Bác sĩ và “hoa hồng”!

Cập nhật: 17-05-2011 | 00:00:00

Như chúng ta đều biết, những năm gần đây, sự cạnh tranh trên thị trường dược phẩm ngày càng khốc liệt. Để tồn tại, các công ty dược phải dùng nhiều thủ thuật để chiếm lĩnh thị trường. Trước đây, các thủ thuật này còn ở mức độ vừa phải, có thể chấp nhận được như: Mua số lượng lớn có giá trị ưu đãi hoặc thưởng thêm bằng sản phẩm thuốc ở mức độ tối đa là 10%. Nay, đi đôi với sự mở cửa, những công ty nước ngoài tham gia vào thị trường dược phẩm nước ta, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt. Các công ty này không từ bỏ một thủ đoạn nào để sản phẩm của mình chiếm được thị phần càng nhiều càng tốt. Bằng những chiêu thức khuyến mại như: Tặng quà, du lịch, bồi dưỡng cho bác sĩ để họ ghi toa theo yêu cầu của người kinh doanh đã tạo thành bệnh dịch dễ lây lan.

  Khám điều trị miễn phí cho bệnh nhân vùng sâu, vùng xa

 Như đã nêu trên, các chi phí khuyến mại, quà tặng, bồi dưỡng... đều được tính vào giá thành của sản phẩm thuốc và người gánh chịu là bệnh nhân. Từ giá thực của viên thuốc, người ta đã nâng lên nhiều chục phần trăm hoặc hơn nữa để lấy tiền này chi trả cho “hoa hồng”. Tuy nhiên, nếu chi phí này do nhà sản xuất gánh chịu trong chi phí khuyến mại của họ thì không có gì để nói. Vấn đề ở đây là trên giá thực của sản phẩm, các công ty dược một khi đã có được sản phẩm phân phối độc quyền, đã mạnh dạn nâng giá lên từ 50 - 100% hoặc cao hơn nữa để trừ cho khoản chi phí “hoa hồng”. Ngoài ra, đối với một số công ty nước ngoài, sự nâng giá gấp nhiều lần giá thực còn nhằm mục đích trả lương rất cao cho nhân viên của họ, mức lương gấp nhiều lần đối với một nhân viên có chức vụ tương đương đang làm việc ở các công ty trong nước. Thế tại sao ta không tẩy chay các loại thuốc đắt giá này? Câu trả lời là các công ty nước ngoài cũng đã dự tính trước, nên đã tạo ra một đội ngũ chuyên gia tiếp tay cho họ, buộc bệnh nhân phải dùng những dược phẩm của họ bằng chính tiền của người bệnh. Chúng ta muốn nói đến đội ngũ trình dược viên của công ty và một số ít bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh!

 Luật bất thành văn

Thực tế cho thấy, đồng lương của một bác sĩ không đủ để nuôi bản thân họ thì việc nhận “hoa hồng” để ghi toa thuốc theo yêu cầu là điều khó tránh. Từ 10% năm 1980 lên 20% năm 1990 và 30% năm 2010, cho đến thời điểm hiện tại thì với mức chi “hoa hồng” dưới 50% thì đừng mong bác sĩ chấp nhận ghi toa theo yêu cầu! Cứ kẻ sau tăng phần trăm để loại người trước ra khỏi vòng chiến. Còn bệnh nhân cứ nghĩ rằng, sở dĩ giá thuốc ngày càng tăng là do công nghệ ngày càng tốt hơn và do đồng tiền ngày càng mất giá. Trong tệ nạn này cũng có phần tham gia thiếu lương tâm nghề nghiệp của đội ngũ trình dược viên ở các công ty dược phẩm đồng lõa tiếp tay. Ngoài việc chi “hoa hồng” cho bác sĩ, còn có một hình thức thưởng tinh vi hơn, đó là đội lốt quà tặng, từ mời dự tiệc, tặng tiền mặt, vé xem thi đấu thể thao, thuốc mẫu đắt tiền... đến các chuyến đi nghỉ nước ngoài miễn phí 100% kết hợp thuyết trình về loại thuốc mới nào đó, đổi lại họ sẽ kê toa cho bệnh nhân các loại thuốc do công ty sản xuất. Một khi đã lỡ dùng tiền của người ta đi du lịch, được bao trọn gói từ A - Z, làm sao không ủng hộ sản phẩm của người ta! Các bác sĩ và một số bệnh viện có ngờ đâu, dù có vô tư cũng vô tình hợp thức hóa các việc chi, để các công ty dược bằng một mũi tên trúng hai con chim. Dùng tiền chi tay này, thu vào tay kia lớn hơn vì có hiệu quả lâu dài trong việc kinh doanh.

Tại sao giá dược phẩm ngày càng quá đắt? Câu trả lời là do các công ty dược đặt giá bản quyền thuốc quá cao, chi phí và giá thuốc tăng vọt do tiếp thị tốn kém, phần lớn thuốc mới có hiệu quả không hơn những thuốc đang có. Thông thường khi tuyển vào, mỗi trình dược viên được trả mức lương thỏa thuận với những quy định ràng buộc kèm theo, tất nhiên càng nhiều kinh nghiệm, mức lương càng hấp dẫn. Thưởng cũng có quy định riêng. Nếu vượt doanh số, mức thưởng có thể bằng lương hoặc cao hơn, thậm chí gấp đôi lương. Mặc dù, mục đích của trình dược viên gặp bác sĩ là để thông báo về các tính năng của sản phẩm mới, thuốc mới mà không phải bác sĩ nào cũng có cơ hội tiếp cận được thông tin thuốc từ các hội nghị. Tuy nhiên, có một số công ty đã lạm dụng phí hoa hồng cao và dẫn đến làm tha hóa một số nhân viên y tế. Công việc mỗi ngày của trình dược viên phải tìm đủ mọi cách để tiếp cận, tư vấn cho nhà thuốc, bệnh viện với các chiêu khuyến mại, quà tặng... bảo đảm giá thuốc của công ty ưu thế và không cao hơn mặt bằng chung của thị trường. Công ty chỉ yêu cầu, thống kê hàng loạt tên bác sĩ trong khoa, bác sĩ nào quan trọng, có thể kê đơn hàng ngày thì xếp loại A và được chăm sóc thường xuyên, loại B là các bác sĩ tiềm năng, cần tiếp cận dần và trở thành bác sĩ loại A... Bác sĩ là người quyết định tiêu thụ thuốc nhiều hay ít  tùy  từng trường hợp cụ thể. Vì thế, chuyện bác sĩ đòi hỏi hoa hồng từ các trình dược viên đã là luật bất thành văn rồi.

 “Hoa hồng” cứ rộ!

Những năm gần đây, hàng loạt đề tài tham luận của chính các bác sĩ viết đã vạch mặt chỉ tên vấn nạn hoa hồng dược phẩm. Số toa được kê quá nhiều không phải do số bệnh nhân tăng hay có thêm nhiều loại thuốc mới hiệu quả và an toàn hơn, mà do nạn chi hoa hồng nở rộ. Phần lớn bác sĩ kê toa chủ yếu dựa vào sự phổ biến của thuốc do quảng cáo và tiếp thị của công ty dược chứ không dựa vào kết quả nghiên cứu hay chi phí thuốc phù hợp với bệnh nhân. Tình trạng chi hoa hồng, thực chất là hối lộ, rất phổ biến trong mối quan hệ công ty dược - bác sĩ. Những khoản thưởng thêm thật khó cưỡng lại với các bác sĩ. Đa số các bác sĩ có mối liên quan chặt chẽ với đại diện của các công ty dược. Những người trung gian này đã biến công nghiệp y tế thành trò chơi lớn, bệnh nhân thành con bài với mạng sống bị đem đặt cược, người thắng luôn là bác sĩ, bệnh viện và công ty dược. Một số dấu hiệu để nhận biết các “bác sĩ hoa hồng” này khi bác sĩ yêu cầu tái khám quá nhiều lần, buộc làm những xét nghiệm không cần thiết, thích kê toa những loại thuốc nào đó của công ty nào đó dù không phù hợp với bệnh nhân, ít chịu kê toa những loại thuốc thay thế... Vấn nạn hoa hồng giải thích lý do các bác sĩ có xu hướng kê toa giống nhau, cả thế giới cùng dùng một loại thuốc nào đó, vào cùng một thời gian nào đó!

Trên thực tế, các khoản chi môi giới, hoa hồng luôn đồng hành với nền kinh tế, không riêng nước ta mà nước nào trên thế giới cũng tồn tại những khoản này. Vấn đề là chi đúng hay sai. Nếu sai thì phát hiện đến các trường hợp nào, đến ai thì xử lý cụ thể trường hợp đó và qua thực tiễn phát sinh để có chế độ quản lý, kiểm tra, giám sát, giảm thiểu tối đa vi phạm. Hiện nay, các khoản chi hoa hồng này không chỉ thể hiện ở hình thức nhận tiền mặt, chuyển tiền vào tài khoản trực tiếp mà còn thông qua các hình thức đa dạng như đi du lịch nước ngoài, quà tặng, quà biếu, lót tay...

Tồn tại các khoản chi phí hoa hồng, môi giới, phí bôi trơn không chỉ là điều nhức nhối riêng ở nước ta mà ở các nước khác cũng đang gặp phải... Nhà nước ta đang cương quyết chống tham nhũng, có quy chế quản lý, kiểm soát khoản chi hoa hồng môi giới cũng là một trong những biện pháp để thực hiện giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng làm lành mạnh hóa nền kinh tế và bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng.

PHƯƠNG HÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên