Bài cuối: Vẫn đồng hành với Báo Bình Dương
Ngoài những cộng tác viên (CTV) trong tỉnh quen thuộc của Báo Bình Dương - Sông Bé mà chúng tôi đã giới thiệu trong những số báo trước còn có nhiều CTV ngoài tỉnh cũng gắn bó rất nghĩa tình. Nhóm CTV TP.HCM là một điển hình.
Tôi nhớ thời ông Nguyễn Xuân Vinh làm Tổng Biên tập, có cả văn phòng đại diện của Báo Bình Dương tại TP.HCM. Và chúng tôi khi đi học hay công tác có thể “ghé văn phòng ở lại”. Ở đó, các anh chị em CTV xem nhau như người một nhà, thật ấm áp!
Thời tôi làm trang Văn nghệ trên báo Bình Dương, tôi thường nhận được bài từ anh Dạ Trầm, Mai Chiếu Thủy… Các anh chị đều đặn gửi bài, hình ảnh về hoạt động văn hóa - nghệ thuật cho Báo Bình Dương nên thông tin về đời sống văn nghệ, các nhu cầu về văn hóa, những địa chỉ phim ảnh, nhạc, kịch… thật phong phú. Anh Cao Minh Tâm, một CTV tích cực viết bài cho Báo Sông Bé - Bình Dương kể: “Tôi cộng tác với báo Sông Bé từ thời Lê Quang bắt đầu vào làm. Thời đó, Khắc Văn cũng nhận làm ở văn phòng đại diện và cộng tác nhiều mảng ngành khác. Tôi cộng tác mảng thời trang. Thời điểm này báo Sông Bé có lượng phát hành cao, nhờ vào các truyện dài feuilleton, một hình thức quen thuộc của làng báo Sài Gòn trước 1975. Anh Lang-tức Nguyễn Lang Quân, Chín Bình Tây là người cầm chịch vụ feuilleton này. Loạt ký sự về Sài Gòn trước 1975 của anh Dũng, cựu ký giả nhật báo Trắng Đen, trên báo Sông Bé cũng tạo sức hút. Sau đó, tôi cộng tác mảng bài về các vụ án, viết theo kết luận điều tra. Về sau nữa, là các bài viết về phiên tòa. Khi ấy, tôi còn giới thiệu một CTV Nguyễn Tuấn chuyên về mảng này. Đó là từ khi Báo Sông Bé đổi thành Bình Dương như ngày nay…
Phóng viên và cộng tác viên Báo Bình Dương cùng học nghiệp vụ báo chí
Tình cảm của CTV với anh chị em làm báo thì thật thân tình. Mỗi lần gặp nhau để nhận nhuận bút hay hội họp, mọi người lại cùng nhau trò chuyện, bàn tán về thời sự làng báo, tìm những đề tài hay và giúp nhau cùng thực hiện sao cho hiệu quả cao nhất.
Và chúng tôi bây giờ, những người làm báo hôm nay vẫn nối bước truyền thống của thế hệ đi trước, vẫn tiếp tục sự nghiệp đưa báo chí tỉnh nhà vươn xa hơn. Những thành quả Báo Bình Dương đạt được trong thời gian qua trước tiên nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cộng với nỗ lực đóng góp sức lực, tâm trí của toàn thể đội ngũ cán bộ, biên tập, phóng viên, nhân viên … đã gắn bó với cơ quan báo qua các thời kỳ. Bên cạnh đó, lực lượng CTV trong và ngoài tỉnh đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tờ báo. Ngoài ra, còn có sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình, thường xuyên tạo điều kiện của các địa phương, các sở, ban, ngành đã góp phần rất lớn cho Báo Bình Dương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong thời gian tới, Báo Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy thành tựu đạt được và luôn không ngừng đổi mới để nâng chất lượng tờ báo về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Bình Dương hôm nay sẽ không ngừng học tập và rèn luyện để ngày càng trưởng thành và lớn mạnh nhằm thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
Một điều đáng quý nữa là khi nói về truyền thống Báo Sông Bé - Bình Dương, ông Nguyễn Minh Giao, nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nhắc nhở, tâm tình cùng người làm báo. Ông nói: “Chúng ta phải biết quý trọng và tri ân sự hy sinh của những người đi trước. Các chú, các anh đã tận tâm tận lực cho tờ báo Đảng địa phương. Người làm báo ngày nay cần phải trau dồi, rèn luyện nhiều hơn nữa để có đủ tâm, đủ tầm hướng bài viết của mình theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Cần tỉnh táo trước rất nhiều thông tin trên mạng và tự hào, vững tin vào nghề nghiệp mà mình đã chọn…”.
Chúng tôi - những người đang trực tiếp làm báo cũng xin gửi lời tri ân sâu sắc tới các chú, các anh, các chị, những CTV nhiệt tình, những người đi trước đã dìu dắt, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều dưới ngôi nhà chung thật đầm ấm này. Để từ đây, chúng tôi được đi, được viết, được sống và… sống được với đam mê của người làm báo!
Trong những ngày đi phỏng vấn, viết về loạt bài này, chúng tôi đã gặp được nhiều “nhân chứng” thật sự gắn bó với tờ báo tỉnh nhà. Có thể kể đến ông Lưu Vy, một trong 4 người (lúc ông Nguyễn Xuân Quang làm Tổng Biên tập) khởi thủy làm tờ báo Sông Bé (khi đó, tòa soạn còn ở tạm tại Sân banh Gò Đậu bây giờ). Ông Lưu Vy đảm trách việc phát hành báo. Ông từng đạp chiếc xe cũ rích về các huyện, xã vùng sâu vùng xa để phân phối báo. Ông Lưu Vy cho rằng, tờ báo từ Tuần báo với 4 trang khổ nhỏ phát triển như hiện nay theo hướng đa phương tiện là một tiến bộ rất lớn, đáng ghi nhận. Tất cả nhờ vào sự thương yêu, đồng hành của CTV, độc giả và sự nhiệt tình, cố gắng của các thế hệ làm báo!
QUỲNH NHƯ