Bàn hướng phát triển công nghiệp giải trí cho huyện Bàu Bàng

Cập nhật: 09-11-2017 | 06:25:06

Tại hội thảo định hướng phát triển công nghiệp giải trí huyện Bàu Bàng giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2030 mới đây, các chuyên gia đều cho rằng lợi thế của Bàu Bàng về lĩnh vực này là hệ thống giao thông được đầu tư liên hoàn, đồng bộ, kết nối với các khu vực trọng điểm của tỉnh và vùng lân cận.

 Huyện Bàu Bàng có nhiều thuận lợi phát triển công nghiệp giải trí. Trong ảnh: Trang trại quýt Lê Văn Phấn được kỳ vọng là điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm yêu thích của du khách. Ảnh: HOÀNG PHẠM

 Tiềm năng lớn

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ hai trục giao thông chính, Bàu Bàng sẽ tận dụng được ưu thế trục phát triển Bắc - Nam với quốc lộ 13 kết nối Bình Phước - Bình Dương - TP.Hồ Chí Minh và trục Đông Bắc - Tây Nam với tuyến đường Hồ Chí Minh kết nối giữa đồng bằng sông Cửu Long - miền Trung - Tây nguyên. Ngoài ra, các trục giao thông địa phương tạo sự kết nối liên huyện với nhau, giữa Bàu Bàng - TX.Bến Cát, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Bàu Bàng - Phú Giáo.

Với hệ thống giao thông thuận lợi là yếu tố quan trọng hình thành trung tâm công nghiệp giải trí để thu hút du khách. Bên cạnh đó, Bàu Bàng còn có 2 di tích lịch sử cấp tỉnh là Chiến thắng Bàu Bàng và Ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng và nhiều trang trại trồng trọt, chăn nuôi có diện tích hàng chục ha… cũng là điều kiện tốt để phát triển du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Miền Đông, tuy không có nhiều di sản, di tích văn hóa, điểm du lịch tâm linh… nhưng Bàu Bàng có di tích lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng, giúp địa phương xây dựng và phát triển công nghiệp giải trí mang dấu ấn, tạo nét khác, không trùng lặp so với các địa phương khác trong vùng.

Xây dựng loại hình giải trí đặc trưng

Các chuyên gia cho rằng, để ngành công nghiệp giải trí của huyện Bàu Bàng phát triển, địa phương cần xây dựng loại hình du lịch, giải trí mang đặc trưng riêng theo lợi thế sẵn có và tạo được sự liên thông, liên kết với các địa phương phát triển mạnh về du lịch không chỉ trong tỉnh Bình Dương mà mở rộng ra như Biên Hòa (Đồng Nai), TP.Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, với những lợi thế sẵn có, huyện Bàu Bàng có tiềm năng phát triển loại hình giải trí, du lịch sinh thái (gắn với các trang trại, vườn cây ăn trái, hồ Từ Vân, suối Bến Ván); du lịch nghiên cứu học tập (gắn với các trang trại, mô hình chăn nuôi); du lịch lịch sử (Di tích lịch sử Chiến thắng Bàu Bàng, Ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng)… và xây dựng các cụm dịch vụ vui chơi, giải trí tại các khu vực trung tâm.

“Bàu Bàng cần tập trung đầu tư phát triển tuyến hay điểm du lịch gắn với những sự kiện có tính chất tiêu biểu của địa phương. Đồng thời, cần thiết kế các điểm đến du lịch gắn với dịch vụ giải trí dành cho khách trong các tour du lịch liên địa phương (ngắn hạn) và tuyến thu hút khách lưu trú. Chẳng hạn như tại các di tích lịch sử, ngoài việc phát triển du lịch về nguồn, có thể quy hoạch diện tích rộng hơn để phục vụ du khách tham gia những trận đánh giả với mô hình rừng núi và những mục tiêu của sự kiện lịch sử liên quan”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lâm Nhân nói.

Tiến sĩ Võ Thành Khối, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị II cũng cho rằng, cùng với lợi thế phát triển công nghiệp - đô thị, Bàu Bàng còn có diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn, đây là điều kiện để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó, thông qua các trang trại trồng trọt lớn như trang trại bưởi Thanh Thủy, trang trại quýt Lê Văn Phấn… có thể xây dựng tour du lịch sinh thái kết hợp với trải nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn trái và nghỉ dưỡng cuối tuần cho du khách.

Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng khẳng định, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp giải trí huyện Bàu Bàng giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến 2030 phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XI và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bàu Bàng đến năm 2025. Trên cơ sở đề xuất của các chuyên gia, các sở, ngành, huyện sẽ xây dựng và phát triển các loại hình du lịch, giải trí theo thế mạnh, đặc trưng của địa phương và tăng cường xúc tiến, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực liên quan để phục vụ cho ngành công nghiệp giải trí của huyện.

 HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=507
Quay lên trên