16g chiều 14-10, nhóm PV, CTV Tuổi Trẻ tại miền Trung hối hả thông tin về cho biết: "Mưa gió đang càng lúc càng mạnh dần...". Theo dự báo, nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào khu vực ven biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Mưa và gió bắt đầu lớn ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế - Ảnh: Thuận Thắng
16g30: Phóng viên Viễn Sự đang có mặt ở phía bắc Đèo Hải Vân cho biết đến thời điểm này Thừa Thiên Huế đã tăng cường thêm 600 chiến sĩ bộ đội Biên Phòng để sẵn sàng ứng cứu dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Phương, phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế cho biết chiều nay Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế đã tăng cường 600 chiến sĩ đến 4 điểm xung yếu.
Đó là Xóm Cồn Đâu, xã Hải Dương thị xã Hương Trà; thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang; thị trấn Lăng Cô và phía bắc đèo Hải Vân; huyện miền núi A Lưới.
16g15: có mặt trong thành phố Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy dòng sông Hàn đang đục vàng mau nước, lên sóng dữ dội. UBND Thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu tàu thuyền không neo trên sông Hàn, từ 17g hôm nay giới hạn người dân ra đường.
Trên cầu sông Hàn, những người dân vội vã phóng xe qua. Nhiều nhà dân, hàng quán neo chặt vật dụng, mái nhà bằng bao cát hoặc dây kẽm níu những đồ vật để tránh chúng bị xô ngã.
16g00: Tại khu vực ven biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, gió giật cấp 7-8. Tại một số khu vực bờ biển thuộc xã Vinh Hiền, Vinh Hải, sóng biển cao từ 2-3m đã bắt đầu đánh ào ạt qua các đồi cát.
Mặc dù tại xã Vinh Hải, kè biển đã được kê hơn 10.000 bao cát nhưng theo các cán bộ xã này thì khả năng chỉ trong vài tiếng nữa, bờ cát này sẽ bị sóng đánh qua. Nước biển đe dọa sẽ tràn vào các khu dân cư.
Cho đến thời điểm này, đã có hơn 3.000 dân xã Vinh Hải phải sơ tán lên các điểm an toàn hoặc các nhà dân kiên cố.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó chánh Văn phòng UBND huyện Phú Lộc cho biết toàn bộ công tác di tản dân đã hoàn thành lúc 10 giờ sáng nay. Hơn 15.000 người dân đã được sơ tán.
Huyện Phú Lộc đã dự trữ 30 tấn gạo, 2.000 thùng mì, 3.000 lít dầu để đề phòng bão. Ngoài ra, mỗi xã dự trữ tại chỗ khoảng 10 tấn gạo, 200 thành mì và 1.000 lít dầu để ứng cứu người dân khi bão vào.
Huyện đã huy động 120 cán bộ, dân quân và hơn 40 phương tiện cơ giới để chờ bão.
Tàu cá liên tiếp bị nạn do ảnh hưởng bão
Theo Bộ đội Biên phòng Phú Yên, đến sáng 14-10, hai tàu cá PY92088TS và PY90204TS (cùng ở phường 6, TP Tuy Hòa, Phú Yên) mới đến được nơi tàu PY92999TS bị nạn hôm 8-10, tại khu vực đảo Đá Đông (quần đảo Trường Sa), để chở người và ngư cụ.
Một vụ tai nạn khác, tàu cá PY91025TS của ông Lê Thanh Khang bị hỏng máy ở khu vực đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Cũng trong sáng 14-10, tàu cá PY95183TS do ông Lê Văn Lĩnh ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) làm thuyền trưởng đã tiếp cận và lai dắt tàu được tàu này đến nơi an toàn để sửa chữa.
Trước đó, trưa 13-10, tàu cá LA05698TS do ông Phạm Thanh Tuyền ở Cần Giuộc (Long An) làm thuyền trưởng, khi vào cửa biển Đà Diễn (TP Tuy Hòa), đã bị sóng đánh chìm. Có hai người trên tàu bơi được vào bờ thoát nạn.
Đến chiều 14-10, Phú Yên còn 89 tàu thuyền với 758 lao động đang ở khu vực quần đảo Trường Sa. Tất cả tàu thuyền đều liên lạc được với gia đình và bộ đội biên phòng, đồng thời nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động tránh trú an toàn.
Tại buổi làm việc khẩn với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trưa 14-10, bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát đã yêu cầu địa phương này phải sớm di dời dân, tránh tâm lý chủ quan bởi bão số 11 rất mạnh, sẽ không thể ứng cứu trong bão.
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện nói rằng hiện lực lượng tại chỗ không thể xử lý kịp thời khi bão đổ bộ, đề nghị lực lượng quân đội khẩn trương hỗ trợ cho tỉnh.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu Quân khu 4 chi viện lực lượng, phương tiện cho Thừa Thiên-Huế và vùng phía nam Quảng Trị.
Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết trong chiều 14-10 sẽ điều động 200 cán bộ chiến sĩ về chốt các điểm xung yếu, phối hợp với lực lượng của Tỉnh đội kịp thời hỗ trợ người dân đối phó với bão số 11.
Theo Tuổi Trẻ