, thị, xã, ấp, đến từng tổ, từng người… đã vượt qua gian khổ, ác liệt, hy sinh, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, còn một người cũng đánh, một tổ cũng bám trụ chiến đấu không rời trận địa. Hàng ngàn đảng viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sĩ và quần chúng yêu nước đã không tiếc sức mình trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968, sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi của cách mạng.
NHÓM P.V