50 năm vang mãi bản hùng ca- Bài 23

Cập nhật: 08-02-2018 | 08:35:21

Bài 23: Những người bám trụ

Điểm qua những diễn biến chính trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, chúng ta thấy rằng, lực lượng tại chỗ có tầm quan trọng đặc biệt. Mặc dù bất lợi về tương quan lực lượng nhưng các đội biệt động vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu nhiều ngày trong lòng địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Tại Dĩ An - chiến trường vùng ven ác liệt nhất, nên muốn hoạt động, những cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải bám trụ và phải chịu đựng gian khổ rất nhiều.

 

Các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng tại TX.Dĩ An gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: P.V

Bám dân để chiến đấu

Năm 1968, trên khắp các chiến trường ta tổ chức đánh mạnh, địch càng tăng cường phòng thủ để bảo vệ đầu não Sài Gòn. Vùng ven Sài Gòn, địch phối hợp với các lực lượng dò la nắm tin, phục kích, đặc biệt là tại các vùng rừng lõm mà chúng nghi có cán bộ của ta bám trụ. Ông Nguyễn Thạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống cách mạng Dĩ An nhớ lại: “Dĩ An lúc đó được coi là vùng yếu, địa bàn các xã hầu như trắng hết, không có chi bộ hoạt động. Nơi nào có thì cũng chỉ có một vài đảng viên. Tham gia công tác ở vùng yếu thường rất khó khăn, nguy hiểm, bởi những nơi này địch thường mạnh hơn ta và luôn tìm cách kìm kẹp lực lượng của ta bằng nhiều thủ đoạn. Thế nên, nói đến vùng yếu là nói đến sự ác liệt của chiến sự và tính mạng luôn trong tư thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Mặc dù vậy, vùng yếu lại là nơi rèn luyện, giáo dục nhiều đồng chí cán bộ, chiến sĩ sống, chiến đấu anh dũng, lập nên những chiến công hiển hách. Và những người được Đảng tin cẩn phân công xuống vùng yếu hoạt động là một vinh dự lớn lao”.

Mùa xuân năm ấy, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh chỉ mới 14 tuổi. Sinh ra tại Tân Bình, huyện Dĩ An (nay là TX.Dĩ An), cái nôi cách mạng, nên mới 13 tuổi, bà đã tham gia hoạt động như làm giao liên, đậy nắp hầm cho “các anh, các chú cách mạng”. Một năm sau, đúng vào mùa xuân 1968, bà thoát ly gia đình đi làm cách mạng. Bà kể lại: “Sau trận càn 1968, tình hình chiến sự càng trở nên ác liệt hơn. Cán bộ cách mạng bám trụ trong dân để hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Một số cán bộ đã hy sinh, số còn lại phải đào hầm bí mật để tiếp tục bám trụ hoạt động. Huyện ủy xác định, Tân Bình là địa bàn quan trọng nên vẫn kiên quyết bám trụ để gây dựng lại cơ sở và làm bàn đạp chỉ đạo các xã khác. Địa bàn hoạt động bị thu hẹp, có những xã thành “xã trắng”, nhưng chỉ đạo của Huyện ủy phải bám trụ chiến trường để hoạt động 3 mặt: Vũ trang, chính trị và binh vận. Có nhiều lần bị địch càn sập hầm, có lần lính Mỹ phục kích lại trên nắp hầm 2 ngày 1 đêm tại Hố Lang, tôi và 2 đồng chí khác ở dưới hầm, lương thực chỉ có một bịch gạo sấy nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu bị giặc phát hiện”.

Những năm tháng công tác và chiến đấu ở huyện Dĩ An, là chiến trường vùng ven ác liệt nhất, nên muốn hoạt động theo bà Ánh là phải bám trụ, phải chịu đựng gian khổ. Gian khổ thì nhiều lắm, nhưng với bà những lúc sống trong hầm bí mật là không thể nào quên. Bà kể: “Hầm là nơi che giấu cán bộ, chiến sĩ. Hầm là nơi làm việc với chiếc đèn cầy, soạn thảo tài liệu, đánh máy, in ấn truyền đơn, khẩu hiệu, cũng là nơi nấu ăn bằng lò sô cay xé cả mắt. Vào mùa hè, phải chịu đựng cái nóng, thiếu không khí. Vào mùa mưa thì nước ngập, có khi phải chịu cảnh sập hầm rất nguy hiểm, còn chuyện lọt ổ phục kích của địch là chuyện thường xuyên như ăn cơm bữa… Gian khổ, ác liệt là thế, nhưng chúng tôi vẫn sống lạc quan và luôn vững tin vào một ngày mai tươi sáng. Tôi nhớ, lúc đó tôi được Huyện ủy và Tỉnh ủy khen vì đã dũng cảm bám trụ chiến trường”.

Vững tin vào ngày mai

Trong thế trận chiến tranh nhân dân đã được xây dựng từ trước, đây chính là lực lượng chuẩn bị thế trận, xây dựng hành lang, lõm căn cứ, bàn đạp xuất phát tiến công và vận chuyển vũ khí. Chính nhờ có sự chuẩn bị của lực lượng tại chỗ mà trong một thời gian ngắn ta đã vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, vật chất vào vùng ven, nội đô trước sự kiểm soát gắt gao của địch, bảo đảm cho cuộc tổng tiến công nổ ra đúng thời cơ. Mặt khác, do thông thạo địa hình, nắm chắc lực lượng, thủ đoạn và hoạt động của địch nên hầu hết các đội biệt động, tiểu đoàn mũi nhọn của địa phương đều hoàn thành nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chiến lược.

