15 năm trước, bưởi da xanh bán chẳng ai mua. Vậy mà bây giờ khoảng 10.000ha bưởi da xanh ở Bến Tre và các tỉnh lân cận cũng không đủ xuất khẩu.
Ông Đàm Văn Hưng (phải) kiểm tra bưởi da xanh trước khi xuất khẩu. Ảnh: VÂN TRƯỜNG
Một trong những người đầu tiên khai phá thị trường bưởi da xanh là ông Đàm Văn Hưng (51 tuổi, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Ông vừa được trung ương Hội Nông dân VN tặng danh hiệu nông dân xuất sắc năm 2014.
Gã hâm ở chợ Long Biên
Sau khi xuất ngũ năm 1989 ông Đàm Văn Hưng chọn nghề thợ máy và cơ khí để lập nghiệp. Nhưng chỉ được vài năm ông phải bỏ nghề vì thu nhập không đủ sống. Chuyển qua mua gánh bán bưng một thời gian, ông quyết định sống bằng nghề mua bán cam sành và mở vựa nho nhỏ tại nhà, lấy tên Hương Miền Tây.
Những lần vào vườn mua trái cây ông Hưng thấy bưởi da xanh rụng đầy vườn nhưng không ai thèm nhặt nên ăn thử. Ông Hưng kể: “Hồi đó mỗi vườn chỉ có vài ba cây bưởi. Người ta trồng để chưng chứ không mua bán như cam sành. Tôi ăn thử thấy bưởi da xanh khá ngon. Đem cho thương lái các nơi ăn thử, họ cũng nói ngon nên tôi nghĩ phải tìm cách tạo thị trường cho bưởi da xanh vì cam sành đang có nguy cơ dội chợ do trồng quá nhiều”.
Những trái bưởi da xanh Bến Tre đầu tiên được vựa trái cây Hương Miền Tây mua vào năm 1999. Nghe ông mua bưởi, nhà vườn đổ xô đem ra bán. Ông Hưng mua hết với giá tượng trưng 2.000-3.000 đồng/kg, nhưng mua rồi để đó chứ chẳng bán được cho ai trái nào. Gửi hàng lên Sài Gòn bao nhiêu đều bị trả lại hết.
Để tiết kiệm tiền xe, ông nói thương lái cứ đổ bỏ hoặc cho khách hàng ăn thử chứ không gửi trả về. Thất bại ở Sài Gòn, ông Hưng gửi bưởi theo xe ra Hà Nội nhờ bán giùm. “Mấy tháng trời tôi gửi cả tấn bưởi ra nhưng không bán được trái nào, phải bỏ.
Người Hà Nội quen ăn bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng chứ không biết bưởi da xanh là gì. Mấy chị bạn hàng khuyên tôi đừng mua bưởi nữa và cũng đừng gửi ra vì có thể cụt vốn làm ăn. Tôi ra Hà Nội tìm hiểu, nếu được thì tiếp tục, còn không thì tính tiếp chứ không thể bỏ bưởi da xanh giữa chừng như vậy”.
Ông Hưng đem bưởi ra chợ Long Biên, lột vỏ khoe múi bưởi màu hồng nhạt thật bắt mắt rồi đứng giữa chợ rao: “Bưởi da xanh miền Nam lần đầu tiên có ở Hà Nội đây. Mời các bác dùng thử. Ăn bưởi rất tốt cho sức khỏe...”.
Tự nhiên giữa chợ có anh chàng nói giọng miền Nam quảng cáo bưởi khiến không ít người “mắt tròn, mắt dẹt” ngạc nhiên. Thậm chí có người còn bĩu môi nói lớn: “Thằng cha này hâm à?”.
Mặc cho mọi người nói gì ông Hưng vẫn cứ chào mời. Cuối cùng cũng có vài người chịu đứng lại hỏi thăm và ăn thử. Hôm sau, rồi những hôm sau nữa ông Hưng miệt mài chào mời khách ăn thử bưởi xứ mình. Người nào nói bưởi ăn cũng vừa miệng thì ông biếu ngay vài trái mang về.
