Từ năm 2013 đến nay, với những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả tập trung vào các lĩnh vực như tuyên truyền, giáo dục, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT)... Bình Dương đã kéo giảm được tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT.
Tăng cường tuyên truyền góp phần giảm thiểu vi phạm về ATGT. Trong ảnh: Học sinh tham quan triển lãm tranh biếm họa ATGT tại lễ ra quân Tháng ATGT năm 2015 tại TX.Dĩ An
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Những năm qua, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm góp phần giữ gìn trật tự, ATGT và trật tự đô thị. Trong đó, riêng lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có nhiều cách làm hay nhằm nâng cao nhận thức về ATGT của các bạn trẻ. Cụ thể như Tỉnh đoàn đã tổ chức Ngày hội Thanh thiếu nhi Việt Nam với văn hóa giao thông (VHGT); Ngày hội VHGT cho thanh niên công nhân (TNCN); các hội thi tìm hiểu, các buổi triển lãm hình ảnh, đội hình thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự, ATGT; ra quân tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; tổ chức ngày hội lái xe an toàn và tư vấn về đội mũ bảo hiểm an toàn...
Một hoạt động thiết thực khác của tổ chức Đoàn là các đội hình thanh niên xung kích đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Thanh niên với VHGT”, thông qua việc vận động học sinh ký cam kết không điều khiển xe mô tô, không vi phạm pháp luật về ATGT...
Theo anh Phạm Hồng Thắng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, việc nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng VHGT trong cộng đồng, đặc biệt là trong thanh thiếu nhi là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Việc thực hiện cuộc vận động thanh niên với VHGT nhằm mục tiêu cùng nhau chung tay xây dựng một môi trường thân thiện, an toàn, không có TNGT, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của thanh thiếu nhi và của người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành luật giao thông trong cuộc sống hàng ngày…
Các cấp công đoàn trong tỉnh thì có nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến trong công nhân viên chức lao động về ATGT, tích cực góp sức cùng các cấp, các ngành bảo đảm trật tự, ATGT, kéo giảm TNGT và hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn. Hàng năm, ngay sau khi Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh có kế hoạch tuyên truyền về bảo đảm trật tự, ATGT trong công nhân viên chức lao động, các cấp công đoàn đã triển khai cụ thể xuống các công đoàn cơ sở, đến từng người lao động và thực hiện cấp phát tài liệu, tờ rơi, áp phích tuyên truyền về pháp luật ATGT; tiếp tục thực hiện việc bán, đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng cho người lao động; tổ chức nhiều buổi tọa đàm, nói chuyện theo chuyên đề về trật tự, ATGT…
Nhiều cách làm hiệu quả
Cùng với đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục; Ban ATGT tỉnh cùng một số ban, ngành và các doanh nghiệp vận tải tổ chức ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá trọng tải cho phép khi tham gia giao thông - đây là cách làm thiết thực và hiệu quả nhằm phục vụ công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh.
Để đẩy mạnh công tác kiểm soát tải trọng, Ban ATGT, Công an tỉnh cùng các ban, ngành liên quan cũng đã triển khai nhiều biện pháp như: Tổ chức ký cam kết chấp hành đúng các quy định về tải trọng trong quá trình vận chuyển; cam kết không chở quá số người quy định và chấp hành các quy định của pháp luật về vận chuyển hành khách; tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trực tiếp cho các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý ô tô vi phạm chở hàng quá tải, tự ý cải tạo kích thước, hình dáng của xe. Đồng thời chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm nâng cao chất lượng và tinh thần trách nhiệm trong công tác đăng kiểm….
Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh còn tổ chức thực hiện tuyên truyền và ký cam kết không xếp hàng lên phương tiện vượt quá trọng tải cho phép khi tham gia giao thông đối với các đơn vị là đầu mối hàng hóa lớn, các mỏ vật liệu, mỏ quặng, kho hàng… trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) phối hợp Công an tỉnh và các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xếp hàng hóa lên phương tiện và giám sát việc thực hiện các nội dung cam kết đã ký của các đơn vị...
Theo ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Dương, Sở GTVT tỉnh đã quán triệt tới toàn bộ trung tâm đăng kiểm, phải làm nghiêm, làm chặt. Tất cả các trường hợp vi phạm đều phải cắt bỏ thùng cơi nới mới cho đăng kiểm. Về việc ngăn chặn tình trạng xe quá tải, thời gian qua lực lượng Thanh tra GTVT đã tập trung tăng cường kiểm tra trên những tuyến đường trọng điểm như: QL.1K, đại lộ Bình Dương, đường ĐT746, các tuyến đường xung quanh mỏ đá... Bên cạnh đó, đơn vị này cũng có văn bản yêu cầu các chủ phương tiện phải ký cam kết không chở hàng quá tải, đồng thời thường xuyên tổ chức cân tải trọng xe lưu động ngay tại các mỏ đá, bến bãi, đặc biệt là tại khu vực TX.Dĩ An… để hạn chế tình trạng xe quá tải. Tất cả các trường hợp cố ý vi phạm, khi bị phát hiện đều bị xử lý nghiêm…
Từ năm 2013 đến nay, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra trên 14.500 ô tô tải, lập biên bản xử phạt 8.328 trường hợp vi phạm về tải trọng xe với số tiền trên 27,013 tỷ đồng; buộc hạ tải 8.079,10 tấn hàng, tước quyền sử dụng GPLX hơn 1.900 trường hợp; kiểm tra phát hiện 414 trường hợp vi phạm kết cấu thành, thùng xe, xử phạt hơn 309 triệu đồng...
BÌNH MINH