Cũng lớn lên trong cái nôi cách mạng, bà Lê Thị Hòa cũng từng kiên trì bám trụ tại Dĩ An cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Bước qua năm 1968, nhận lệnh ở trên về việc thành lập Đội biệt động đô. Bà Lê Thị Hòa được rút về phục vụ chuyên môn cho đội. Cũng trong năm đó, toàn bộ Tiểu đoàn 3 bị địch tấn công. Nhiều người hy sinh, nhiều người khác lại bị bắt, trong đó có một số người hoạt động công tác nội thành. Lãnh đạo cấp trên sợ bị lộ nên cho giải tán Đội biệt động đô, bà Hòa được rút về đoàn tải C3 (thuộc Phân khu 5), sau đó quay về phục vụ tại chiến trường Dĩ An.

Bà Lê Thị Hòa nhớ lại: “Chiến trường Dĩ An ngày ấy là vùng ven, đời sống người dân hết sức khó khăn. Những người hoạt động cách mạng sống càng khó khăn bội phần. Có những bữa ăn cơm không có muối, hoặc có ngày đánh 2 - 3 trận ở chiến trường nhưng bộ đội ta vẫn vững vàng cầm súng xông pha ra trận. Kẻ thù đánh phá rất ác liệt, chúng ra sức kìm kẹp, bắt bớ cán bộ mật của ta. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ ta luôn sẵn sàng hy sinh, chiến đấu sống chết với Mỹ bằng cách củng cố công sự, làm rào chiến đấu, luôn bám địa bàn, bám dân, nhằm củng cố niềm tin vào thắng lợi của cách mạng”.

Cách đây 50 năm, với ý chí sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và niềm tin mãnh liệt “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”, quân và dân cả nước ta, Nam - Bắc một lòng quyết tâm đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ và tay sai. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương chiến lược, đẩy mạnh tiến công quân sự kết hợp đấu tranh chính trị, nhằm chuyển cuộc kháng chiến lên một bước mới - giành thắng lợi quyết định, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh; giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của địch với phương châm kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của nhân dân trên cả ba vùng chiến lược trong toàn miền Nam, lấy thành thị làm trọng điểm, tiến hành tổng công kích và tổng khởi nghĩa.

Ông Nguyễn Văn Bảo, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Thủ Đức, nguyên Bí thư Huyện ủy Dĩ An nhớ lại: Ngay sau khi nhận lệnh của Trung ương Cục miền Nam, không khí chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân hết sức khẩn trương. Tại các cơ sở nhà mật ở các xã Bình Trị, Tân Hiệp, Tân Đông Hiệp, An Bình… hàng chục căn hầm bí mật cất giấu vũ khí đạn dược được khẩn trương xây dựng. Lực lượng địa phương thì bí mật chuẩn bị các vị trí tập kết “lót sẵn” của các đơn vị trực tiếp chiến đấu, đứng chân trên địa bàn Dĩ An như Tiểu đoàn 3, Đội đặc công K15, K18… Những đơn vị chủ lực của ta ở địa bàn Dĩ An - Sài Gòn, với các trung đoàn rồi sư đoàn tổ chức nhiều trận đánh sâu, đánh đau làm địch mất tinh thần và rã ngũ hàng loạt. Nhân dân Dĩ An rất phấn khởi cung cấp lương thực, thực phẩm, động viên bộ đội ta nêu cao quyết tâm. Liên tục các ngày cuối năm 1967, ta đã đánh, gây thiệt hại nhiều cơ sở của địch như nhà đèn Hóa An, khu quân sự Thủ Đức, tập kích, tấn công tiêu diệt tiểu đội địch tại tua cầu Hang, tua Bảng Đỏ, tiểu đội bót tại Cây Lơn, đánh thiệt hại nặng 1 đại đội ngụy và tiêu hao 1 tiểu đoàn Mỹ. Đêm 30 giao thừa Tết Mậu Thân, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với du kích các xã, Tiểu đoàn 3 Dĩ An, các đơn vị đóng chân trên địa bàn cùng Phân khu 5 đồng loạt nổ súng tấn công và nổi dậy khắp địa bàn, gây thiệt hại nặng cho địch, làm cho chúng thực sự hoang mang.

“Không thể nào kể hết kỷ niệm về những trận đánh xuân Mậu Thân 1968, chỉ biết rằng khí thế tổng tiến công và nổi dậy lúc đó thật hào hùng mãnh liệt như một bản anh hùng ca bất tận. Để có ngày hòa bình hôm nay ta đã phải đánh đổi bằng bao xương máu của đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Và trên hết với một niềm tin son sắt rằng cách mạng sẽ thành công, chúng ta sẽ chiến thắng. Là người may mắn còn sống sau cuộc chiến, tôi mãi mãi tri ân những đồng đội thân yêu và luôn tự hào về chiến công vang dội tỏa sáng từ chiến dịch xuân Mậu Thân 1968”, ông Bảo xúc động nói. (còn tiếp)

Ông Nguyễn Văn Bảo, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Thủ Đức, nguyên Bí thư Huyện ủy Dĩ An chia sẻ: “Chúng ta đã chiến thắng không phải đối phương yếu kém mà chính là ta có sức mạnh chính nghĩa, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là biểu tượng anh hùng của nhân dân, của người chiến sĩ cách mạng. Có mặt trong cuộc chiến khốc liệt ấy, dẫu đã 50 năm trôi qua, nhưng với tôi những ngày cầm súng chiến đấu trong Tết Mậu Thân như mới xảy ra hôm qua. Dù gian khổ, hy sinh nhưng ai cũng kiên cường bám trụ, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

NHÓM P.V

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1631
Quay lên trên