“Cả tuần lễ đứng ngoài chợ rao rát cổ họng chỉ có mấy chục người chịu ăn thử và chịu nhận mấy trái bưởi về dùng nhưng đã làm tôi mát ruột rồi. Tôi có dặn họ là nếu bưởi ngon thì sau này ra chợ mua ủng hộ giùm. Thấy tình hình có dấu hiệu khả quan nên tôi trở về Bến Tre tiếp tục gửi bưởi ra Hà Nội nhờ bán. Nếu bán không được thì cho người ta ăn thử. Tôi đi Hà Nội tiếp thị 3-4 lần như vậy mới thành công. Dần dần người dân ở Hà Nội thích ăn bưởi da xanh Bến Tre hơn các loại bưởi miền Bắc vì chất lượng không chê vào đâu được” - ông Hưng kể.
Đưa bưởi xuất ngoại
Năm 2007, một doanh nghiệp trái cây ở Đức đến Hà Nội và phát hiện bưởi da xanh được tiêu thụ nhiều nên tìm cách liên hệ ký hợp đồng nhập khẩu với cơ sở Hương Miền Tây. Vì không có hàng nhiều nên hai bên thống nhất chỉ xuất một container 20 tấn/tháng.
Container bưởi da xanh đầu tiên tới Đức một tháng sau và nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận. Sau đó các container bưởi da xanh Bến Tre lần lượt xuất ngoại. “Xuất khẩu được bưởi, tôi hạnh phúc lắm. Nhiều lúc ngồi một mình nước mắt cứ trào ra vì không tin mình làm được điều đó” - ông Hưng kể.
Thị trường rộng mở, trong khi diện tích trồng bưởi da xanh quá ít nên ông Hưng tìm gặp lãnh đạo tỉnh Bến Tre báo cáo tình hình và đề nghị phát triển vùng nguyên liệu. Gặp nhà vườn đến vựa bán cam thì ông khuyên họ trồng bưởi da xanh.
Chị Thu (tiểu thương bán trái cây ở chợ Long Biên, Hà Nội): “Hồi đó tôi là người đầu tiên bán bưởi da xanh, bán ngay tại nhà. Phải nói là để bán được bưởi này rất gian nan. Mình nói bưởi này ngon nhưng ít người tin lắm. Phải chào mời, giới thiệu rất lâu mới bán được. Mấy năm nay bưởi da xanh Bến Tre chiếm lĩnh thị trường Hà Nội, nhiều người bán, sức tiêu thụ cũng cao. Nếu hồi trước không kiên trì giới thiệu đến khách hàng thì chưa chắc có ngày hôm nay”. |
Lúc đầu giá bưởi chỉ 2.000-3.000 đồng, nhưng năm 2000 đã vọt lên 8.000 đồng/kg, trong khi giá đôla Mỹ chỉ 13.000 đồng/USD. Rất nhiều người đã phá bỏ vườn nhãn, vườn cam để trồng bưởi.
Ông Đào Văn Bảy (ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, Bến Tre) kể: “Tôi có 8.000m2 vườn trồng nhãn, nhưng vì giá cả thất thường nên quyết định đốn bỏ. Nghĩ tới nghĩ lui thấy bưởi bán được giá lại dễ trồng nên tôi trồng hết vườn. Bây giờ vườn bưởi cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Hiện không có cây gì qua được bưởi da xanh” - ông Bảy nói.
Sau khi những trái bưởi da xanh mang nhãn hiệu Hương Miền Tây, Bến Tre đầu tiên có mặt ở châu Âu thì các doanh nghiệp Cộng hòa Czech, Hà Lan, Úc, Canada... đã liên hệ với cơ sở Hương Miền Tây đặt hàng nhập khẩu. Tuy nhiên ông Hưng phải từ chối vì không thể đáp ứng.
Năm 2008-2010 nhiều doanh nghiệp ở châu Âu đã lặn lội đến Bến Tre để săn hàng rồi xuất ngược về nước khiến bưởi lên cơn “sốt”, nhất là vào các tháng mùa khô. Giá bưởi vì thế liên tục tăng cao. Tỉnh Bến Tre nhìn thấy “mỏ vàng” bưởi da xanh nên tiến hành quy hoạch những vùng nguyên liệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, tổ chức các tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP phục vụ xuất khẩu.
