50 năm vang mãi bản hùng ca- Bài 18

Cập nhật: 02-02-2018 | 08:19:40

Bài 18: An ninh đất Thủ - những chiến công vang dội

Trong hai cuộc chiến vệ quốc của dân tộc, quân dân Bình Dương đã lập nên những chiến công oanh liệt. Trong đó, lực lượng an ninh Thủ Dầu Một - Bình Dương luôn đứng vững trên vị trí của mình, cùng quân và dân toàn tỉnh và cả nước từng bước đánh bại hoàn toàn âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, góp phần lập nên chiến thắng xuân Mậu Thân 1968, sau đó là đại thắng mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối.

Các đồng chí nguyên là lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ an ninh Bình Dương tại khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc Ảnh: P.V

Ở địa bàn Dầu Tiếng, ngay trong đợt đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân ta đã làm chủ thị trấn 5 giờ liền. Địch hỗn loạn, tháo chạy, nhiều tên ác ôn bị bắt. Tổ an ninh vũ trang do đồng chí Phạm Văn Sê chỉ huy đã tấn công đánh sập Ty Cảnh sát và nhà chiêu hồi, đột nhập vào tận nhà trừng trị tên Tư Đức (làm tình báo cho Pháp rồi cho Mỹ), kẻ chuyên cung cấp tình hình công nhân đồn điền cho địch, bắt xử tên Ký Hoàng, tình báo CIA… Cũng trong thời gian này, lực lượng an ninh phân khu phối hợp với tiểu đoàn chủ lực tấn công mãnh liệt thị trấn Phước Bình, dẫn đường cho bộ đội chủ lực tấn công chi khu Phước Vĩnh. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng bộ, liên tục qua nhiều cao điểm nổi bật, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, loại được nhiều tên thám báo nguy hiểm. Các lực lượng an ninh huyện, xã phối hợp cùng các lực lượng vũ trang và quần chúng đồng loạt nổi dậy trên từng địa phương, tấn công vào các cơ quan đồn bót diệt ác, phá kìm.

Tri ân tấm lòng nhân dân

“Mùa xuân năm 1968, khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy của ta trên toàn miền Nam diễn ra, tôi mới 17 tuổi, được giao nhiệm vụ liên lạc thuộc Ban An ninh Thủ Dầu Một, dẫn đường cho bộ đội chủ lực và Tiểu đoàn Phú Lợi đánh vào Thành Công binh. Cuộc chiến ở đây diễn ra vô cùng ác liệt, tổ công tác của tôi có hai đồng chí hy sinh. Không để đồng đội nằm lại ở chiến trường, tôi quyết tâm đưa hai đồng chí đã hy sinh về Chánh Lưu và rất may được nhân dân ở đây che chở, chôn cất đồng đội và bảo vệ an toàn cho tôi sau đó trở về tham gia chống càn trong đợt hai Mậu Thân. Tấm lòng của nhân dân thật là cao cả. Sau này, tôi được biết gia đình người dân giúp đỡ chúng tôi đã bị lộ và bị địch trả thù rất dã man. Phải nói rằng, sau cuộc Đồng Khởi năm 1960, lòng dân càng được giác ngộ, một lòng hướng về cách mạng. Những ngày xuống đường chúng tôi được dân tin dân quý, không ngại hiểm nguy giúp đỡ bộ đội. Đó là những tình cảm rất cảm động chúng tôi nhớ mãi...”.

(Ông Lê Công Đồng, cựu chiến binh Ban An ninh Thủ Dầu Một - Bình Dương)

Vào đầu năm 1968, xã Phước Thành (nay là Thạnh Phước) là vùng tranh chấp ngày địch đêm ta đã xảy ra nhiều vụ đánh hầm bí mật làm thiệt hại nhiều cán bộ ta. Tháng 3-1968, bọn cảnh sát chi khu Tân Uyên đưa 1 tiểu đoàn cùng 2 tàu chiến và xe tăng bao vây khu vực bờ sông Phước Thành mở cuộc đánh hầm bí mật vào cán bộ xã Thạnh Hội, làm hy sinh 7 đồng chí trong đó có 3 cán bộ huyện đội. Nhờ cơ sở của đồng chí Bồ Minh Chí (Bảy Chí) phát hiện tên Xanh thường ra vào chi khu nhận tiền của địch. Kết hợp công tác điều tra, an ninh huyện khẳng định, vụ này là do tên Xanh chỉ điểm gây ra. Cuối tháng 3-1968, Ban An ninh huyện phân công tổ trinh sát vũ trang gồm 3 đồng chí: Dương Văn Duyên (Tư Duyên), Hùng và đồng chí Hai Mai, tổ trưởng, ban đêm đột nhập vào nhà tên Xanh nghiêm khắc trừng trị.

