Với Đề án “Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng thí điểm làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, tương lai gần nơi đây chính là mảnh đất đáng sống, thân thiện với môi trường. Tận dụng những lợi thế của địa phương và chủ trương phát triển, Bạch Đằng là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành biểu tượng xanh của tỉnh nhà.
Những sản phẩm đặc trưng của địa phương được đưa vào đề án xây dựng theo mô hình nông nghiệp thông minh kết hợp du lịch. Trong ảnh: Ông Võ Văn Sang bên vườn bưởi của gia đình
Hướng tới kiểu mẫu, thông minh
Sau khi hoàn thành chương trình nông thôn mới, đạt các chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao, xã Bạch Đằng tiếp tục thực hiện giữ vững 19 tiêu chí, đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với thí điểm làng thông minh. Trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bám sát các tiêu chí, địa phương chú trọng giữ gìn, phát triển sản phẩm đặc sản truyền thống như bưởi da xanh và bưởi đường lá cam. Những sản phẩm đặc trưng của địa phương được đưa vào đề án xây dựng theo “mô hình nông nghiệp thông minh kết hợp du lịch”.
Thực hiện đề án, địa phương đã lựa chọn các vườn mẫu triển khai các tiêu chí, diện tích vườn mẫu cho đất trồng cây lâu năm phải đạt từ 3.000m2 trở lên. Hiện nay, trên địa bàn xã có vườn của ông Dương Văn Minh cơ bản đã thực hiện các tiêu chí, đây là vườn nằm trong điểm du lịch của xã và thị xã. Ngoài ra, xã cũng lựa chọn thêm các vườn mẫu khác để nhân rộng. Với hơn 4.000m2 vườn trồng bưởi, ông Võ Văn Sang ở ấp Bình Hưng hiện đang được tập huấn kỹ thuật trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Sang tâm sự: “Thông qua các cuộc họp ở ấp, xã và tuyên truyền, người dân đã nắm được chủ trương, định hướng về xây dựng làng thông minh để cùng tham gia thực hiện. Việc xây dựng làng thông minh sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa thương hiệu đặc sản bưởi Bạch Đằng vươn xa hơn nữa”.
Ông Nguyễn Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết cơ cấu kinh tế của xã là phát triển nông nghiệp, các vườn bưởi đặc sản được quan tâm đầu tư. Thực hiện đề án, xã tập trung phát triển vùng trồng bưởi theo hướng VietGAP, GlobalGAP và hiện nay đang triển khai thực hiện các bước trồng lúa hữu cơ. Phối hợp triển khai thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP và những sản phẩm từ trái bưởi. Hiện UBND xã đang phối hợp với các ngành của tỉnh và thị xã mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân.
Nỗ lực thực hiện
TX.Tân Uyên sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho xã Bạch Đằng với các giải pháp như hoàn thiện và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, kết hợp tham quan du lịch. Cải tạo hệ thống hạ tầng khung phục vụ cho nông nghiệp và du lịch, các giải pháp về phát triển cộng đồng, nguồn nhân lực…
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án, đặc biệt thí điểm làng thông minh, xã đã tiến hành thực hiện toàn diện nhiều giải pháp. Đối với hạ tầng giao thông, UBND xã đã xây dựng kế hoạch vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án xây dựng cầu Bạch Đằng 2. UBND thị xã đã phân bổ kinh phí đầu tư hệ thống đèn led trên 2 tuyến đường giao thông nông thôn, phát triển hệ thống cây xanh ở 37 tuyến, khảo sát 27 điểm để lắp đặt camera an ninh ở các nút giao thông quan trọng.
Đặc biệt, nói đến làng thông minh chính là nơi tập trung nhiều ứng dụng của cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ sẽ phục vụ trực tiếp cho hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động nông thôn, các vấn đề y tế, giáo dục... Để hướng đến phát triển nông nghiệp số và công dân số ở khu vực nông thôn Bạch Đằng, UBND xã đã khảo sát 27 điểm lắp đặt hệ thống wifi trên địa bàn, kiến nghị UBND thị xã khảo sát và phân bổ kinh phí đầu tư trong thời gian tới. Ngoài ra, UBND xã hiện đang triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được 28 thủ tục/9 lĩnh vực, mức độ 4 được 82 thủ tục/28 lĩnh vực.
Theo lãnh đạo xã Bạch Đằng, bên cạnh sự nỗ lực của cấp chính quyền và nhân dân nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng đề án, xã còn gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp còn chậm. Đối với xây dựng làng thông minh, việc triển khai xây dựng các app ứng dụng công nghệ cao trong quản lý nhà nước, quản lý sản xuất, việc xây dựng nhân rộng sản xuất bưởi theo hướng VietGAP, GlobalGAP... vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra.
TIẾN HẠNH - VĂN DŨNG