Hiện toàn tỉnh đã có 27 tổ hợp tác sản xuất theo các tiêu chuẩn này với khoảng 300ha và được cơ sở Hương Miền Tây ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Để đáp ứng yêu cầu rất cao của thị trường châu Âu, ông Hưng đã đầu tư dây chuyền xử lý, đóng gói đạt tiêu chuẩn Global GAP và một kho lạnh sức chứa 1.400 tấn.
Ông kể: “Gần đây có rất nhiều doanh nghiệp ở Úc, châu Âu tới tận cơ sở của tôi tham quan và đề nghị ký hợp đồng nhập khẩu ổn định mỗi tháng cả trăm tấn nhưng tôi từ chối hết. Lý do chính là diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP còn quá ít, trong khi chỉ có bưởi đạt tiêu chuẩn này mới xuất khẩu được”.
Hiện nay cơ sở Hương Miền Tây mua của nhà vườn các tỉnh trong khu vực khoảng 30 tấn bưởi/ngày. Phần lớn được cung cấp cho thị trường Hà Nội và các siêu thị lớn ở TP.HCM. Mỗi tháng ông Hưng chỉ xuất khẩu từ 1-2 container bưởi đạt chuẩn VietGAP và Global GAP sang Đức, CH Czech và Hà Lan.
Mặc dù rất thành công với trái bưởi da xanh nhưng ông Hưng vẫn trăn trở: “Tôi đang đề nghị UBND tỉnh và Viện Cây ăn quả miền Nam nhân rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Hiện nay diện tích bưởi da xanh đang tăng, nhưng nếu không sản xuất theo tiêu chuẩn này thì vài năm nữa sẽ khó bán vì người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn cho sức khỏe”.
Đầu tháng 1-2015, một đoàn chuyên gia nông nghiệp và doanh nghiệp Úc đến cơ sở Hương Miền Tây tìm hiểu quy trình sơ chế, đóng gói rồi đặt hàng nhập khẩu. Một lần nữa ông Hưng phải từ chối và hẹn một thời gian nữa khi vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP tăng thì ông mới ký hợp đồng.
Ông Lê Phong Hải (trưởng Ban dân vận tỉnh ủy, nguyên giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre) nói: “Tôi làm việc với anh Hưng đã nhiều năm và rất cảm phục những việc anh đã làm cho lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bến Tre. Anh rất mê trái bưởi và luôn tìm cách làm mọi thứ để biến nó trở thành một loại đặc sản có giá trị cao nhất trong hàng ngũ trái cây VN. Ít có nông dân hay thương lái nào tâm huyết như vậy. Tôi có nghe kể và rất phục việc anh Hưng đi mời từng khách hàng ở Hà Nội ăn thử bưởi da xanh để bây giờ Hà Nội trở thành thị trường chủ lực. Có thể nói anh Hưng là ân nhân của bưởi da xanh Bến Tre và của những nông dân trồng bưởi”.
Nông dân sướng vì bán 2-3 USD/trái bưởi
Anh Dương Văn Bạn (ở xã Hưng Khánh Trung, huyện Mỏ Cày Bắc) gặp chúng tôi khi đang chở bưởi đi bán. Hỏi chuyện làm ăn, anh cười thật tươi: “Hồi trước tôi trồng bưởi chỉ để chưng dịp tết hoặc khi đám tiệc chứ không có mua bán như bây giờ. Ai có vườn bưởi khỏi lo nghèo vì một trái bưởi bán được 2-3 USD, còn gì sướng bằng!”.
Ông Đào Văn Minh (tổ phó tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành, huyện Châu Thành) cho biết hiện nay tổ của ông có 94 nông dân trồng chuyên canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP với 50ha. Nếu như năm 2012 giá bưởi trung bình chỉ 22.000 đồng/kg, năm 2013 tăng lên 29.000 đồng/kg thì năm 2014 tới 35.000 đồng/kg nên đời sống ai cũng khá lên. Với những vườn bưởi sáu năm tuổi sẽ cho năng suất trung bình 20 tấn/ha/năm, tương đương 700 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí chỉ khoảng 100 triệu đồng thì còn lời 600 triệu đồng.
Theo TTO