Ấm lòng người có công

Cập nhật: 07-07-2017 | 19:23:55

Hàng ngàn ngôi nhà của đối tượng chính sách, người có công (NCC) được xây mới và sửa chữa mỗi năm là con số ấn tượng mà tỉnh Bình Dương đã làm được bởi sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Sống trong căn nhà mới khang trang, các gia đình chính sách nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống.

Hoàn thành việc xây dựng

Lần theo con đường chính của xã An Điền, TX.Bến Cát, chúng tôi đến thăm căn nhà của mẹ VNAH Đặng Thị Út, năm nay đã 83 tuổi tại ấp Kiến An. Đây là căn nhà mới được xây dựng từ ngân sách Nhà nước, hỗ trợ của Quỹ từ thiện Kim Oanh. Mẹ Út tâm sự, mẹ có chồng và con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đời sống kinh tế rất khó khăn, gia đình sống trong căn nhà ọp ẹp, nóng bức vào mùa hạ và thấm dột vào mùa mưa. Ước mơ của mẹ là có căn nhà kiên cố xây trên mảnh đất gia đình để sống đến cuối đời. Giờ đây, ước mơ đó đã thành hiện thực trong nhiều năm qua, mẹ vui lắm!

Mọi người chung vui với gia đình mẹ VNAH Đặng Thị Út bên căn nhà tình nghĩa mới được xây tặng

Vui mừng không kém là gia đình ông Nguyễn Văn Tới (SN 1956), thương binh 1/4, tại phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên. Với số tiền 80 triệu đồng từ sự hỗ trợ, hiện gia đình ông đã có một căn nhà khá khang trang. Ông Tới không giấu niềm vui, nghẹn ngào cho biết: “Suốt cả đời, bây giờ mới có được một ngôi nhà khang trang như vậy. Mặc dù tuổi cao, bệnh tật nhiều, nhưng khi có nhà mới, mọi khó khăn, lo âu cũng biến mất. Gia đình tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ của chính quyền địa phương”.

Cũng như gia đình ông Tới, giờ đây những gia đình chính sách khó khăn không còn phập phồng lo âu trước mùa mưa bão. Họ đã được tận hưởng niềm vui khi có một mái nhà kiên cố, ở đó, mỗi bức tường, viên gạch đều mang đậm dấu ấn mối đoàn kết, gắn bó của nghĩa Đảng, tình dân. Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết đối với gia đình chính sách khó khăn thì việc tạo điều kiện cho họ an cư, lạc nghiệp là một trong những “chìa khóa” giảm nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Xác định được tầm quan trọng đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng rà soát, thống kê số gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có nhu cầu về nhà ở để xây tặng.

“Góp gió thành bão”, từ năm 1997 đến nay đã có thêm 3.872 gia đình chính sách có được căn nhà tình nghĩa bảo đảm tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, mái cứng, vách cứng) với nguồn kinh phí khoảng 85 tỷ đồng từ ngân sách và nguồn vận động. Những con số ấy không chỉ minh chứng cho quyết tâm, tình cảm, mối đoàn kết của cộng đồng dân cư mà còn khẳng định những cống hiến lặng thầm của đội ngũ cán bộ MTTQ, cán bộ LĐ-TB&XH các cấp. Bởi, ngoài vai trò, trách nhiệm của mình, họ còn là những “nhà thầu” bất đắc dĩ, vừa rà soát danh sách, vừa vận động mọi người tham gia đóng góp, huy động người làm.

Tập trung sửa chữa

Nỗ lực xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Đến thời điểm hiện nay, không cógia đình chính sách nào khókhăn vềnhàở chưa được xem xét xây dựng. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng nhà tình nghĩa đãlâu, qua thời gian sử dụng đãxuống cấp… nên hàng năm tỉnh đều chỉđạo ràsoát sửa chữa, xây mới nhà cho các hộgia đình chính sách bằng nguồn kinh phíTrung ương, địa phương, còn lại làxãhội hóa.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2015 đến nay, sở đã tiếp nhận 385 hồ sơ đề nghị sửa chữa nhà tình nghĩa. Sau khi tiếp nhận, sở đã rà soát, xem xét hỗ trợ sửa chữa, căn nào quá xuống cấp sẽ đập đi xây mới. Bên cạnh sửdụng ngân sách, nhiều địa phương chủ động vận động doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn hỗ trợ sửa chữa nhà cho NCC.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới vừa được sửa chữa, bà Trần Thị Hòa (SN 1936) khu phố 4, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một là vợ liệt sĩ, NCC với cách mạng cho biết, năm 1998, bà được địa phương vận động Công ty Cổ phần Việt Hương xây tặng nhà tình nghĩa. Sau bao năm tháng căn nhà đã xuống cấp, tường nứt, mái tôn dột. Bà sức yếu, đứa con gái thường xuyên đau bệnh nên hai mẹ con không có điều kiện sửa chữa nhà. Mới đây, bà được UBND phường Phú Lợi hỗ trợ 40 triệu đồng để sửa lại căn nhà. “Nói thật, tôi cũng không dám nghĩ rằng mình lại được sửa chữa lại căn nhà. Tôi rất mừng, bởi được Đảng, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ”, bà Hòa tâm sự.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng cho biết thêm, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nói chung và phong trào xây dựng nhà tình nghĩa nói riêng luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể với các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, kết quả xây, sửa chữa nhà tình nghĩa hàng năm của tỉnh luôn tăng cao hơn so với năm trước. Yếu tố làm nên thành công này là sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, nổi bật là quyết định nâng mức hỗ trợ cho các gia đình có công cao hơn mức quy định của Chính phủ; cùng với đó là trách nhiệm của các địa phương trong việc huy động nguồn lực, lựa chọn đúng đối tượng và quản lý tốt nguồn kinh phí.

Ngoài nỗ lực giúp gia đình chính sách sửa chữa, xây mới nhà ở, các địa phương trong tỉnh còn “tiếp sức” cho các gia đình bằng việc tặng nội thất thiết yếu, vật dụng cần thiết, hỗ trợ vốn và phương tiện mưu sinh. Đây là một nghĩa cửđẹp, thông qua đó, nhiều hộ NCC đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) là 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới; 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp sửa chữa nhà. Riêng Bình Dương mức hỗ trợ xây, sửa nhà cao hơn quy định, theo đó xây mới 80 triệu đồng/căn/hộ, sửa chữa 40 triệu đồng/căn/hộ. Số tiền hỗ trợ xây, sửa nhà ngoài ngân sách còn có nguồn vận động các công ty, doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh.

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
có công

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên