Với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay 10/10 xã của huyện Bắc Tân Uyên được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt 2 năm so với kế hoạch xây dựng huyện NTM của địa phương giai đoạn 2015-2020.
Diện mạo huyện Bắc Tân Uyên ngày càng khởi sắc. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng
Những ngày đầu thành lập, huyện Bắc Tân Uyên gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Lúc đó, trong số 10 xã của huyện chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, 10/10 xã của huyện đã đạt 19/19 tiêu chí và 51/51 chỉ tiêu NTM theo quy định và đang nỗ lực giữ vững, nâng chất các tiêu chí đã đạt được.
Nổi bật trong công tác xây dựng NTM của huyện Bắc Tân Uyên là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã được người dân trong huyện đồng tình, ủng hộ. Nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện chủ yếu là từ các chương trình lồng ghép, thông qua kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm từ nguồn ngân sách của huyện và vận động các doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn hỗ trợ đất, cây trồng để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như trường học, đường giao thông nông thôn…
Ông Thái Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác xây dựng NTM, đến nay diện mạo nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc, điển hình là kết cấu hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn thiện, lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường có nhiều chuyển biến tốt. Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn NTM giữ vững và nâng dần chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt; bảo đảm đến cuối năm 2018, 10/10 xã giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn NTM và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới và tiếp tục thực hiện theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020.
Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân
Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên hiện có 4 khu, cụm công nghiệp với gần 120 doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với đó là 2 dự án sắp được triển khai là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, quy mô 1.000 ha và dự án Khu công nghiệp Tân Lập I, khoảng 100 ha. Đây là tiền đề quan trọng để kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, huyện Bắc Tân Uyên cũng xác định nông nghiệp đang là thế mạnh, trong đó việc phát triển diện tích cây ăn trái có múi là hướng đi chủ đạo. Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế, thời gian qua UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” gắn với các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, chính sách phát triển vườn cây ăn trái có múi của huyện, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Trên cơ sở đó, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư thâm canh, mở rộng quy mô sản xuất; nhiều tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng địa phương đã đề ra.
Hiện toàn huyện Bắc Tân Uyên có 12 hợp tác xã hoạt động hiệu quả với tổng vốn điều lệ gần 145 tỷ đồng, thu hút hơn 100 xã viên tham gia. Toàn huyện còn có trên 2.000 ha cây ăn trái có múi, chiếm trên 50% diện tích cây ăn trái có múi của tỉnh; năng suất bình quân đạt 36,4 tấn/ha/ năm; giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng thương hiệu “Cam Bắc Tân Uyên” và “Bưởi Bắc Tân Uyên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây được xem là điều kiện quan trọng và cần thiết để cây ăn trái có múi ở Bắc Tân Uyên vươn xa trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn cũng được huyện Bắc Tân Uyên rất quan tâm. Cụ thể, các thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở; nhiều câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh, đờn ca tài tử… cũng được thành lập, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân khu vực nông thôn.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Bắc Tân Uyên đạt khoảng 1.681 tỷ đồng, tăng 12,37% so với cùng kỳ năm trước; trong đó kinh tế có vốn đầu tư trong nước đạt 1.014 tỷ đồng, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 667 tỷ đồng. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã thu hút được 32 dự án, trong đó Khu công nghiệp Tân Bình thu hút được 8 dự án với diện tích 23,1 ha; Khu công nghiệp - đô thị Tân Uyên thu hút 19 dự án với diện tích là 35,9 ha; Khu công nghiệp Đất Cuốc thu hút 5 dự án với diện tích 10,67 ha. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của huyện đạt 1.101 tỷ đồng, tăng 13,03% so với cùng kỳ năm 2017.
QUỲNH NHIÊN