Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại được người dân quan tâm như hiện nay. Càng cuối năm, hàng giả, thực phẩm kém chất lượng càng làm cho mọi người… lo ngại. “Hôm nay ăn gì?” hầu như là câu hỏi thường trực của những ai quan tâm đến sức khỏe của mình cũng như người thân.
Xu hướng mua thực phẩm sạch trên mạng
Nắm bắt được tâm lý lo lắng cho bữa cơm trong gia đình, nhiều trang mạng bán thực phẩm sạch trực tuyến ra đời. Tất nhiên, chữ “sạch” ở đây không ai biết đến đâu nhưng người mua cũng yên tâm hơn so với chợ truyền thống, bởi họ còn hy vọng vào chữ tín của người cung cấp thực phẩm. Bởi thế nên nếu chịu khó truy cập trên mạng, người nội trợ sẽ mua được đủ thứ thực phẩm cần dùng cho gia đình như gạo, cá, thịt, rau củ quả… Giá cả tuy đắt hơn đôi chút nhưng người mua cũng yên tâm phần nào bởi hàng hóa được đưa về bán từ chính những nơi có đặc sản này. Điển hình như cua Cà Mau, bưởi Bạch Đằng (Tân Uyên), hải sản các loại của Phan Thiết, Vũng Tàu… Một vài người kỹ tính còn mua đặc sản vùng miền từ miền Bắc, miền Trung chuyển vào bằng máy bay. Giá cả tất nhiên đắt hơn so với chợ truyền thống nhưng người mua chấp nhận, bởi họ thấy yên tâm hơn cho việc ăn uống của gia đình.
Người dân luôn lo lắng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nông sản
Chị Hạnh, một cán bộ công chức chuyên mua thực phẩm sạch trên mạng cho biết: “Giá cả các mặt hàng thực phẩm tôi tin dùng cho gia đình khi đặt hàng trên mạng thường đắt hơn so với sản phẩm ở chợ nhưng vẫn chấp nhận, bởi thường đọc thông tin trên báo, các cơ quan phát hiện thực phẩm bẩn nên gia đình luôn cẩn thận trong ăn uống”.
Tâm lý chung của người dân là lo về lượng tồn dư thuốc kháng sinh, sử dụng chất kích thích sinh trưởng trong trồng trọt và sử dụng thuốc tăng trọng trong chăn nuôi gây nên các rối loạn hóc môn, rối loạn sinh lý, gây vô sinh, biến đổi giới tính và ung thư… Điều này cũng gây hoang mang cho người dân trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày.
Cần tăng cường quản lý về ATTP
Đem nỗi lo này trao đổi cùng ông Ngô Tùng Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế thì được biết, theo quy định của Chính phủ, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Y tế là quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm. Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với thịt và các sản phẩm từ thịt… Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Công thương là quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa đựng thuộc phạm vi quản lý. Do vậy, ngành y tế chỉ là đơn vị phối hợp trong việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm thực phẩm của ngành nông nghiệp và ngành công thương quản lý.
Sở Y tế với vai trò là Thường trực Ban chỉ đạo ATTP đã thống nhất với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Sở Công thương về việc thực hiện Thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương về “Hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP” và Sở Y tế đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh về việc quy định phân công quản lý nhà nước về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Để tăng cường hiệu quả sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong công tác quản lý về ATTP, ngành y tế đã triển khai các hoạt động trọng tâm, qua đó đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tất cả các sở, ban ngành có liên quan trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh.
Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trung tâm y tế tuyến huyện, thị, thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp triển khai công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành trong các đợt trọng điểm như Tháng hành động vì chất lượng ATTP, Tết Nguyên đán và lễ hội Rằm tháng Giêng, Tết Trung thu…. Năm qua, các đoàn thanh tra liên ngành và chuyên ngành đã xử phạt 97 cơ sở với tổng số tiền 361.400.000 đồng, nhắc nhở 2.011 cơ sở, tiêu hủy 736,8kg nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm ATTP tại 35 cơ sở. Cũng theo ông Ngô Tùng Châu, ngành y tế cũng đã chủ động thực hiện hoặc phối hợp giám sát chất lượng thực phẩm, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, thực hiện xét nghiệm giám sát ô nhiễm thực phẩm 6.175 mẫu bao gồm bánh kẹo các loại, thịt gia cầm, rau củ quả, rượu… phát hiện 327 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 5,3% (327/6.175); tất cả các mẫu, lô thực phẩm không đạt đều được xử lý phạt tiền hoặc tiêu hủy đúng quy định.
QUỲNH NHƯ