Theo lộ trình, bắt đầu từ đầu năm 2017, kinh phí quốc tế hỗ trợ cho hoạt động phòng chống HIV/ AIDS sẽ bị cắt giảm dần, tiến đến không còn. Để có nguồn lực duy trì cung cấp các dịch vụ, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn…
Khi nghi ngờ bị nhiễm HIV, đối tượng cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: H.THUẬN
Tại hội nghị AIDS toàn cầu lần thứ XIX năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo, điều trị ARV có thể giúp chặn đứng và chấm dứt dịch HIV. Theo đó, điều trị sớm cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV giúp ngăn ngừa 96% tỷ lệ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục và giảm 90% các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Do đó, nếu thiếu hụt kinh phí cho điều trị, số ca tử vong và số ca nhiễm mới sẽ tăng rất nhanh. Hiện nay, các nhà tài trợ quốc tế đóng góp 90% nguồn thuốc ARV tại Việt Nam. Nguồn thuốc này bắt đầu giảm mạnh từ năm 2015 và cắt giảm hoàn toàn vào năm 2017.
Theo thống kê, tính đến tháng 9-2016, toàn tỉnh đang quản lý 2.190 bệnh nhân, trong đó có 2.138 bệnh nhân tham gia điều trị ARV tại 5 cơ sở trên địa bàn.
Theo nhận định của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, nếu khoảng trống thiếu hụt này không được bù đắp sẽ có một lượng bệnh nhân bị gián đoạn điều trị. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc và bệnh nhân sẽ phải chuyển sang phác đồ điều trị đắt tiền hơn. Khi tính về chi phí hiệu quả điều trị ARV tại các nước có nguồn lực hạn chế cho thấy, nếu điều trị bằng thuốc ARV cho 10.000 người sẽ cứu được 6.500 trường hợp tử vong vì HIV. Vì thế, điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao. BHYT được xác định là nguồn bảo đảm cho người nhiễm HIV tiếp cận, duy trì điều trị một cách bền vững. Đối với người nhiễm HIV, thuốc ARV đã nằm trong danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả.
Bảo đảm kinh phí cho các hoạt động HIV/AIDS có ý nghĩa vô cùng to lớn. Ngay từ khi có thông tin kinh phí sẽ bị cắt giảm, ngành y tế Bình Dương đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Bình Dương giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu mà kế hoạch đặt ra là tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách Nhà nước tại tỉnh và tiến tới ngân sách Nhà nước ở địa phương, đơn vị (bao gồm cả nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước ở Trung ương thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia) bảo đảm được nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh; huy động nguồn viện trợ quốc tế đạt tỷ lệ tối thiểu 20% tổng chi phí cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS vào năm 2017, 10% vào năm 2020; bảo đảm 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/ AIDS tại doanh nghiệp; bảo đảm tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT được chi trả theo quy định đạt 100% vào năm 2020... Kinh phí thực hiện các hoạt động triển khai thực hiện kế hoạch này được sử dụng từ nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS, ngân sách chi thường xuyên của các đơn vị thực hiện, nguồn BHYT chi trả, nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ, nguồn viện trợ và các nguồn hợp pháp khác.
CẨM LÝ