Sau đợt đầu của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, địch phản kích quyết liệt. Chúng áp dụng chiến lược phòng ngự từ xa, dùng B52 rải thảm, pháo bầy, chất độc hóa học và tập trung lực lượng càn quét ác liệt vào các khu căn cứ. Tháng 4-1968, địch mở trận càn lớn vào căn cứ Bến Trám. Lực lượng an ninh vừa phải bám trụ chống càn, vừa bảo vệ cấp ủy di chuyển an toàn sang bờ bắc sông Bé. Suốt hai ngày đêm chiến đấu ác liệt, đội an ninh vũ trang đã giữ vững trận địa, đẩy lùi đến đợt tấn công cuối cùng của địch. Trận này, ta diệt tại chỗ 25 tên Mỹ - ngụy, bắn bị thương 18 tên khác và bắn cháy 4 xe tăng, bảo vệ được an toàn cấp ủy. Bị thua đau sau đợt tổng tiến công của quân dân ta trên khắp chiến trường miền Nam, CIA và ngụy quyền Sài Gòn rút ra kết luận: “Muốn thắng cộng sản không những đánh tan chủ lực mà phải tiêu diệt bằng được hạ tầng cơ sở”. Vì vậy, CIA chỉ đạo ngụy quyền thiết lập một kế hoạch quốc gia mệnh danh là Phượng Hoàng. Tổ chức này có hệ thống từ trung ương đến quận, xã; đến năm 1969 mở rộng đến vùng nông thôn, xã ấp. Đây là tổ chức tình báo, quân sự, dân sự trong phạm vi Miền do CIA trực tiếp chỉ đạo, tập trung vào việc khám phá và vô hiệu hóa các tổ chức chính trị, thành phần hạ tầng cơ sở cộng sản.

Ngày 10-4-1968, Thường vụ Trung ương Cục ra chỉ thị “về phát động phong trào phòng gian bảo mật, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ quan…”. Chỉ thị nêu rõ: Do toàn bộ lực lượng ta tham gia tổng tiến công nên bộc lộ tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác, địch lại phản công quyết liệt. Chỉ thị uốn nắn lại những lệch lạc và nhắc nhở các cấp phải thường xuyên giáo dục ý thức phòng gian bảo mật cho cán bộ, chiến sĩ; xây dựng nội quy bảo vệ cơ quan, đơn vị…

Tổng tiến công mùa xuân 1968 đồng loạt, bất ngờ, liên tiếp trong nhiều đợt đã gây cho địch nhiều thiệt hại. Nhất là trong đợt 1, ta đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, đánh phá nhiều cơ sở vật chất, đồn bót giặc, phá nhiều ấp chiến lược khiến địch hoang mang. Thắng lợi này đánh dấu một giai đoạn phát triển mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân trong toàn tỉnh Thủ Dầu Một. Tuy không giành được kết quả quyết định nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, mở ra một giai đoạn mới trong chiến tranh cách mạng ở miền Nam.

Bị thua đau bất ngờ, địch tập trung bộ máy tổ chức lực lượng lớn, bọn tình báo gián điệp Mỹ và tay sai đánh phá ta ác liệt ở khắp địa bàn chiến lược, gây cho ta nhiều tổn thất, nhất là sau nhiều đợt tổng tiến công, lực lượng an ninh các cấp đã bị lộ, địch phản kích lại gây nên những thiệt hại lớn. Tuy vậy, trong năm 1968 lực lượng an ninh Thủ Dầu Một - Bình Dương đã góp phần tích cực trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, chiến thuật ở miền Nam. Ngày 10-5-1968, Mỹ phải chấp nhận ngồi đàm phán với ta ở Hội nghị Paris. Ngày 11-11-1968, đế quốc Mỹ chính thức tuyên bố ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc nước ta, chấp nhận hội nghị 4 bên ở Paris và Tổng thống Giôn-Xơn tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ 2. (còn tiếp)

Sau Mậu Thân 1968, tôi về nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban An ninh Tân Uyên, Trưởng ban ở đây là đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Hường (Hai Hường, đã viết ở bài trước). Chúng tôi kiên cường, quyết tâm xây dựng Ban An ninh Tân Uyên phát triển mạnh mẽ, trở thành nỗi khiếp đảm của quân thù. Chúng tôi đi đến đâu, tụi ác ôn, mật vụ đều lánh mặt. Bởi thế, ngụy quyền quyết tâm tiêu diệt “tên Việt cộng sừng sỏ này”. Chúng treo giải với số tiền rất lớn cho những ai tiêu diệt được tôi. Giai đoạn đó tôi sống trong căng thẳng. Vừa hoạt động vừa đề phòng kẻ thù đang ráo riết truy sát mình. Có những đêm trăng, tôi vẫn bơ vơ giữa cánh đồng, lòng thầm nghĩ rất căm ghét chiến tranh. Chính đế quốc Mỹ đã làm tan nát tất cả và tôi bật dậy lao vào cuộc chiến, quyết tâm góp sức mình để giải phóng quê hương...”.

(Trung tá An ninh Bồ Minh Chí, lúc còn là Trưởng Công an huyện Tân Uyên)

NHÓM P.V

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=589
Quay lên trên