Bước vào cao điểm mùa mưa bão 2019, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến sông.
Cảnh sát giao thông đường thủy hướng dẫn người đi đò cách mặc áo phao đúng cách. Ảnh: HUY BÌNH
Kiên quyết đình chỉ phương tiện không đủ điều kiện
Tại Bình Dương hiện có 4 sông lớn là Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính và sông Bé. Sông Đồng Nai tiếp giáp tỉnh Đồng Nai. Sông Sài Gòn tiếp giáp TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Riêng sông Sài Gòn là sông cấp 3 có chiều dài khoảng 106km, hiện có gần 400 hộ dân sinh sống ven sông với 1.632 nhân khẩu, trong đó có nhiều hộ sinh sống bằng nghề buôn bán, đánh cá. Sông Đồng Nai có tổng chiều dài khoảng 95km, với 450 hộ hơn 2.000 nhân khẩu sinh sống trên lưu vực.
Với tổng chiều dài 243km hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính và sông Bé đã đóng góp nguồn lực không nhỏ trong việc tạo cảnh quan, môi trường khí hậu. Đây còn là tuyến đường thủy nội địa góp phần quan trọng trong việc vận chuyển, giao thương hàng hóa của tỉnh và các địa phương khác. Ngoài ra, với 18 bến đò ngang và 3 bến cảng bốc dỡ hàng hóa thời gian qua đóng góp không nhỏ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, bên cạnh những điều kiện do thiên nhiên ban tặng thì các hoạt động vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách trên các con sông vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, dễ xảy ra các vụ tai nạn. Trung tá Tống Minh Sơn, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh, cho biết ngay từ đầu mùa mưa bão 2019, đội đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm tăng cường tuần tra, kiểm soát trật tự ATGT trên các tuyến đường thủy. Trong đó tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp người điều khiển các phương tiện vận chuyển hành khách, vận chuyển hàng hóa vi phạm trật tự ATGT như: Phương tiện chở quá vạch mớn nước an toàn, chở quá số người quy định, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, không đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có giấy phép điều khiển theo quy định, nhất là các tàu vận tải, xà lan vận chuyển cát đá… trên các tuyến sông đều được lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra nhắc nhở chấp hành nghiêm quy định về ATGT thủy và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
“Hiện nay, bước vào cao điểm mùa mưa nên lực lượng CSGT đã tập trung kiểm soát các phương tiện chở khách như tàu cao tốc, tàu cánh ngầm, phương tiện chở khách ngang sông. Kiên quyết đình chỉ hoạt động tất cả các phương tiện chở khách không bảo đảm các điều kiện an toàn. Những trường hợp không có bằng thuyền trưởng hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện bị lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện đều kiên quyết đình chỉ lưu hành ngay”, trung tá Tống Minh Sơn chia sẻ.
Tăng cường tuyên truyền, tuần tra
Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã chủ động cung cấp áo phao cứu sinh cho các bến đò nên không còn tình trạng các chuyến đò ngang không có phao cứu sinh khi vận chuyển khách. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, tại các bến đò có lưu lượng khách qua lại đông đúc như Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), An Sơn (TX.Thuận An) dù các phương tiện có trang bị áo phao, nhưng hành khách khách hầu như không mấy quan tâm đến việc mặc áo phao khi qua sông. Dù nhân viên, người điều khiển có nhắc nhở khách mặc áo phao, nhưng việc nhắc nhở không có kết quả. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng CSGT đường thủy thường xuyên bổ sung hồ sơ điều tra cơ bản, quản lý những hộ nổi trên mặt nước và người dân sinh sống ven sông trên 3 tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai và Thị Tính, các bến đò ngang thực hiện tốt công tác bảo đảm các thiết bị an toàn cho các phương tiện phục vụ đưa khách qua sông.
Do địa bàn rộng, hệ thống sông khá rộng lớn, trong khi đó lực lượng mỏng cũng là nguyên nhân khiến công tác tuần tra, kiểm soát và phát hiện người và phương tiện thủy vi phạm gặp nhiều khó khăn. Thái độ chưa kiên quyết buộc khách mặc áo phao mới xuống đò của chủ bến và nhân viên phục vụ khiến việc trang bị áo phao trên các tuyến đò tại các bến khách chỉ để trang bị cho có theo quy định, còn hành khách mặc chỉ để “đối phó” lúc bị kiểm tra. Cụ thể, khi thực hiện bài viết này, chúng tôi có mặt tại bến đò ngang An Sơn. Vừa thấy chúng tôi chụp ảnh, quay phim thì nhân viên phục vụ vừa “năn nỉ” khách mặc áo phao để tránh bị ghi hình các vi phạm.
Trung tá Tống Minh Sơn cho biết dù đã có các quy định, chế tài để xử lý các hành vi vi phạm, thế nhưng bên cạnh thái độ chưa kiên quyết của chủ phương tiện và thái độ chủ quan, lơ là của người dân khiến việc chấp hành quy định mặc áo phao khi qua đò vẫn chưa có nhiều kết quả. Do đó bên cạnh công tác tuần tra, xử lý nghiêm, đòi hỏi việc tăng cường công tác tuyên tuyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan; cần duy trì và có nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú thì mới mong các quy định này thực sự đi vào đời sống của người dân.
“Trong thời gian tới đội sẽ chủ động tham mưu, phối hợp các cơ quan báo, đài; chính quyền địa phương và thông qua công tác tuần tra kiểm soát tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy cho chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và các hộ sống ven các tuyến sông, góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy; đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm góp phần phòng ngừa không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy”, trung tá Tống Minh Sơn nói.
Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 4 vụ đuối nước trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai làm chết 5 người. Lực lượng CSGT đường thủy đã tổ chức tổng kiểm tra 514 trường hợp, lập biên bản 413 trường hợp vi phạm. Trong đó có 58 trường hợp vi phạm về vận chuyển hàng hóa quá vạch mớn nước; 22 phương tiện không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn; 51 trường hợp không trang bị đầy đủ trang thiết thiết bị. Lực lượng đã ra quyết định xử phạt hành chính 364 trường hợp, nộp ngân sách Nhà nước với tổng số tiền hơn 243 triệu đồng.
MINH DUY